Ngành dược Việt Nam: Nội, ngoại đua tranh

MINH PHƯƠNG| 02/06/2018 03:32

Năm 2018, ngành dược được dự báo sẽ thay đổi mạnh mẽ nhờ các nguồn đầu tư lớn từ cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại. Sức ép cạnh tranh trên thị trường dược cũng ngày càng gay gắt khi nhiều doanh nghiệp công nghệ, thực phẩm như Vinamilk, Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld cùng tham gia...

Ngành dược Việt Nam: Nội, ngoại đua tranh

Được đánh giá là thị trường có giá trị 5,2 tỷ USD/năm, ngành dược đang hấp dẫn cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại. Tuy nhiên, trong cuộc chay đua trên thị trường dược, các doanh nghiệp nước ngoài nắm rất nhiều lợi thế.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường BMI, năm 2017 doanh thu thị trường dược Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 và dự báo thị trường này sẽ tăng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2021.

Nhiều tiềm năng...

Thống kê cho thấy chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD trong năm 2005 lên 22,25 USD năm 2010 và tiếp tục tăng gần gấp đôi vào năm 2015, với 37,97 USD. Năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD/người, và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025. Chi tiêu dành cho dược phẩm theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi, lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

Triển vọng tăng trưởng ngành dược được dự báo rất khả quan vì tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng tăng, ý thức bảo vệ sức khỏe được nâng cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối dược phẩm đang phát triển mạnh, tăng khả năng tiếp cận dược phẩm của người sử dụng.

Với bệ đỡ tốt về doanh số lẫn kỳ vọng tăng trưởng, thị trường dược phẩm chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội lẫn ngoại. Các doanh nghiệp ngoại liên tiếp có các thương vụ mua lại cổ phần các công ty dược phẩm Việt Nam. Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,69% cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu y tế Domesco để nắm quyền chi phối. Abbott cũng mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed của Việt Nam.

Thông qua thương vụ này, Abbott sở hữu ngay 2 nhà máy16.000m2, trị giá 18 triệu USD chuyên sản xuất tân dược thuộc nhóm Non - Beta lactam và nhóm Beta lactam (Cephalosporin) của Glomed.

Đại diện Abbott cho biết: "Việc mua lại Glomed là một bước tiến trong chiến lược tập trung kinh doanh dược phẩm của chúng tôi tại các nền kinh tế mới nổi và có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam".

Dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn  GMP của Traphaco

Dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP của Traphaco

Tập đoàn Sanofi (Pháp) đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), bao gồm sản xuất và tiếp thị dược phẩm của Sanofi, cũng như dược phẩm xuất khẩu sang thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hay tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai Ba Lan là Adamed Group đã thâu tóm 70% cổ phần của Công ty Dược Đạt Vi Phú (Davipharm) với tổng giá trị thương vụ lên tới 50 triệu USD.

Ở phía ngược lại, các công ty trong nước đang tận hưởng những kết quả kinh doanh rất tốt từ thị trường dược luôn tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm. Kết thúc năm 2017, Công ty CP Dược Hậu Giang đạt doanh thu và lãi ròng lần lượt là 4.062 tỷ và 642 tỷ đồng. Công ty CP Traphaco cũng không kém khi kết thúc năm tài chính với doanh thu ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sự thành công của 2 công ty này nhờ vào các bước đi khác biệt. Đó là "đánh chiếm" thị trường OTC (thuốc không cần toa của bác sĩ), phát triển mạnh kênh bán lẻ, tập trung sản xuất thuốc dựa trên dược liệu có sẵn trong nước và đó cũng là chiến lược cạnh tranh cốt lõi.

... Nhưng không "dễ ăn"

Trong chuỗi giá trị ngành dược, các công ty của Việt Nam khó "xông xênh" trong cạnh tranh, đặc biệt ở lĩnh vực tân dược, do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, luôn bị động về nguồn cung, giá cả và tỷ giá. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đủ khả năng sản xuất thuốc generic (thuốc bào chế theo công thức đã hết thời hạn bảo hộ), vì năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc có hạn.

Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đấu thầu ETC (đấu thầu thuốc tại các bệnh viện), ưu tiên nguồn nguyên liệu trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký sản xuất thuốc generic, đã phần nào giúp doanh nghiệp ngành dược chống lại sự cạnh tranh gay gắt của thuốc nhập khẩu giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc. Thực tế, các doanh nghiệp ngoại đang nắm giữ vị thế trên kênh này, tiêu biểu là các thương hiệu Sanofi, GSK, Astrazeneca.

Sự "hụt hơi" của doanh nghiệp nội trong việc cạnh tranh với thuốc ngoại thể hiện rất rõ qua số liệu năm 2017 của Tổng cục Hải quan: Tổng giá trị nhập khẩu dược phẩm tăng nhanh, đạt 2,54 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2016, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Đức, Pháp... Về nguyên phụ liệu dược phẩm chính, Việt Nam đã nhập khẩu 332 triệu USD, trong đó hơn 56% kim ngạch được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, cần trung bình 1 tỷ USD để phát triển hoạt chất mới. Rõ ràng điều này vượt quá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Chưa kể, sản xuất thuốc generic đòi hỏi công nghệ cao để đưa ra sản phẩm đảm bảo việc chữa khỏi bệnh ngay. Nếu bám sát yếu tố này, khả năng cạnh tranh giá với thuốc ngoại cùng loại cũng không phải dễ. Nhiều doanh nghiệp chọn cách giảm giá bằng cách cắt bớt hoạt chất khiến thuốc có công hiệu thấp và vô tình lại đẩy khách hàng hướng về sử dụng thuốc ngoại.

Để duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường dược, nhiều doanh nghiệp nội đã tìm hướng đi mới. Tại Công ty CP Dược Hậu Giang đã xuất hiện cổ đông lớn là tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Nhật Bản là Taiso Pharmaceuticals. Kết hợp với hệ thống phân phối mạnh của Dược Hậu Giang và sự hỗ trợ kỹ thuật cũng như nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất các dòng thuốc mới từ Taisho, Dược Hậu Giang đủ năng lực cạnh tranh với bất kỳ đối thủ lớn nào.

Cũng với cách tương tự, từ lâu Công ty Xuất nhập khẩu y tế Domesco đã hợp tác với nhiều công ty nước ngoài để tận dụng việc mua nguyên liệu và xuất khẩu thuốc sang nhiều thị trường khác thông qua mối quan hệ rộng lớn của các đối tác này.

Theo bà Thuận, Traphaco chọn thị trường ngách, tức sản xuất đông dược trên nền công nghệ cao là cách hóa giải các khó khăn và tránh cạnh tranh với các đối thủ mạnh. Bằng cách này, Traphaco tận dụng những lợi thế về đa dạng sinh học của Việt Nam và nền y dược học cổ truyền lâu đời để phát triển những loại đông dược dễ dùng, tiện lợi, có tính an toàn cao, thoát khỏi việc phụ thuộc nguyên liệu nhập để tối ưu giá thành sản xuất. Và đến thời điểm này, cũng không có quá nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường đông dược.

Nếu như việc đem sản phẩm y học cổ truyền vào sản xuất trong các nhà máy hiện đại, đảm bảo quy định nghiêm ngặt của pháp luật về sản xuất, bảo quản, phân phối và kinh doanh dược phẩm theo các tiêu chuẩn thực hành tốt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì với đông dược còn được xem là một dạng thực phẩm chức năng đã giúp Traphaco đưa sản phẩm chủ yếu vào thị trường OTC - nơi mà người tiêu dùng ra hiệu thuốc mua về sử dụng an toàn và hiệu quả mà không cần sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Mặt khác, với việc chọn phân khúc OTC, sản phẩm sẽ bán với số lượng rất lớn, được xem như mặt hàng tiêu dùng hơn là thuốc.

Ông Đặng Trần Hải Đăng - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinbankSc) cho biết, đông dược đang chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ xấp xỉ 1 - 1,5%, nhưng mảng sản phẩm này được dự báo là có tiềm năng tăng trưởng lớn, mà theo Bộ Y tế, trong vòng 5 năm tới, tỷ lệ sử dụng đông dược sẽ tăng 30%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dược Việt Nam: Nội, ngoại đua tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO