Thị trường điện cạnh tranh đã được quy định trong Luật Điện lực (năm 2004) và Luật Điện lực sửa đổi (năm 2013), được cụ thể hóa trong Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo ba cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh.
Việt Nam đã có gần 20 năm nghiên cứu và thực hiện, nhưng thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả, lành mạnh và bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện.
Đến nay, EVN vẫn quản lý, điều hành hầu hết hạ tầng cốt lõi của ngành điện, bao gồm hệ thống lưới điện (truyền tải và phân phối), hệ thống đo đếm điện năng và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Trong khi đó, Điều 19 Luật Điện lực quy định phải có đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách nhiệm điều hòa, phối hợp mua bán điện và dịch vụ phụ trợ.
"Thực hiện thị trường điện cạnh tranh còn bị ảnh hưởng từ việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tái cơ cấu không triệt để", GS. Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nói. "Mục đích cuối cùng của thị trường điện cạnh tranh là nhiều tổ chức buôn bán điện cạnh tranh với nhau, nhưng trong đề án tái cơ cấu, công ty mua bán điện vẫn trực thuộc EVN”.
Theo GS. Trần Đình Long, khung pháp lý - một nhân tố khác làm ảnh hưởng đến việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh đến nay chưa được quy định và cũng chưa biết bao giờ mới hoàn chỉnh để các công ty bước vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Nếu không sớm có những quy định về vận hành thị trường bán buôn và điều lệ để các công ty hoạt động thì thị trường điện cạnh tranh khó có thể hình thành đúng lộ trình.
Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến 2030, tầm nhìn đến 2045", trong đó xác định sẽ củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện, phát triển, mở rộng phạm vi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2026.
Việc gỡ bỏ độc quyền 100% của EVN chưa thể diễn ra trong một sớm một chiều, dù theo quy định pháp luật, có những khâu dần được tách ra để vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tốc động tăng trưởng nguồn điện đang chậm lại đáng kể. Báo cáo về cân đối cung cầu điện của Bộ Công Thương cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện 4 năm trở lại đây đã sụt giảm còn 8%/năm, thua xa con số 13%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Dự báo mới nhất của Viện Năng lượng cho thấy, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 và dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh vào năm 2025, khoảng 478,1 tỷ kWh vào năm 2030.
Tháng 8/2020, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, gồm ba giai đoạn: giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn hai (từ năm 2022-2024) khách hàng có thể mua điện trên thị trường điện giao ngay, giai đoạn ba (từ sau năm 2024) khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
Theo PGS-TS. Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chỉ thị trường phát điện cạnh tranh đích thực mới thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn phát triển các nguồn điện. Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo sự tham gia công bằng của các nhà đầu tư và thu hút được nguồn lực xã hội cho phát triển năng lượng. Với thực trạng năng lượng điện hiện nay, nếu không có giải pháp rốt ráo hơn, hậu quả của cơ chế độc quyền có thể tiếp tục gây tổn thất cho nền kinh tế.