Thấp nhất trong 5 năm qua
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3/2020, các thành viên VAMA bán ra 19.154 xe, tăng 10% so với tháng trước, nhưng giảm đến 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, 3 tháng qua, các thành viên VAMA chỉ bán được 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019. Tính về loại, xe du lịch giảm tới 35%, xe thương mại giảm 26%, xe chuyên dụng giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý có sức mua thấp nhất trong 5 năm qua.
Thống kê của VAMA cũng cho thấy, ba tháng qua, hầu hết các thương hiệu ô tô, kể cả những thương hiệu có doanh số tốt như Toyota, Ford, Kia, Mazda, đều bị giảm mạnh. Trong đó, doanh số Peugeot giảm 56%, Mazda giảm 49%, Ford giảm 48%, Honda giảm 39%, Toyota giảm 28%, Hyundai giảm 9,1%...
Theo chia sẻ của Trưởng Ban Truyền thông và Trách nhiệm xã hội Công ty Toyota Việt Nam Hoàng Thị Như Quỳnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 3/2020, công ty chỉ bán được 5.143 xe, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch giảm 42%, xe thương mại giảm 46%.
Những mẫu xe trong top xe bán chạy nhất thị trường nhiều năm liền của công ty như Vios, Innova… cũng sụt giảm đáng kể. Cụ thể, Toyota Vios bán được 2.293 chiếc (giảm 28%), Innova chỉ bán được 544 chiếc (giảm 68%), Fortuner bán được 656 xe (giảm 19%), Altis bán được 226 xe (giảm 19%…
Thị trường ô tô sụt giảm mạnh trong 3 tháng qua. Ảnh: T.L |
Theo Bộ Công Thương, nhiều DN trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải… đã phải giảm hoặc tạm dừng hoạt động. Số lượng khách hàng tới tìm hiểu để mua xe tại các đại lý đã giảm sút lớn và số lượng hợp đồng ký mới cũng giảm tương ứng. Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số bán hàng của các DN.
Sự sụt giảm của thị trường báo hiệu một mùa kinh doanh ảm đạm hơn đang chờ đón các DN trong thời gian tới. Bởi, trong tháng 2 và 3/2020, mặc dù các hãng xe liên tục ra mắt sản phẩm mới và áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn nhưng sức mua chỉ nhích nhẹ so với tháng trước đó. Tháng 4 này, nhiều cửa hàng kinh doanh xe tạm thời đóng cửa trong thời gian từ ngày 1-15/4 theo yêu cầu của Chính phủ, vì thế sẽ khó có đạt được mục tiêu doanh thu đặt ra.
Dù hiện tại, tình hình dịch bệnh đang tiến triển theo hướng tích cực nhưng để "người tiêu dùng mạnh tay chi tiền cho ô tô là rất khó". Và, theo một đại diện của VAMA, thị trường ô tô Việt Nam trong năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo của VAMA trước đó.
Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Ảnh: T.L |
Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ
Không chỉ khó khăn trong bán hàng, dịch bệnh đã khiến nhiều DN phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Tính đến nay, đã có 7 DN sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam tạm dừng hoạt động sản xuất. Điều này cũng sẽ khiến các hoạt động mở rộng đầu tư của các hãng sẽ bị đình trệ.
Trong đó, DN giữ hơn 10% thị phần trên thị trường ô tô Việt là Ford Việt Nam đã phải tạm dừng dự án đầu tư, mở rộng nhà máy tại Hải Dương vì Covid-19. Quyết định đầu tư thêm 82 triệu USD hồi đầu năm của Ford Việt Nam để nâng sản lượng từ 14.000 xe/năm hiện tại, lên 40.000 xe/năm vào giữa năm 2020 vì thế khó đạt tiến độ đề ra. Tương tự, hoạt động đầu tư, mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các DN như Toyota Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam cũng bị tác động nhất định bởi Covid-19.
Với những khó khăn đang đối mặt, cuối tháng 3/2020, VAMA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô trong nước. Trong đó, đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng và 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh. Các DN ngành ô tô cũng kỳ vọng Chính phủ cho giãn nộp thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt hằng tháng trong thời gian ít nhất từ tháng 3 đến tháng 9/2020 theo dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng.
Thị trường ô tô có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ảnh: T.L |
Có quá nhiều khó khăn mà DN ngành ô tô khiến cơ quan quản lý không thể "làm ngơ" trước các đề xuất của ngành này. Bộ Công Thương mới đây đã kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, kể từ tháng 4/2020.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước song song với việc ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN ngành ô tô. Trong đó, đặc biệt là các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nội địa để hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam khắc phục bất lợi về giá thành so với ô tô nhập khẩu, từ đó tiếp tục duy trì để phát triển.
Với trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với Bộ Tài chính miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô cho VinFast để sản xuất, lắp ráp ô tô xuất khẩu ra nước ngoài.
Những động thái mạnh mẽ của của các cơ quan quản lý hy vọng sẽ phần nào kích thích thị trường ô tô trong thời gian tới. Bởi theo các chuyên gia, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, thị trường ô tô Việt sẽ tuột dốc không phanh, giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.