Sáu năm xây dựng chuỗi cung ứng ở Việt Nam bị xóa sạch trong 6 ngày

Nguyễn Hưng| 21/09/2021 01:26

Đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19 kéo dài ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà bán lẻ, đặc biệt là những công ty toàn cầu đang đặt hàng sản xuất giày dép và quần áo thể thao, theo CNBC.

Sáu năm xây dựng chuỗi cung ứng ở Việt Nam bị xóa sạch trong 6 ngày

Đứt gãy chuỗi cung ứng vì nhiều nhà máy đóng cửa

Đại dịch Covid-19 kéo dài ở TP.HCM khiến nhiều nhà máy đóng cửa, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng đã trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhãn hiệu toàn cầu đang đặt giày dép và quần áo thể thao sản xuất ở Việt Nam. Sự lo ngại của các nhà bán lẻ càng hiện rõ khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần mà không có đủ hàng cung cấp.

Tình hình ở Việt Nam đã khiến công ty nghiên cứu BTIG trên Phố Wall (Hoa Kỳ) hạ triển vọng cổ phiếu Nike giữa tháng 9. Theo ước tính của BTIG, hồi năm ngoái, có 350 triệu đôi giày thể thao Nike sản xuất tại Việt Nam, còn năm nay, việc giãn cách kéo dài khiến sản lượng giày của Nike có thể mất 160 triệu đôi. Trong hai tháng qua, Nike đã mất 80 triệu đôi.

Hậu quả sụt giảm sản lượng giày của Nike khiến BTIG hạ bậc khuyến nghị cổ phiếu Nike từ “mua” xuống “trung lập”.

Hầu hết giày dép của Nike được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ. Công ty cho biết các nhà máy hợp đồng tại Việt Nam sản xuất khoảng 50% tổng số giày dép thương hiệu Nike trong năm tài chính 2020. Nhà phân tích Shaun Rein của China Market Research Group (CMR) cho biết: “Việc đóng cửa các nhà máy trong một hoặc hai tuần đối với Nike sẽ gây ra một vấn đề lớn cho chuỗi cung ứng của hãng”.

Nhưng không chỉ Nike mới gặp khó khăn. Rủi ro cũng đã tăng lên đối với một số nhà bán lẻ khác, vốn bị cản trở bởi sự chậm trễ của chuỗi cung ứng khi họ chờ các cơ sở sản xuất ở Việt Nam hoạt động trở lại.

CNBC dẫn lời của nhiều nhà phân tích và đầu tư thời gian gần đây cho biết thậm chí, một số doanh nghiệp đang xem xét lại dự định rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam.

Link bài viết

Hôm 13/9, chính quyền đã thông báo gia hạn thêm hai tuần hạn chế đi lại tại TP.HCM, trung tâm kinh doanh của Việt Nam và tâm chấn của ổ dịch Covid. Theo các hạn chế này, các nhà máy phải giữ công nhân làm việc tại chỗ hoặc đình chỉ hoàn toàn hoạt động. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các hạn chế ở miền Bắc Việt Nam không nghiêm ngặt như các quy định ở miền Nam.

Eclat Textile Co, một nhà cung cấp vải và quần áo có trụ sở tại Đài Loan đã tạm ngừng sản xuất tại nhà máy Đồng Nai do giãn cách xã hội. Tuy vậy, một số nhà bán lẻ bày tỏ hy vọng áp lực giãn cách sẽ giảm bớt trong tương lai. Đại diện nhãn hiệu thời trang thể thao Lululemon cho biết họ dự đoán các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn vào giữa tháng 9.

Trong khi đó, chuỗi nội thất cao cấp RH đã nhắm mục tiêu tái khởi động lại tại miền Nam Việt Nam vào tháng 10. RH hy vọng sẽ sản xuất hết công suất vào cuối năm nay. Việc sản xuất chậm lại, cùng với thời gian vận chuyển lâu hơn và chi phí vận chuyển tăng cao khiến RH phải trì hoãn việc ra mắt bộ sưu tập đồ nội thất đương đại cho đến mùa xuân năm sau, kể cả trì hoãn danh mục hàng gửi vào mùa thu này.

Nhiều doanh nghiệp đã trở lại Trung Quốc

Hiện tại, nhiều DN đang theo dõi và chờ đợi quyết định mở cửa lại của chính quyền TP.HCM nhưng bức tranh có thể sẽ trở nên ảm đạm hơn khi mùa mua sắm cao nhất trong năm ở phương Tây đang đến gần.

Quy định giãn cách xã hội ở Việt Nam đã kéo theo hàng loạt rắc rối khác cho chuỗi cung ứng, từ việc thiếu container vận chuyển hàng hóa đến các cảng tồn đọng hàng và số lượng tài xế xe tải hạn chế. Một số công ty đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam vài năm qua - nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và tránh thuế quan - đã nói rằng họ chuẩn bị quay trở lại Trung Quốc.

Bà Donna Dellomo - CFO của hãng nội thất Lovesac cho biết công ty đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam và quay về Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, hãng sản xuất quần áo thể thao Lululemon cũng đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Việt Nam.

gian-cach-Viet-2-jpeg-2307-1632161062.jp

Năm 2020, 50% sản lượng giày thể thao của hãng Nike sản xuất tại Việt Nam 

Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư hồi tuần trước, ông Roger Rawlins - Giám đốc điều hành của Designer Brands cho biết một Giám đốc điều hành khác trong ngành đã nói với ông rằng do sự gián đoạn ở Việt Nam, 6 năm xây dựng chuỗi cung ứng đã bị xóa sạch trong 6 ngày!

Rawlins nhấn mạnh: "Họ đã nỗ lực để rời khỏi Trung Quốc và bây giờ một trong những nơi duy nhất họ có thể nhận được hàng lại là Trung Quốc. Thật là điên rồ!".

Rawlins còn lưu ý rằng vì Designer Brands có sản lượng quần áo tập luyện và giày thể thao ít hơn một số công ty cùng ngành nên công ty đã hoạt động tốt hơn khi Việt Nam áp dụng lệnh giãn cách dài.  

Theo phân tích của BTIG, các nhà bán lẻ có dây chuyền sản xuất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay gồm: Nike, Columbia Sportswear, công ty mẹ Deckers Outdoors của hai thương hiệu giày Ugg và Hoka, công ty mẹ Capri Holdings của Michael Kors, Tapestry của thương hiệu Coach, Under Armour và Lululemon.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáu năm xây dựng chuỗi cung ứng ở Việt Nam bị xóa sạch trong 6 ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO