Ngành dệt may: Giảm lượng hàng xuất khẩu lẫn đơn giá

BÍCH THỦY| 05/08/2016 05:19

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 10,85 tỷ USD, chỉ tăng so với cùng kỳ năm ngoái 6,4%, và là kết quả thấp nhất của ngành kể từ năm 2010 đến nay.

Ngành dệt may: Giảm lượng hàng xuất khẩu lẫn đơn giá

Tháng 6 được xem là "thời điểm vàng" của doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam chốt đơn hàng cho quý III và IV, và có thể tổng kết sơ bộ được kế hoạch sản xuất cả năm. Thế nhưng đến giữa tháng 7/2016, chỉ khoảng 50% DN chốt được hợp đồng cho quý III. Nhiều công ty đang rơi vào trạng thái phập phồng lo thiếu đơn hàng, hụt doanh thu, thậm chí có DN đã bắt đầu sản xuất cầm chừng.

Đọc E-paper

Trước tình trạng đó, không những DN dệt may phải tự "gỡ khó" mà các bộ, ngành liên quan không thể không chung sức đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành kinh tế quan trọng này. 

Tăng trưởng chỉ đạt 1/3 kế hoạch

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 10,85 tỷ USD, chỉ tăng so với cùng kỳ năm ngoái 6,4%, và là kết quả thấp nhất của ngành kể từ năm 2010 đến nay. So với mục tiêu xuất khẩu cả năm 2016 của toàn ngành dệt may là 31 tỷ USD, kim ngạch 6 tháng này chỉ bằng 1/3 kế hoạch.

Đáng chú ý, trong đó DN có vốn FDI đạt kim ngạch gần 6,6 tỷ USD, chiếm 60,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Và nhập khẩu vải các loại chiếm gần 1/2 trên doanh thu từ xuất khẩu, đạt gần 5,06 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm 2016 không đạt tăng trưởng như kỳ vọng.

Về khách quan là do giá hàng hóa trên thế giới giảm, cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc xuất khẩu hàng dệt may, các hiệp định thương mại tự do chưa phát huy hiệu lực, sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn Âu, Mỹ, Á.

Về chủ quan, do áp lực từ bên trong tạo nên rào cản trong ngành. Các DN phải chịu gánh nặng về tăng chi phí từ việc tăng lương tối thiểu, tăng chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho bãi, các bất cập từ chính sách liên quan đến việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu và sử dụng máy móc, thiết bị.

Các thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016: Hoa Kỳ đạt kim ngạch 5,42 tỷ USD, tăng 6,2%, chiếm 49,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; Nhật Bản đạt kim ngạch gần 1,28 tỷ USD, tăng 5,5%, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may; thị trường Hàn Quốc đạt 876 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2015, chiếm 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Theo ông Lê Tiến Trường - TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), kinh tế thế giới chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Thị trường châu Âu, Nhật Bản và một số nước đang phát triển khác tăng trưởng kinh tế không cao nên tổng cầu năm 2016 của thế giới vẫn chỉ tương đương năm 2015. Trong bối cảnh này, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam dự kiến chỉ đạt từ 8 - 10%. 

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, từ đầu năm tới nay, đơn giá gia công không những không tăng mà còn giảm và số lượng đơn hàng chuyển sang các thị trường khác khá cao. Có những đơn hàng đã ở Việt Nam rồi nhưng đối tác vẫn chuyển đi gia công ở nước khác có chi phí thấp hơn.

Hiện DN dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt về giá, thị trường, công nghệ, quản trị đến năng suất lao động, đồng thời đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng.

Doanh nghiệp "đau đầu"

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cho biết, các DN đang trong tình trạng thiếu đơn hàng, giá cả không tăng trong khi chi phí tăng, đơn hàng lớn ký được thì giá rẻ.

Một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao lại bị khách hàng chuyển sang Bangladesh, Campuchia, khiến lượng đơn hàng tại Việt Nam bị hụt. Đơn hàng có xu hướng chạy sang nước khác do giá nhân công rẻ, được ưu đãi thuế quan.

Tại Công ty CP May 9 (Nam Định), giá trị hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, với một số loại hàng như veston nam còn giảm tới 40 - 50%.

Về nguyên nhân, theo phân tích của giám đốc công ty này, một số quốc gia như Campuchia, Myanmar, Bangladesh thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ chỉ còn 0%, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%. Cộng thêm giá nhân công tại các nước này cũng đang thấp hơn ở Việt Nam khiến khách hàng dịch chuyển đơn đặt hàng.

Áp lực đẩy giá nhân công, giá gia công sản phẩm dệt may tăng cao hơn là do chi phí cho bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu cho công nhân đã được điều chỉnh tăng thêm từ đầu năm 2016.

Theo số liệu phân tích từ Công ty May Đáp Cầu, do giá xuất khẩu giảm 10% so với năm ngoái và các chi phí khác đội lên như tăng lương, bảo hiểm nên lợi nhuận của Công ty đã giảm đáng kể. Cụ thể, lương tối thiểu đã tăng trung bình từ 16 - 25% trong những năm gần đây.

Từ 1/1/2016, các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp, và từ 1/1/2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác, trong khi tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của DN dệt may Việt Nam đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh (Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines, Mexico, Peru).

Nhiều quốc gia đã phải hỗ trợ cho cạnh tranh, chẳng hạn trước bối cảnh nhiều DN dệt may ngừng hoạt động, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ 22% xuống còn 18%.

Theo tính toán của DN dệt may, lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội đang chiếm tới 72% đơn giá gia công. Vì thế, khi lương tối thiểu tăng kéo theo bảo hiểm tăng, chi phí công đoàn và hàng loạt chi phí khác tăng, làm cho giá thành sản phẩm đẩy lên 8 - 10%.

Những chi phí về vận tải, lãi suất cho vay và nhiều chi phí khác cũng làm giảm năng lực cạnh tranh về giá của DN dệt may Việt Nam. Lấy ví dụ, lãi suất vay ngân hàng các nước chỉ 2% nhưng Việt Nam thấp nhất cũng khoảng 8 - 10%, nghĩa là chỉ riêng tiền vốn đầu tư đã đắt hơn 4 lần so với các nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó chủ tịch Vitas, cộng tất cả các áp lực như tỷ giá, tiền lương tối thiểu, lãi vay ngân hàng đã làm cho hàng dệt may Việt Nam đắt hơn các nước đối thủ cạnh tranh từ 20 - 30%.

>Trà xanh đóng chai và thử thách tăng trưởng

>Sóng ngầm thị trường nước mắm

>Tìm lối ra cho doanh nghiệp đường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may: Giảm lượng hàng xuất khẩu lẫn đơn giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO