Nông nghiệp 4.0: Tìm cách thoát khỏi ứng dụng trình diễn

AN PHƯƠNG| 21/01/2018 06:38

Bằng cách ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, nông nghiệp đã thay đổi cách canh tác truyền thống, tối ưu hóa nhiều yếu tố như giống, đất đai, khí hậu, dinh dưỡng, thông tin thị trường, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, từ đó tăng thu nhập.

Nông nghiệp 4.0: Tìm cách thoát khỏi ứng dụng trình diễn

Tạo ra môi trường tương tự ngoài đồng rộng, nhưng "gói gọn" trong diện tích bằng một container là công nghệ của Công ty 5D Agri Solutions, nên bất cứ ai cũng có thể trở thành nông dân trồng cây ăn trái, rau sạch theo nhu cầu.

TS. Nguyễn Đình Uyên - Giám đốc Nghiên cứu Công ty 5D Agri Solutions cho biết, sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED để cây quang hợp và trồng bằng phương pháp thủy canh, việc tính toán lượng ánh sáng, phân bón, nước do máy cảm biến, thiết bị điện tử và phần mềm điều khiển thì có thể trồng bất kỳ loại cây ăn trái, rau củ nào. Bằng việc chọn chương trình trồng cho từng loại giống, bấm nút khởi động, mọi việc còn lại được thực hiện tự động cho đến thời điểm thu hoạch.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Thỏ Việt chuyên sản xuất rau VietGAP, không một doanh nghiệp nào có đủ người để bám sát, hướng dẫn nông dân hằng ngày, nên nông dân có thể làm sai lệch quá trình canh tác, như vậy khó có sản phẩm sạch.

Link bài viết

Thấy ứng dụng công nghệ số sẽ giúp nông dân dễ theo dõi và quản lý mùa vụ, Thỏ Việt đã hợp tác với một hãng phần mềm của Đức xây dựng ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc, được tích hợp vào điện thoại thông minh. Với chiếc điện thoại thông minh cùng ra đồng, nông dân chỉ việc mở ứng dụng và canh tác theo hướng dẫn, từ đó bỏ thói quen làm việc theo kinh nghiệm, giảm chi phí sản xuất, không phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng.

"Toàn bộ dữ liệu thông tin từ smartphone được truyền thẳng vào máy chủ, tại đây, bộ phận quản lý Thỏ Việt biết được nông dân đang làm gì, sự tăng trưởng của rau đến đâu theo thời gian thực. Do đó Hợp tác xã an tâm kiểm soát được việc truy xuất nguồn gốc cho hàng trăm hécta rau", bà Hòa cho biết.

Ở một quy mô lớn hơn, công nghệ cao cấp hơn, sự hợp tác 3 bên gồm Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), Công viên Phần mềm Quang Trung và Công ty Global CyberSoft xây dựng hệ thống phần mềm SmartAgri ứng dụng quản lý sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn. Bằng mạng cảm biến, công nghệ không dây, GPS, GIS và các thuật toán thông minh, SmartAgri đem đến quy trình tự động hóa trong quá trình canh tác.

Ứng dụng này hoạt động theo điều kiện môi trường, như tùy vào độ ẩm, thời tiết, ánh sáng, độ pH, áp suất, lượng mưa sẽ đưa ra quyết định tưới nước, cung cấp dưỡng chất, mở hệ thống quạt làm mát, mở đèn chiếu sáng, phun sương,...

SmartAgri chạy trên nền tảng internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing). 

Nếu IoT giúp thiết bị trong hệ thống kết nối thông qua mạng internet bằng thiết bị thông minh kết nối internet, nông dân có thể kiểm soát thiết bị thực thi quá trình canh tác theo ý muốn thì với Big Data, hệ thống tập hợp và phân tích dữ liệu về lịch sử kỹ thuật trồng, dịch bệnh, thời tiết để cung cấp cho nông dân các thông tin hữu ích, lên kế hoạch sản xuất, tính toán chi phí, doanh thu, quản lý sản xuất theo mùa vụ, khu vực sản xuất.

Điện toán đám mây đã tạo ra hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, cập nhật thông tin nhu cầu, giá cả thị trường, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Từ Minh Thiện - Phó Ban Quản lý AHTP, trên nền tảng này, nông dân dễ dàng theo dõi mùa vụ ở bất kỳ nơi đâu, canh tác nhẹ nhàng vì chỉ cần thông qua các nút bấm. SmartAgri cũng tự động ghi lại quá trình canh tác, đến khi thu hoạch tạo ra mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất ngược thông tin sản phẩm, từ quy trình trồng cho đến ngày thu hoạch, ngày hết hạn, địa điểm gieo trồng.

Hệ thống SmartAgri đã chạy thực nghiệm 2 vụ dưa lưới tại AHTP, kết quả cho năng suất tăng thêm 10% so với thông thường, chất lượng cao, trái đồng đều.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp có thể thấy rõ qua việc nuôi bò sữa tại Vinamilk. Ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk chia sẻ, bò sữa được nuôi tại trang trại đều được đeo chip điện tử để theo dõi chặt các thông số sinh học. Bất cứ thay đổi nào, như năng suất sữa, sức khỏe đều được thu thập và có ngay phương án hỗ trợ bằng cách thay đổi lượng thức ăn, hoặc tách đàn chữa bệnh. Nhưng để làm được điều ấy, doanh nghiệp phải có đủ nguồn tài chính.

Phần mềm SmartAgri đang được thực nghiệm, nhưng ngay cả khi không ứng dụng công nghệ số thì tiệc trồng rau quả trong nhà màng vẫn kiểm soát được các tác nhân khách quan, tạo ra năng suất cao cho cây trồng.

"Sau khi đưa phần mềm SmartAgri tích hợp trong quá trình sản xuất tại nhà màng, thấy hiệu quả hơn về nhân công. Tuy nhiên, năng suất thành phẩm chưa cải thiện được nhiều so với lúc chưa sử dụng phần mềm này", ông Thiện cho biết.

Mặt khác, nếu chuyển giao công nghệ này cho nông dân như kỳ vọng của các nhà sản xuất, sẽ vượt quá tầm tay họ. Bởi đầu tư một nhà màng với diện tích 1.000m2 có chi phí lên đến 400 - 600 triệu đồng, chưa tính tiền thuê đất. Do đó nên có 2 phương án để đưa công nghệ này vào ứng dụng đại trà, đó là trao cho nông dân một số ứng dụng cơ bản có thể thực hiện trên vùng đất tự nhiên, hoặc kết hợp với doanh nghiệp để đầu tư nhà màng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp 4.0: Tìm cách thoát khỏi ứng dụng trình diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO