Ngành thực phẩm Việt nỗ lực ghi tên lên bản đồ thế giới

LỮ Ý NHI| 02/12/2016 08:32

Nhiều loại thực phẩm vẫn khó vào thị trường thế giới, hoặc nếu xuất khẩu thì không được biết đến dưới thương hiệu của Việt Nam".

Ngành thực phẩm Việt nỗ lực ghi tên lên bản đồ thế giới

"Nhiều loại thực phẩm vẫn khó vào thị trường thế giới, hoặc nếu xuất khẩu thì không được biết đến dưới thương hiệu của Việt Nam".  

Đọc E-paper

Đó là đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam lần thứ 3 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức mới đây.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có 29.500 trang trại, trong đó 8.800 trang trại trồng trọt, chiếm 29,83%, 10.974 trang trại chăn nuôi (37,2%), 430 trang trại lâm nghiệp (1,46%), 5.268 trang trại thủy sản (7,86%), 4.028 trang trại tổng hợp (13,66%) và trên 740 công ty chế biến thực phẩm với nền tảng sản xuất đa dạng nhưng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam vẫn còn mờ nhạt.

Ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch Lâm Đồng cho biết: "Để có thể ghi tên trên thị trường thực phẩm thế giới thì 2 yếu tố quan trọng nhất mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải quan tâm đó là đặc sản và giá cả. Hai thế mạnh này các DN Việt Nam đều có, nhất là đặc sản, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghệ và thương hiệu còn rất yếu. Đơn cử, tại Lâm Đồng, một số thương hiệu thực phẩm dù đủ điều kiện để xuất khẩu nhưng vẫn không ra được thị trường thế giới vì sản xuất nhỏ lẻ, số lượng ít, nhất là không có khả năng kết nối để đưa hàng vào các chuỗi bán lẻ ở các nước. Ví dụ, cà phê Việt Nam phần lớn phải xuất khẩu qua các công ty khác. Điểm yếu nhất là Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu địa danh".

"Tuy khó nhưng nếu chú trọng đầu tư cho công nghệ và thương hiệu, thực phẩm Việt vẫn có khả năng tạo chỗ đứng trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Công ty Vinamit khẳng định.

Sau nhiều năm tạo dựng được thương hiệu tại thị trường nước ngoài, ông Viên cho biết: "Lợi thế lớn nhất của Vinamit là đặc sản mít Việt Nam, hầu như rất ít quốc gia có loại trái cây này. Tuy nhiên, thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn và ngày càng quan tâm tới thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe nên DN phải liên tục đổi mới, đầu tư công nghệ mới đáp ứng được".

Đơn cử, mới đây Vinamit đã tập trung cho các sản phẩm organic và theo ông Viên, có thể tạo giá trị gia tăng lên đến 50% so với sản phẩm thông thường.

Ông Viên khẳng định: "Con đường ngắn nhất để chinh phục thị trường các nước và vào được những hệ thống siêu thị lớn toàn cầu là sản phẩm phải sạch, phải ổn định. Đó cũng là tiêu chí được đánh giá hàng đầu".

>>Thương hiệu Việt có trở lại con đường tơ lụa thế giới?

Là đơn vị xuất khẩu rượu vang thành công vào thị trường Nhật và một số nước châu Á, ông Phú Huy - Phó giám đốc Công ty Vang Đà Lạt chia sẻ: "Để vang Đà Lạt có được tên tuổi ở thị trường Nhật và châu Á là không dễ. Biết trước điều này nên Công ty Vang Đà Lạt đã tìm ra điểm mạnh riêng, sau đó đầu tư công nghệ chế biến, vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử, để rượu có vị khác biệt, chúng tôi đã lợi dụng thổ nhưỡng của Việt Nam để đầu tư vùng trồng nho. Bên cạnh đó, để khắc phục điểm yếu về giống và kỹ thuật - 2 yếu tố quan trọng để sản xuất rượu vang, Công ty đã mời chuyên gia làm rượu nho từ nước ngoài về, đưa cán bộ ra nước ngoài học hỏi, đồng thời đầu tư bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung cùng máy lọc, chiết, ủ hiện đại".

Tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam lần thứ 3, các chuyên gia cho rằng ngành thực phẩm Việt Nam đang dựa chủ yếu vào DN vừa và nhỏ. Mặc dù nhiều DN đã xây dựng thương hiệu riêng nhưng chưa đủ mạnh, những cố gắng đơn lẻ chưa tạo nên được sức mạnh chung. Do đó, hầu hết thực phẩm "Made in Vietnam" chưa được những thị trường khó tính như Âu, Mỹ biết đến.

Để tạo được sức mạnh thương hiệu chung, cần nhất là chính sách của Nhà nước. Ông Claudio Dordi - Tư vấn trưởng Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) đưa ra dẫn chứng: "Nước Ý rất thành công với việc thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia "Taste Italia" cho toàn ngành công nghiệp thực phẩm. Dù là quốc gia có ngành công nghiệp thực phẩm phát triển lâu đời với đa dạng sản phẩm cao cấp, nổi tiếng thế giới, nhưng chính phủ và DN Ý vẫn đầu tư nguồn lực cho chương trình "Taste Italia" ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam".

Bà Cecillia Piccioni - Đại sứ Ý tại Việt Nam cho biết: "Ở Ý, ngành công nghiệp thực phẩm cũng dựa vào các công ty có quy mô vừa và nhỏ như ở Việt Nam. Bên cạnh việc có những thương hiệu đơn lẻ, một khi các công ty cùng tập trung nguồn lực đầu tư cho chất lượng sản phẩm thì sẽ cùng được hưởng lợi từ chương trình thương hiệu thực phẩm quốc gia".

Theo cách làm đó, ông Vũ Văn Tư kiến nghị: "Muốn thương hiệu thực phẩm Việt Nam tạo được dấu ấn tại thị trường nước ngoài, Nhà nước cần phát động một chương trình chiến lược sản phẩm quốc gia, trong đó chọn ra các thương hiệu đủ tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng và có bộ nhận diện thương hiệu đủ lớn để phát triển, hỗ trợ về chính sách, thị trường, môi trường để DN tiếp cận được với hệ thống phân phối nước ngoài".

>>Giấc mơ mang “quốc hồn quốc túy” ra thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành thực phẩm Việt nỗ lực ghi tên lên bản đồ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO