Người Việt có một năm bận rộn… leo lên mạng đáng nhớ

Hồng Nga| 23/12/2020 04:43

Cuộc ập đến bất ngờ của Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Chiến lược marketing, bán hàng truyền thống không còn phù hợp trong điều kiện giãn cách xã hội, ngăn sông cấm chợ, buộc người bán lẫn người mua phải gặp nhau trên mạng… Đây là một trong những thay đổi đáng ghi nhận nhất trong năm 2020 của ngành marketing.

Người Việt có một năm bận rộn… leo lên mạng đáng nhớ

Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người dân Việt.

Hẳn, mọi người tiêu dùng Việt vẫn còn nhớ thời khắc đầu tháng 4/2020. Mọi thứ đang bình yên, cuộc đánh úp của virus corona khiến mọi thứ đảo lộn. Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội 2 tuần, kéo theo dòng chảy hàng hóa theo lối truyền thống đóng băng. Hàng quán, chợ búa, siêu thị, trung tâm thương mại…đóng cửa. Từ đây bắt đầu xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới và cung cách bán hàng mới: bán hàng trên internet!

Cẩm Nhung, một nhân viên làm việc trong công ty dầu khí đa quốc gia có trụ sở tại quận 1 TP.HCM nhớ lại: 2 tuần giãn cách xã hội mọi thứ nhu yếu phẩm hàng ngày, từ cuộn giấy vệ sinh, nước rửa chén, gói mì tôm, thịt cá, rau củ… cô phải đặt hàng qua mạng. Và Nhung, năm nay gần 40 tuổi, lần đầu chứng kiến cảnh này trong đời.

Cũng như Nhung, hơn 90 triệu người dân Việt buộc phải thay đổi thói quen tiêu dùng như vậy. Ai ở các đô thị thì chỉ cần ngồi nhà nhấp chuột, thức ăn, nước uống, tất cả các nhu cầu của con sẽ người nhanh chóng được đáp ứng đến tận nơi. Còn ở nông thôn, người ta cũng phải chia phiên đi chợ ngày chẵn, lẻ chứ không được mua sắm tự do như trước.

Nhờ giao thương trực tuyến nên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng 3,6%.

Nhờ giao thương trực tuyến nên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng 3,6%.

Để tồn tại, người bán hàng truyền thống phải nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh. Họ buộc phải sử dụng nền tảng công nghệ online, tìm kiếm khách hàng, trao đổi, bán và sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách. Sự phát triển của marketing và mua bán online có thể thấy rõ nhất qua sự tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada… Thời gian qua, chương trình bán hàng do các sàn này tổ chức luôn đạt số lượng người tham gia kỷ lục. Chẳng hạn như tại lễ hội mua sắm hôm 12/12 của Lazada, 5 tỉnh thành có sức mua rất mạnh là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Đà Nẵng. Số lượng nước giặt bán ra trong lễ hội đủ cho 3,5 triệu hộ gia đình sử dụng trong một ngày, số lượng tã bán ra trong 3 ngày lễ hội đủ cho 1,2 triệu em bé sơ sinh sử dụng trong ngày đầu đời…

Không chỉ bán hàng trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu cũng được “trực tuyến hoá”. Hầu hết các doanh nghiệp phải chuyển từ kinh doanh, bán hàng truyền thống sang cung cách tiếp cận hiện đại hơn. Nhờ vậy, các doanh nghiệp như Duy Anh, Link Nature Power (nước mắm Mami)… nhanh chóng chuyển trạng thái, họ “leo” lên được sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới như Amazon. Thậm chí, Mami còn đánh bật cả sản phẩm Thái Lan để lên Top 1 những sản phẩm mới bán chạy trên Amazon trong một thời gian.

Tại sàn Amazon, năm 2020, nhờ sự dịch chuyển mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới” trong mua bán hàng hoá. Ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, hiện đã có hàng ngàn doanh nghiệp đưa hàng qua kênh điện tử này. Hàng nghìn người bán hàng Việt Nam, từ những thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's, đến các nhà sản xuất nội địa hàng đầu như MDK và các công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop và Mary Craft, đều đang mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon, nhằm tiếp cận tới nhiều khách hàng và từng bước định vị thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam đã ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2019.

Covid-19 xuất hiện, thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu của người Việt

Covid-19 xuất hiện, thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu của người Việt

“Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình đại dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều sản phẩm “Made-in-Vietnam" trên các cửa hàng của Amazon toàn cầu đang được đông đảo khách hàng quốc tế ưa chuộng, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.” - ông Gijae Seong, chia sẻ.

Nhờ bán hàng trực tuyến mà doanh nghiệp đã tiết kiệm được không ít chi phí. Trước đây, để quảng bá, giới thiệu, đưa hàng ra nước ngoài, doanh nghiệp phải tham gia nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế, tốn rất nhiều chi phí mua vé máy bay, phí đặt chỗ gian hàng và phải bay qua bay lại nhiều lần để gặp đối tác thương thảo nhưng nay mọi thứ đã được giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém nhờ làm việc online, trực tuyến. Trên nền tảng online, mọi thủ tục giao dịch cũng hoàn toàn đơn giãn hơn nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới giúp người bán hàng tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách trực tiếp. Từ đó, họ có thể giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, cũng như thúc đẩy khách hàng truy cập các trang web của thương hiệu.

Tóm lại, bán hàng qua mạng, xuất khẩu online thông qua thương mại điện tử là biện pháp bắt buộc khi các quốc gia, doanh nghiệp giãn cách, không tiếp xúc gần… Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả không thua kém cách thức truyền thống. Nhu cầu là vậy nhưng trên thực tế không nhiều tổ chức, hiệp hội nhìn ra vấn đề, đứng ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khủng hoảng, khó khăn. Nếu có được nhiều tổ chức như thế thì số lượng doanh nghiệp Việt bán được hàng ra nước ngoài như thời gian qua sẽ còn tăng lên, và như vậy, số lượng doanh nghiệp bị tác động tiêu cực, bị đóng cửa, phá sản bởi Covid-19 sẽ giảm đáng kể!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Việt có một năm bận rộn… leo lên mạng đáng nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO