Nông sản ùn ứ, nông dân khóc ròng

Hồng Nga| 17/04/2020 05:42

Từ đầu năm đến nay, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc liên tiếp bị gián đoạn khiến nông dân khóc ròng.

Nông sản ùn ứ, nông dân khóc ròng

Nông dân khóc ròng

Kể từ đầu năm đến nay, những hộ nông dân các tỉnh miền Tây khóc ròng vì trái cây liên tục rớt giá. Ông Cao Trí Dĩnh, một hộ nông dân trồng thanh long có diện tích lớn nhất ấp Đăng Phong, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, đợt thu hoạch sau Tết nhà ông bán 5 tấn thanh long, lỗ đến cả trăm triệu đồng cũng vì “hàng hoá ùn ứ từ cửa khẩu”. “Đã ký hợp đồng với giá 30.000 đ/kg nhưng sau Tết lấy lý do không xuất được hàng, thương lái chỉ bù 4.000 đ/kg. Cộng với giá mua tăng thêm 4.000đ/kg, số thanh long của tôi, thương lái chỉ mua với với giá 8.000 đồng/kg”, ông Cao Trí Dĩnh kể. 

Cũng theo ông Cao Trí Dĩnh, trong 8 năm trồng thanh long, chưa có khi nào ông gặp khó khăn như năm nay. Để có được 1 kg thanh long bán ra thị trường, ông phải bỏ ra 15.000 đồng cho chi phí nhân công, điện, nước, phân bón… Trong tháng 2 vừa qua, các cơ quan quản lý đã tổ chức giải cứu thanh long Tiền Giang bằng cách phối hợp với các hệ thống bán lẻ tăng cường tiêu thụ qua kênh này. Bên cạnh đó, chính quyền cũng hỗ trợ giảm tiền điện để thương lái mua thanh long trữ kho lạnh. “Vậy nhưng với lý do không xuất được hàng, họ ép nông dân mua với giá thấp hơn giá thành. Và nhiều tháng qua, giá thanh long ở vùng này chỉ quanh quẩn ở mức 8.000-14.000 đ/kg. Và mỗi lần cửa khẩu phía Bắc “có chuyện” là giá thanh long ở đây sụt giảm thê thảm. Chúng tôi bị ép giá, bức xúc nhưng không biết làm sao”, ông Trí Dĩnh nói. 

nong-san-2-5605-1587111940.jpg

Vườn thanh long đang thu hoạch của ông Cao Trí Dĩnh. Ảnh: X.Th

Không chỉ vậy, người nông dân ở Chợ Gạo - thủ phủ thanh long miền Tây còn khổ sở bởi hạn xâm nhập mặn. Tình trạng thiếu nước đã diễn ra ở nhiều nơi của tỉnh Tiền Giang - địa phương có đến 80.000 ha cây ăn trái, trong đó, thanh long nghịch vụ có gần 9.000 ha đang thu hoạch. Trồng thì lỗ mà nước lại không có tưới nên nhiều hộ bỏ mặc vườn thanh long và chỉ còn biết chờ… trời. Với diện tích 6,5 ha, mỗi năm, vườn của ông Trí Dĩnh thu hoạch bình quân 250 tấn thanh long nhưng năm nay, khó có được sản lượng này. 

Cũng như Tiền Giang, nông dân Long An cũng khốn đốn vì dịch bệnh và nạn xâm nhập mặn. Theo Giám đốc Sở Công Thương Long An Lê Minh Đức, dịch Covid-19 khiến người trồng thanh long điêu đứng. Hơn 70% sản lượng thanh long ở đây được xuất tươi sang Trung Quốc. Nước tưới thiếu, đầu ra không có nên bà con nông dân ở các huyện có số lượng trồng lớn phá bỏ vườn, thiệt hại rất lớn.

Doanh nghiệp “bí” đầu ra

Theo các doanh nghiệp, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, thương lái hai bên không thể giao thương, gần như tất cả nông sản bị đóng băng. Có thời điểm Trung Quốc tăng nhập nhưng không nhiều nên các loại trái cây có thời gian bảo quản ngắn như thanh long, xoài cát Hoà Lộc rớt giá mạnh. Hiện tại, giá thanh long đã giảm hơn 4 lần so với cuối năm 2019. 

Từ khi có quyết định tạm dừng xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Lâu nay, một số doanh nghiệp chọn phương thức ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, giờ giá xuống không biết tính toán như thế nào. Theo Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn Nguyễn Thế Bảo, những năm trước, xoài tượng da xanh ở mức 20.000 đ/kg nhưng hiện tại chỉ còn 5.000 - 6.000 đ/kg. Xoài cát chu thì chín vàng cây mà không có người mua.

nong-san-7618-1587111940.jpg

Nhiều hộ nông dân vườn miền Tây đang bị thiếu nước tưới trầm trọng. Ảnh: X.Th

Trong khi nguồn cung quá dồi dào thì đầu ra lại bị “bịt chặt”. Công ty Thuận Hương ở Định Quán (Đồng Nai) chuyên xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến ra nước ngoài do đầu ra bị “đóng băng” nên sản xuất chỉ còn 60-70% so với năm trước. Năm 2019, công ty đã đầu tư kho lạnh bảo quản trái cây nhưng hiện tại mới chỉ sử dụng chưa đến một nửa công suất. Theo đại diện của Công ty Thuận Hương, điều khó khăn nhất của công ty là thiếu nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất chế biến trái cây.

Theo các chuyên gia, muốn giải quyết nguồn trái cây đang dồn ứ cần nhiều nhà máy chế biến sâu. Nhưng đây lại là điều hạn chế ở một đất nước có nguồn trái cây nhiệt đới dồi dào như Việt Nam. Đơn cử, Đồng Nai có hơn 10.000 ha chuối, 12.000 ha xoài, 7.000 ha sầu riêng… nhưng chỉ có 21 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm rau củ, trái cây sấy các loại. Riêng xoài, chỉ có 6 cơ sở chế biến xoài sấy dẻo với công suất khoảng 8 tấn thành phẩm/ngày, tương đương với khoảng 80 tấn xoài nguyên liệu/ngày. Số lượng này còn quá nhỏ so với sản lượng xoài thu hoạch mỗi mùa ở Đồng Nai. Vì thế, có đến 70-80% các loại cây ăn trái ở đây xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc. 

Muốn bảo quản trái cây, nông sản chờ thị trường thông thương, doanh nghiệp, thương nhân phải đầu tư kho lạnh. Nhưng việc này cũng không dễ trong tình hình hiện nay. Còn với hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản hiện có, việc bảo quản trái cây, nông sản chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với tổng sản lượng trái cây tươi đang và sắp thu hoạch tại Đồng Nai. Điều này càng khiến doanh nghiệp khó khăn.

nong-san-6-3474-1587111940.jpg

Tăng tiêu thụ nội địa là một trong những giải pháp cứu nông sản hiện nay. Ảnh: X.Th

Thống kê của tỉnh Lạng Sơn đến ngày 13/4/2020, lượng hàng tồn tại các cửa khẩu ở lạng Sơn là 2.600 xe, trong đó, riêng cửa khẩu Tân Thanh tồn gần 1.000 xe, trong khi mỗi ngày chỉ xuất khẩu được 50 xe. Với lượng xe hàng tồn ở cửa khẩu Tân Thanh phải mất đến 20 ngày mới giải phóng hết. Việc tồn đọng sẽ tăng thêm chi phí, làm giảm chất lượng hàng hoá, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh xuất khẩu hàng hoá nông sản.

Phải điều tiết thị trường

Tại hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh mới đây, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nguyễn Xuân Cường nhận định Trung Quốc là thị trường lớn của hàng nông sản. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ chịu tổn thương rất lớn trong dịch Covid-19 này. Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 300,4 triệu USD, giảm 29,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 68.000 ha thanh long với sản lượng 1,6 triệu tấn/năm. Trong 3 tháng qua, có 350.000 tấn trái cây được thu hoạch. Gần 80% sản lượng thanh long này đều xuất sang thị trường Trung Quốc và hiện nay đã dừng nhập hàng. Còn trên thực tế, nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng mua. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào một thị trường khiến nông sản rơi vào thế bị động.

Để thoát cảnh “nông sản ùn ứ, nông dân khóc ròng”, ông Cao Trí Dĩnh cho rằng, cần phải tính đến các giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong đó, Nhà nước cùng các doanh nghiệp cần mở những thị trường mới, ngoài Trung Quốc. Bên cạnh đó, “các cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao điều tiết giá chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như hiện nay. Cần đưa ra giá sàn và quản lý các kho thu mua, để có thể điều tiết thị trường”, ông Cao Trí Dĩnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông sản ùn ứ, nông dân khóc ròng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO