Tăng thuế nhập khẩu ô tô: Doanh nghiệp cần thời gian thích ứng

QUÝ YÊN - NGUYÊN BẢO| 14/01/2016 08:36

Với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo chính sách mới, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu đang lo ngại thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng...

Tăng thuế nhập khẩu ô tô: Doanh nghiệp cần thời gian thích ứng

Với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo chính sách mới, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô nhập khẩu đang lo ngại thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. DN cho rằng, mọi sự điều chỉnh, thay đổi đều cần phải có thời gian để chuẩn bị và thích ứng. 

Đọc E-paper

Những ngày đầu năm 2016, thị trường ô tô “nóng hầm hập” bởi giá xe nhập khẩu tăng mạnh. Theo đó, từ 1/1/2016, Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc chính thức có hiệu lực.

Trong đó, riêng với ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi, giá làm căn cứ tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Nói một cách dễ hiểu là với chính sách mới này, tổng thuế mà DN phải trả cho mỗi xe sẽ tăng thêm 13%.

Điều trước mắt với những quy định điều chỉnh về thuế này là giá xe tăng. Bằng chứng là vừa bước vào những ngày đầu năm 2016, nhiều hãng xe đã đồng loạt tăng giá bán.

Mức chênh lệch từ khoảng hơn 20 - 250 triệu đồng. Nhưng, đó chưa phải là điều quan trọng. Ảnh hưởng lớn nhất trong việc điều chỉnh này là nguy cơ sụt giảm thị trường là khá lớn. Đây không phải lần đầu DN nhập khẩu xe ô tô chịu điều chỉnh thuế.

Cụ thể, 2012, Nhà nước đã tăng phí đăng ký ô tô. Ông Laurent Genet - Tổng giám đốc Audi Việt Nam cho rằng, quyết định này gây ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Theo khảo sát của Công ty, có đến hơn 50% người dùng khu vực Hà Nội ra khỏi thị trường. Thị trường TP.HCM tuy mức độ sụt giảm không nhiều như thế nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Thời điểm đó, các DN nhập khẩu xe cũng chật vật.

“Chúng tôi phải nỗ lực rất lớn để quảng bá, đến thời điểm này mới tạm coi là thị trường khởi sắc trở lại. Với cách tính thuế mới, tôi không dám chắc là thị trường sẽ duy trì được sinh khí như bây giờ. Khi người mua e dè, cả người bán, người nhập khẩu lẫn Nhà nước đều thất thu vì những khoản thuế thu từ thị trường ô tô nhập khẩu hiện nay rõ ràng là không nhỏ”, ông Laurent Genet nói.

Cũng không quá khó hiểu nỗi “sốt ruột” của các nhà nhập khẩu ô tô vì người Việt ngày càng “bạo chi” cho các dòng xe nhập khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2015 của Việt Nam ước đạt 125.000 chiếc với giá trị hơn 2,9 tỷ USD, tăng 76,6% về lượng và tăng 87,7% về giá trị so với năm 2014.

Ông Laurent chia sẻ, DN cũng thấu hiểu việc Chính phủ phải tăng thuế nhập khẩu ô tô để bù vào các khoản thâm hụt khác nhưng việc này phải có lộ trình và có thời gian đủ để DN có thể xoay xở.

DN nhận được thông tin từ giữa tháng 11/2015 nhưng đến ngày 1/1/2016 là đã triển khai. DN cần thêm thời gian và có hướng dẫn cụ thể để các bên liên quan có thể thống nhất cách tính thuế và tính thuế một cách hợp lý.

Nếu như theo quy định mới, thuế tiêu thụ đặc biệt không tính trên giá nhập khẩu mà tính theo giá bán ra. Như vậy, nó bao gồm tất cả các chi phí mà DN kinh doanh xe nhập khẩu phải chi ra để vận hành DN.

Điều này hoàn toàn không hợp lý. Các DN kinh doanh xe nhập khẩu đều mong Chính phủ có những điều chỉnh hợp lý hơn và kéo dài thời hạn thực thi để kịp thích ứng.

Một DN khác kinh doanh ô tô nhập khẩu cũng bày tỏ quan điểm, với cách tính thuế mới, khách hàng sẽ là người chịu thiệt. Ông Nguyễn Đăng Thảo - Tổng giám đốc Euro Auto, cho rằng, ngoài việc gây biến động và sụt giảm thị trường, cách tính thuế mới còn có thể góp phần dẫn đến việc không giữ chân được các hãng xe nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, bởi họ cần có chính sách ổn định lâu dài.

Đó là chưa tính đến thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng thêm 10 - 15% từ 1/7/2016 đối với các dòng xe phân khối lớn, có công suất trên 2.0.

Theo ông Thảo, kinh doanh xe nhập khẩu là một ngành đặc thù. Đơn hàng của DN thường kéo dài từ 3 - 6 tháng do vận chuyển, phải thiết kế riêng về mặt nội thất chẳng hạn...

“Từ đầu tháng 11/2015, DN đã có đơn hàng và ký kết hợp đồng với khách hàng cho việc giao xe cho năm 2016. Kế hoạch kinh doanh cũng đã “chốt” với nhà sản xuất từ trước, việc thay đổi cách tính thuế đột ngột như hiện nay khiến kế hoạch kinh doanh cho năm 2016 của các hãng xe đi vào bờ... phá sản. Cách tính thuế mới không chỉ đánh vào túi tiền người mua mà còn đánh vào chính nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của DN, dù rằng chúng tôi đã phải chịu thuế thu nhập DN. Rõ ràng là thuế chồng thuế”, đại diện Euro Auto nói.

Vị này cũng nhìn nhận, không phủ nhận nhu cầu sở hữu xe hơi vẫn đang tăng nhưng việc tăng thuế khiến khách hàng phải bỏ thêm tiền để chia sẻ khó khăn với DN.

Vậy, khách hàng sẽ là người chịu ảnh hưởng đầu tiên sau đó là đến công nhân viên làm việc ở các DN nhập khẩu ô tô vì chi phí tăng, DN sẽ phải cắt giảm các khoản phúc lợi để bảo đảm doanh thu.

Sau nữa, thiệt thòi đến DN. Với mức sống hiện nay ở Việt Nam, ô tô không còn là hàng xa xỉ mà là hàng hóa thiết thực của người tiêu dùng. Nhu cầu ô tô ngày càng tăng, cách tính thuế mới là rào cản, làm chậm tiến độ phát triển của thị trường.

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) bao gồm các khoản thu trong nước (thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí...), thu từ dầu thô, thu từ hải quan (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu...) và thu từ viện trợ không hoàn lại.

Trong đó, thu trong nước (thu nội địa) luôn chiếm trên 50% tổng thu. Năm qua, nguồn thu này càng quan trọng do thu từ dầu thô giảm mạnh do ảnh hưởng của giá dầu thế giới.

Đáng lưu ý, ngay từ đầu năm 2016, trong khi các dòng thuế “đối ngoại” giảm thì một số loại thuế, phí nội địa tăng. Điển hình như việc “tăng kịch trần” phí sử dụng đường bộ.

Theo Quy định 159 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2016, mức thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí có thể tăng tối đa 52.000 đồng/lượt (đối với xe dưới 12 chỗ ngồi), còn với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên thì mức thu cao nhất tăng 200.000 đồng/lượt/vé.

Điều này sẽ tác động không nhỏ đến chi phí hoạt động của DN, nhất là chi phí logistics. Hiện, để xuất được một container hàng hóa, bên cạnh các chi phí như đóng gói, vận chuyển từ nhà máy đến cảng, phí cầu đường thì DN còn phải chịu thêm những chi phí “mềm” khác.

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Hội nghị quốc tế logistics Việt Nam mới đây, chi phí logistics của DN xuất nhập khẩu trong nước đang chiếm 21% trong tổng chi phí, cao gấp đôi so với Malaysia, làm hàng hóa mất khả năng cạnh tranh do giá thành cao. Do đó, mục tiêu của DN Việt Nam là giảm chi phí này xuống mức khoảng 15% vào năm 2020.

Liên quan đến về vấn đề này, ông Ngô Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi cho biết, với những DN vừa xuất khẩu, vừa bán hàng nội địa, chi phí vận chuyển khá lớn, việc tăng phí cầu đường sẽ có tác động dây chuyển, vì chi phí logistics khiến chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên giá bán không phải muốn tăng là tăng vì còn phải “dòm ngó” đối thủ cạnh tranh. Theo đó, nếu tăng giá thì hàng hóa khó bán, còn nếu giữ nguyên thì ảnh hưởng đến lợi nhuận.

>AEC: Lào bãi bỏ thuế nhập khẩu ô tô có xuất xứ từ ASEAN

>TPP: Sau 10 năm, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0%

>Vì sao thuế nhập khẩu giảm, giá ô tô vẫn tăng?

>Năm 2016, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ về 0%?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng thuế nhập khẩu ô tô: Doanh nghiệp cần thời gian thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO