Người nuôi gà... đang khóc

Lữ Ý Nhi| 10/04/2020 01:30

Gà, vịt, trứng gia cầm không bán được, giá mua lại thấp nhưng người tiêu dùng lại vẫn phải mua giá cao. Bất cập ở đâu?

Người nuôi gà... đang khóc

Càng nuôi càng lỗ

Vừa xuất chuồng 30.000 con gà với giá 12.000 đồng/kg, một nông dân ở Đồng Nai cho biết, trang trại của ông lỗ hơn một tỷ đồng vì giá bán chỉ còn chỉ 50% giá thành chăn nuôi. Ông này cho biết: “Chưa có năm nào khó khăn như năm nay, cứ nuôi một đàn gà thì lỗ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/con. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 nên các trường học, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, vì vậy thương lái không mua, dẫn đến giá gà liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó còn do tâm lý đám đông. Thực tế năm ngoái, “do dịch tả lớn châu Phi nên đàn heo không phát triển, nhiều người lại tập trung vào nuôi gà và có nhiều trang trại tăng số lượng gà lên gấp rưỡi. Đó là lý do cung vượt cầu, một lãnh đạo trong ngành chăn nuôi cho biết.

Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, giá gà thịt lông màu hiện dao động khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg, còn gà thịt công nghiệp lông trắng giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Đối với trứng gà thì tuột dốc đến mức thấp chưa từng có từ 900 - 1.000 đồng/quả, trong khi đó để hòa vốn phải bán được 1.500 đồng/quả. Riêng những người chăn nuôi gà lông trắng lại cho rằng, họ là những người “bi đát” nhất vì có thời kỳ mua gà giống 28.500 đồng/con nhưng bây giờ bán chỉ 17.000 đồng/con.

Link bài viết

Với những người nuôi vịt, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Anh Sáu Lúa ngụ tại Cần Thơ cho biết: “Nuôi một con vịt hơi phải mất 30.000 đồng nhưng bây giờ giá bán thì chỉ còn 17.000 đồng/kg. Cứ đà này, càng nuôi càng lỗ vì tiền mua thức ăn cho đàn gia cầm tới mấy ngàn con sẽ không kham nổi, nếu không được Nhà nước có biện pháp cứu giúp thì một thời gian nữa sẽ bị mất hết vốn và khó tránh khỏi phá sản”.

Trong lúc tổng đàn gà trong nước cung vượt cầu thì lượng gà nhập khẩu về Việt Nam lại quá lớn. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu 142.190 tấn thịt gà với trị giá hơn 120 triệu USD trong nửa đầu năm 2019. Ước tính sản lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2019 khoảng 250-260 nghìn tấn, tăng hơn 50% so với năm 2018. 

Sản xuất chưa gắn với lưu thông 

Trong khi ngay tại các trang trại, hộ chăn nuôi, gà, vịt, trứng gia cầm phải nằm chuồng vì không có đầu ra, lại bị thương lái mua giá rất thấp thì giá bán đến tay người tiêu dùng lại cao gấp nhiều lần. Đơn cử giá gà thịt gà công nghiệp và gà lông màu bán tại các chợ và siêu thị vẫn bán từ 80.000 - 130.000 đồng/kg.

Bất cập này được các chuyên gia trong ngành lý giải là do yếu tố cung cầu, hơn nữa do quá nhiều hộ chăn nuôi, các trang trại phát triển nên đầu ra hạn chế. Theo ước tính, hiện nay lợi nhuận thu được của người nuôi gà công nghiệp chỉ được 5%, thương lái 21%, người bán lẻ từ 32 - 33%. Còn gà lông màu thì người nuôi được khoảng 6% nên người chăn nuôi lúc nào cũng lỗ”.

Theo ông Trần Duy Khanh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: “Tình trạng ứ đọng, dư thừa thịt gia cầm là do các bộ quản lý chưa sâu sát. Đơn cử, Bộ Công Thương nhiều năm qua gần như phó mặc cho thị trường tự quyết định. Phương pháp thống kê của Tổng cục thống kê cũng chưa chính xác, đơn cử thời gian xoay vòng của gia cầm ít nhất từ 2 - 2,5 lứa/năm, thì thống kê lại đưa ra một lứa/năm.

chan-nuoi-ga-3058-1586471390.jpg

Bên cạnh đó, việc tạm nhập tái xuất cũng là nguyên nhân. Có những năm, hàng thương phẩm thịt gà tạm nhập tái xuất lên đến trên 5 triệu tấn, bằng cả sản lượng chăn nuôi gia cầm trâu bò của Việt Nam. Đến khi Trung Quốc dừng không cho xuất thì lượng thịt này phải tiêu thụ trong nước khiến nguồn cung tăng cao.

Song nút thắt lớn nhất đó là việc tách rời giữa người sản xuất và khâu lưu thông, trong đó khâu lưu thông gần như buông lỏng, dẫn đến việc một con gà từ lúc xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 3-4 tầng trung gian và mỗi tầng giá lại đội lên vài chục phần trăm. Đó là lý do giá giá mua từ người chăn nuôi rất thấp nhưng đến tay người dùng lại cao gấp nhiều lần.

Nghịch lý này theo ông Khanh sẽ làm giảm sức mua vì khi giá cao, người tiêu dùng sẽ suy tính hơn, ít mua hơn dẫn đến tiêu thụ chậm hơn. Khi tiêu thụ chậm, người chăn nuôi sẽ bỏ chuồng, không muốn nuôi nữa. Khi đó, nguồn cung lại có nguy cơ thiếu.

Để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, chỉ có con đường duy nhất là phải tổ chức mô hình liên kết từ khâu trang trại đến tiêu thụ. “Đã đến lúc phải thay đổi tư duy quản lý, không thể cắt khúc, một bộ chuyên sản xuất thì không nghĩ đến việc lưu thông, một bộ chuyên về lưu thông thì lại không kiểm soát thị trường, để mặc cơ chế thị trường quyết định. Bên cạnh đó, cần xem lại chính sách tạm nhập tái xuất gia cầm. Thực tế, có những năm lượng nhập cao đến 7 triệu tấn đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với người chăn nuôi trong nước”, ông Khanh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người nuôi gà... đang khóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO