Ngành dệt may: Phải chấm dứt gia công thuần túy

BÍCH THỦY| 08/08/2016 06:30

Dự báo 6 tháng cuối năm của ngành dệt may Việt Nam vẫn khá ảm đạm, nên tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt từ 8 - 10%, tăng trưởng về sản lượng chỉ có thể đạt từ 11 - 12%.

Ngành dệt may: Phải chấm dứt gia công thuần túy

Dự báo 6 tháng cuối năm của ngành dệt may Việt Nam vẫn khá ảm đạm, nên tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt từ 8 - 10%, tăng trưởng về sản lượng chỉ có thể đạt từ 11 - 12%, xuất khẩu có thể chỉ đạt 29 tỷ USD so với mức dự kiến 31 tỷ USD.

Đọc E-paper

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nhiều DN dệt may đang gặp khó khăn về tìm kiếm đơn hàng, nhất là từ tháng 8 trở đi. Một số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành 6 tháng qua chủ yếu là do các DN FDI đóng góp, còn DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, điển hình với nhóm hàng sơ mi, jacket.

Nhiều DN dệt may đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nếu đầu tư thêm nữa sẽ khó, nhưng nếu không đầu tư mở rộng thì không phát triển được.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng tỏ ra lo lắng cho mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may nên đã yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ xem lại Thông tư 37/2015/TT-BCT về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehy và amin thơm với các sản phẩm dệt may.

Ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ: "Giải pháp hiện nay là DN dệt may liên kết chia sẻ đơn hàng. Để hạn chế tình trạng giảm đơn hàng, một số DN cần tập trung vào thị trường Hàn Quốc vì thị trường này đang ổn định. Giải pháp khác là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, như Công ty TNHH Dệt May xuất khẩu Mỹ Hưng (Hưng Yên) song song với sản xuất áo thì đầu tư thêm trang thiết bị, nhân lực để sản xuất quần, phụ kiện".

Trong 6 tháng cuối năm 2016, trước bối cảnh cạnh tranh mạnh, các DN dệt may Việt Nam càng phải liên kết để có giá thống nhất, từ đó mới cạnh tranh được với các DN ở Lào, Campuchia hay Bangladesh.

Các DN cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như ưu đãi về thuế xuất khẩu. Quá trình đàm phán các hiệp định thương mại cũng cần được đẩy nhanh hơn để tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may.

Sáu tháng cuối năm, theo chu kỳ, xuất khẩu thường cao hơn 6 tháng đầu năm. Nhiều mặt hàng bắt đầu được hưởng lợi từ các FTA, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất và xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, mặc dù có nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Sự suy yếu của các nền kinh tế và bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo giá xuất khẩu giảm; biến động khó lường về giá dầu và biến động tỷ giá, tiền tệ của các nước gây tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều nước tăng cường hàng rào kỹ thuật và yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Chủ tịch Vitas đề xuất, để tháo gỡ vướng mắc cho DN và hỗ trợ xuất khẩu, các bộ, ngành cần xem xét lại một số quy định về kiểm định, kiểm dịch đối với nguyên liệu nhập khẩu của ngành dệt may để tiết kiệm thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, cần xem xét lại chính sách thuế để khuyến khích tiêu thụ nội địa. Cần kiểm soát chặt việc chuyển giá của DN FDI, kiểm soát chặt hàng giả, hàng nhái để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo Vitas, để thúc đẩy xuất khẩu, các DN cần có môi trường phát triển minh bạch, dài hạn. Những khó khăn nội tại được tháo gỡ thì DN mới có đủ năng lực để đầu tư, tái mở rộng sản xuất, từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu.

Trong 6 tháng qua, Vitas đã gửi nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN dệt may liên quan đến việc tăng lương tối thiểu, kiểm tra chuyên ngành...

Điều cần quan tâm nữa là các DN dệt may đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực và trình độ quản trị. Với đa số DN làm gia công như hiện nay, khả năng tận dụng lợi thế từ TPP khi hiệp định này có hiệu lực là thấp. Con số trên 60% doanh số xuất khẩu dệt may thuộc về các DN FDI cũng cho thấy lợi ích (nếu có) từ các FTA phần lớn thuộc về... nước ngoài.

Ngay khi TPP vừa hoàn tất đàm phán vào cuối năm ngoái, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã lên tiếng cảnh báo việc thiếu chủ động của các DN dệt may trong nước trong khi liên tục trong 3 năm, các DN nước ngoài ồ ạt vào xin đầu tư đón đầu TPP. Đặc biệt, nhiều DN Trung Quốc đưa nhà máy qua Việt Nam và đưa cả... ô nhiễm qua.

"Nếu không thoát việc thuần túy gia công, chỉ ít năm nữa khi lợi thế lao động rẻ không còn, các đơn hàng sẽ bị chuyển đi nước khác", bà Chi Lan nói. Có vẻ như nhận định của bà Chi Lan đang thành hiện thực.

>Thị trường may gia công: 4 yếu tố bất lợi cho Trung Quốc

>Khi ngành du lịch “ngỏ lời” với ngành thương mại

>Ngành kiểm toán: Hụt cả chất và lượng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may: Phải chấm dứt gia công thuần túy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO