Nông sản Việt Nam: Hiểu thị trường Trung Quốc để không "hụt hơi"

THIÊN THẢO| 05/11/2018 06:40

Không có nguồn hàng lớn ổn định, bán hàng trùng với thời điểm nông sản Trung Quốc có sẵn, không biết làm thị trường và thương hiệu là những yếu tố khiến nông sản Việt Nam "hụt hơi" trên thị trường Trung Quốc.

Nông sản Việt Nam: Hiểu thị trường Trung Quốc để không

Hàng hóa của Việt Nam xuất qua Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch

"Chúng tôi thấy rất đáng tiếc là doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động tìm hiểu thị trường Trung Quốc để đáp ứng đúng nhu cầu, khiến nhiều thương lái Trung Quốc phải vào tận nơi tìm kiếm và thu mua", ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, việc thương lái Trung Quốc vào các tỉnh - thành của Việt Nam thu mua sản phẩm là chuyện bất đắc dĩ. Vì những công ty lớn của Trung Quốc là đầu mối phân phối, muốn đặt mua nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam nhưng không thể tìm đủ nguồn hàng có chất lượng tốt.

Trong khi đó mỗi hộ nông dân Việt Nam chỉ  sản xuất được vài trăm, vài ngàn kg nông, thủy sản, rất khó cho doanh nghiệp Trung Quốc thu mua với số lượng lớn và đòi hỏi nguồn hàng phải được cung ứng đều đặn và chất lượng đồng đều. Doanh nghiệp Trung Quốc không thể bán một đợt hàng rồi đứt hàng, bởi như vậy thì không kinh doanh lâu dài được do khách hàng "chạy mất".

"Tôi không nắm cụ thể giá trị kim ngạch qua đường biên mậu, nhưng ước tính lượng hàng hóa Việt Nam qua Trung Quốc bằng con đường này là 60 - 70%", ông Thành cho biết.

Link bài viết

Để làm ăn được với doanh nghiệp lớn Trung Quốc thì phải đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng đúng tiêu chuẩn chất lượng. Vì doanh nghiệp Việt chưa làm được nên thương lái Trung Quốc mới vào tận thị trường Việt Nam thu mua, dù có giúp ích cho nông dân Việt Nam tiêu thụ được hàng hóa.

Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được người tiêu dùng đại lục cần loại nông sản nào chứ không phải bán những thứ mà mình có. Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường chế biến nông sản và xây dựng thương hiệu. "Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên liên kết bán hàng với các trang thương mại điện tử Trung Quốc, vì đây là kênh bán hàng rất tốt, lại quảng bá được nhiều loại sản phẩm", ông Thành nói.

"Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam kết nối, thu mua hàng cho nông dân và bán trực tiếp vào thị trường Trung Quốc. Làm được điều này cũng có nghĩa thương lái Trung Quốc sẽ không có kẻ hỡ để ép giá nông dân", ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Rocky Sun - Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là không biết cách quảng bá sản phẩm, và sản phẩm có chất lượng tốt vào Trung Quốc chưa có nhiều. Người dân Trung Quốc đang rất chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vì thế mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bán rất tốt các loại gạo cao cấp tại thị trường này.

"Do đó, doanh nghiệp Việt cần phải đảm bảo tiêu chuẩn về giống, trồng trọt, thu mua, chất lượng sản phẩm, thương hiệu, và phải lưu ý thời gian vận chuyển cần rút ngắn", ông Rocky Sun nói.

Theo ông Vũ Tiến Hùng - Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc), doanh nghiệp Việt chưa có nhiều thông tin về thị trường đại lục, mặc dù tại đây có đến 7 cơ quan đại diện Việt Nam.

"Có rất ít doanh nghiệp Việt Nam gặp chúng tôi để hỏi chính sách, thủ tục xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong khi các cơ quan này cung cấp thông tin hoàn toàn miễn phí, chưa kể giúp doanh nghiệp kết nối với cơ quan hữu quan Trung Quốc để được hưởng các ưu đãi", ông Hùng nói.

Để nông sản Việt thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc một cách bền vững, ông Vĩ Tích Thành cho rằng, cả chính quyền lẫn doanh nghiệp và nông dân cùng hợp tác chặt chẽ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trước tiên cơ quan quản lý xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp, người nông dân phải làm theo tiêu chuẩn đó để đảm bảo chất lượng hàng hóa, phải xây dựng công ty đầu mối đủ mạnh để thu gom sản phẩm, như vậy mới làm ăn lâu dài và bền vững với thị trường Trung Quốc. Quan trọng nữa là các cơ quan hữu quan của Việt Nam phải định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp nắm bắt thủ tục, chính sách xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng như các xu hướng mới của người tiêu dùng.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), để đứng vững trên thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải được sản xuất từ nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, phải xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn liền với công nghệ chế biến và bảo quản tốt sau thu hoạch. Việt Nam cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho nông sản xuất khẩu, thành lập các cơ quan chuyên trách để kiểm tra, giám sát chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông sản Việt Nam: Hiểu thị trường Trung Quốc để không "hụt hơi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO