"Ngồi cùng thuyền", người trồng mía vẫn chưa là đối tác đúng nghĩa của nhà máy đường

Hoàng Bảy| 26/03/2021 00:33

Chưa bao giờ ngành sản xuất mía đường lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như lúc này. Các nhà máy vừa thiếu nguyên liệu sản xuất, vừa chưa tìm ra giải pháp giảm giá thành, trong khi cánh cửa đường nhập khẩu gần như mở toang, gia tăng áp lực cạnh tranh lên đường nội.

Nông dân trồng mía và nhà máy đường cùng trên một con thuyền, họ phải được xem là đối tác đúng nghĩa thì ngành đường mới phát triển bền vững

Theo báo cáo của các nhà máy đường, vụ ép 2019-2020 chứng kiến sản lượng mía nguyên liệu đưa vào chế biến thấp nhất trong vòng 19 năm trở lại đây, chỉ đạt hơn 7,6 triệu tấn mía. Điều này dẫn đến số nhà máy hoạt động còn 29 so với danh sách 40 nhà máy.

“Cân đong đo đếm” theo cảm tính?

Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) đánh giá, nguyên nhân sụt giảm là do giá đường trong nước xuống thấp, kéo theo giá mía xuống thấp. Dù các nhà máy đường dành nhiều nỗ lực kìm giá mía rớt nhưng vẫn không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển sang cây trồng khác. Cũng vì giá mía giảm quá sâu nên nhiều nông dân lo ngại thu không đủ chi, từ đó họ bỏ cây mía, không chăm sóc và thu hoạch. Cuối cùng là một số vùng trồng mía như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, nhiễm mặn nghiêm trọng, làm giảm diện tích, lẫn năng suất và chất lượng mía.

[Caption]Trong một thời gian dài, người trồng mía “gần như không phải là đối tác thực thụ” của các NMĐ

Trong một thời gian dài, người trồng mía “gần như không phải là đối tác thực thụ” của các nhà máy đường

Vẫn biết lâu nay áp lực từ cạnh tranh từ đường nhập khẩu chính ngạch lẫn đường lậu luôn là bài toán khó giải của ngành mía đường. Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhà máy đói nguyên liệu vẫn nằm ở khâu liên kết giữa nhà máy đường với với nông dân, hai mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng đường ở Việt Nam, dù ngành mía đường, do đặc thù của mình, luôn được đánh giá là một trong những ngành hàng có tỷ lệ liên kết bốn nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) đạt mức cao nhất.

Trong một thời gian dài, người trồng mía “gần như không phải là đối tác thực thụ” của các nhà máy đường. Việc chia sẻ lợi nhuận cơ bản không những không được pháp luật bảo hộ, mà đôi khi còn bị các nhà máy đường “cân đong đo đếm” theo cảm tính. Bởi trong suốt quá trình phân tích chữ đường (CCS), đánh giá tỷ lệ tạp chất và công bố kết quả, nông dân thường không được trực tiếp chứng kiến, trong khi quá trình này cũng không được cơ quan chức năng nào của Nhà nước trực tiếp giám sát độc lập.

Chính vì vậy, theo kết quả khảo sát năm 2020 của VSSA, có 62,5% số hộ khảo sát đề nghị cần minh bạch hơn nữa khâu phân tích CCS và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh, tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Ngoài ra, có đến 81,25% số hộ khảo sát đề nghị Nhà nước cần ban hành chính sách và thiết lập một hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường giữa nông dân và nhà máy đường, theo một tỷ lệ nhất định, đúng mức đóng góp của các bên và đảm bảo được vị thế ngang bằng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết quan trọng này của chuỗi cung ứng đường.

Cần luật quy định chia sẻ lợi nhuận

[Caption]có 62,5% số hộ khảo sát đề nghị cần minh bạch hơn nữa khâu phân tích CCS và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các NMĐ

Có đến 62,5% số hộ trồng mía được khảo sát đề nghị cần minh bạch hơn nữa khâu phân tích CCS và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường

Số liệu do VSSA tổng hợp cho thấy, từ vụ 2016-2017 trở về trước, trừ hai vụ 2013-2014 và 2014-2015 có giá mua 1 tấn mía cao hơn giá bán buôn 65kg đường trắng, hầu hết các vụ còn lại đều thấp hơn. Còn từ vụ 2017-2018 đến nay, dù giá mua mía luôn cao hơn giá bán buôn tính trên 65kg đường trắng (từ 15.050 - 79.797 đồng) tại kho, sản xuất mía bắt đầu có lãi, nhưng diện tích mía vẫn bị sụt giảm nghiêm trọng do nông dân không còn mặn với cây mía. Thực tế cho thấy, việc sụt giảm diện tích trồng mía không chỉ diễn ra tại các khu vực có diện tích lô nhỏ manh mún canh tác thủ công, mà còn diễn ra tại các khu vực cánh đồng lớn cơ giới hóa như khu vực Tây Ninh, Bến Lức, Tây Nguyên... 

Mối quan hệ “lỏng lẻo” giữa nông dân - nhà máy ở ngành đường cũng từng xảy tra với ngành sữa giai đoạn 2004-2008, nơi hàng nghìn nông dân nuôi bò bức xúc cách tính vi sinh, tạp chất trong sữa của các công ty. Cứ sáng sớm, công ty sữa cho nhân viên thu mua tới nông trại rồi gom tất tần tật sữa của các hộ vô một cái bồn lạnh, sau đó chở về nhà máy và tự cân đong đo đếm ra các chỉ tiêu. Và thường đa phần nông dân đều bị trừ tiền vì sữa không đảm bảo chất lượng. Sau này các công ty sữa đã minh bạch hơn, bằng cách kiểm mẫu từng trại, công bố từng trại.

[Caption]Nhà nước cần ban hành chính sách và thiết lập một hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường giữa nông dân và NMĐ, theo một tỷ lệ nhất định, đúng mức đóng góp của các bên

Nhà nước cần ban hành chính sách và thiết lập một hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường giữa nông dân và nhà máy đường, theo một tỷ lệ nhất định, đúng mức đóng góp của các bên

Dẫn chứng như vậy để thấy, mối quan hệ trong ngành đường ở Việt Nam, cho đến tận trước niên vụ 2019-2020 vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đây là điểm yếu kém nhất của ngành đường so với các đồng nghiệp trong khu vực. Ngành đường Việt Nam cần sớm tìm ra giải pháp để củng cố mối liên kết giữa nhà máy và nông dân vững chắc hơn trên cơ sở nguyên tắc chia sẻ công bằng. Nông dân, người tạo ra phần lớn giá trị hạt đường phải có vị trí xứng đáng. Họ phải là đối tác thực thụ của nhà máy đường.

Còn nhớ vụ sản xuất mía 2005-2006, dù không có quy định pháp luật ban hành chính thức nào, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như VSSA từng đứng ra làm “trọng tài”, khuyến cáo các nhà máy đường mua 1 tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng bằng giá trị của 60-70kg đường trắng loại 1 tại cửa kho nhà máy. Việc “chia sẻ lợi nhuận” này hoàn toàn hợp lý và theo thông lệ quốc tế.

Các quốc gia trồng mía khác trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines vốn cũng đang có hệ thống chia sẻ lợi nhuận giữa nông dân trồng mía và nhà máy được quy định bởi pháp luật đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho ngành sản xuất. Ở các nước này, giá đường bán tới tay người dùng được tính toán theo đúng mức đóng góp của các bên, bao gồm nông dân đóng góp từ 61,5-67% giá trị, nhà máy đường từ 37-38,5%. Với cách tính này, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay VSSA đưa ra khuyến cáo như vụ 2005-2006 là hoàn toàn xác đáng.

Theo VSSA, lợi nhuận trồng mía hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc trồng các cây trồng cạnh tranh khác như cây lúa (lợi nhuận trung bình trên 15 triệu đồng/ha vụ 5 tháng), cây sắn (10-20 triệu đồng/ha/vụ 7-9 tháng, với chi phí đầu tư chỉ 20-25 triệu đồng/ha), cây ngô sinh khối (20 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng), cây ăn quả (lợi nhuận trung bình 1ha sầu riêng cao gấp 22 lần; cây mít cao gấp 6-8; thanh long cao gấp 15-18 lần so với trồng lúa)… Do đó, rất cần các nhà máy đường chia sẻ với nông dân để cùng phát triển vùng nguyên liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ngồi cùng thuyền", người trồng mía vẫn chưa là đối tác đúng nghĩa của nhà máy đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO