“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”: Không thể chỉ kêu gọi suông!

THANH HÀ| 05/07/2014 06:50

Cuộc vận động thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu.

“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”: Không thể chỉ kêu gọi suông!

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa đi qua chặng đường 5 năm. Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng và sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để cuộc vận động không chỉ là lời kêu gọi suông.

Gian nan… hàng Việt

Cuộc vận động thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu.

Do vậy, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.

Theo quy luật cạnh tranh của thị trường, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, giá cả. Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, không ổn định, trong khi nhu cầu của cộng đồng DN ngày càng lớn, số lượng DN ngày càng nhiều, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng lớn, nhất là tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.

Trên thực tế, kinh phí nghiên cứu thị trường của DN Việt hiện chiếm tỷ lệ rất ít trong giá thành: khoảng 50 tỷ/năm, thậm chí còn rơi rớt, không hiệu quả. Đơn giản nhất, sau 20 năm, người Việt Nam đã cao lên vài cm nhưng size quần áo vẫn chưa thay đổi, chưa nói đến mẫu mã thời trang.

Phân bổ nguồn lực cũng còn hạn chế. Vừa qua, đa số tập trung vào ôtô, đóng tàu, còn nông nghiệp, sản xuất, lưu thông hàng hóa, thị trường nội địa dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Đặc biệt, nguyên liệu phụ thuộc, ngay dệt may da giày nội địa 60% nhập từ Trung Quốc, 15% từ Hàn Quốc nên phụ thuộc. Logistic của Việt Nam chi phí còn rất cao, gấp rưỡi so với khu vực ASEAN, thời gian lâu. Hơn nữa, trách nhiệm đến cùng với hàng hóa còn quá kém với khẩu hiệu quen thuộc: “Hàng mua rồi miễn đổi hoặc trả lại”.

Ngoài ra, hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Nhiều hội chợ triển lãm mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần tuý mà chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn này.

Điều đáng nói, một số bộ, ngành và địa phương đã chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự đột phá. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, nhìn nhận: “Thực tế hiện nay, không ít lãnh đạo vẫn giữ thói quen dùng hàng ngoại dù hàng trong nước cùng loại chất lượng không thua kém. Hàng ngoại vẫn chi phối nặng nề, nhất là trong lĩnh vực thuốc với cả 2 kênh thương mại và điều trị. Dân chúng chưa hiểu hết giá trị của thuốc nội, cho rằng kém hơn thuốc ngoại. Đấu thầu bình đẳng nhưng vẫn khó cho thuốc nội tham gia”.

Tình yêu bắt đầu từ… chất lượng

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chua chát: “Siêu thị lớn đang ép nhà cung ứng. Siêu thị nhỏ đang bị nhà cung ứng ép. Nhiều hàng ngon, hàng đẹp không vào được siêu thị do không có hợp đồng và hóa đơn đỏ đành trôi nổi ở thị trường tự do. Rau sạch ở Hà Nội mới vào được 10% siêu thị. Do đó, rau sạch, rau bẩn lẫn lộn, người trồng rau sạch thua thiệt và người tiêu dùng không thể phân biệt. Rau quả ngoại vẫn mặc sức xâm nhập thị trường”!

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá: “Năng lực của một số DN nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất. Nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn phụ thuộc vào giá nhập khẩu dẫn đến giá thành sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam cao so với khu vực”.

Ông Phạm Hà Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Intimex Việt Nam, cho rằng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phần nào thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, theo quy luật cạnh tranh của thị trường, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, giá cả. Ông nói: “Để thành công, các DN Việt chẳng có cách nào khác ngoài cải tiến mẫu mã, hạ giá thành và lưu ý đến vấn đề bán hàng. Phải nói rằng phương pháp tiếp cận thị trường của các DN nước ngoài thực hiện chuyên nghiệp hơn Việt Nam rất nhiều”.

“Phải thừa nhận rằng các DN dược trong nước chưa trau chuốt về hình ảnh, đặc biệt là vấn đề xúc tiến thương mại còn yếu trong khi các DN nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn. DN Việt cần tích cực áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu”, bà Thuận nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của Quản lý thị trường, kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo đảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”: Không thể chỉ kêu gọi suông!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO