Nếu Covid-19 kéo dài hết tháng 4, hơn 18% doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động

Khởi Vũ| 06/04/2020 04:00

Trong kịch bản Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4, tỷ lệ doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh là 49,1% và 0,8% có nguy cơ phá sản.

Đồng thời, cũng trong kịch bản trên, có 31,9% doanh nghiệp (DN) sẽ buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất và 18,1% phải tạm dừng hoạt động.

Tỷ lệ phá sản tăng theo thời gian dịch bệnh kéo dài

Còn nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% DN duy trì được hoạt động, 46,6% DN tiếp tục cắt giảm quy mô, 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% DN đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ DN có khả năng phá sản sẽ tiếp tục tăng cao, lên mức 19,3% nếu Covid-19 kéo dài đến hết tháng 9/2020 và chạm mức 39,3% nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm nay.

Các kịch bản và số liệu dự báo nói trên vừa được nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố trong Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sáchTheo đó, có 510 DN đã được nhóm nghiên cứu khảo sát ý kiến, với 92,6% là DN ngoài Nhà nước, 6,08% là DN FDI và 1,76% là DN Nhà nước. Trong số 510 DN được khảo sát, DN thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng chiếm 29,8% và nông nghiệp là 5,1%. Đồng thời, tỷ lệ DN có quy mô lao động dưới 50 người thuộc mẫu thử là 61,56% và dưới 200 người là 82,74%.

Ne-u-di-ch-be-nh-ke-o-da-i-he-8259-7135-

Theo nhóm nghiên cứu, với sự thay đổi của tâm dịch, từ phía Trung Quốc sang các nước Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động gây ra từ Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn; đồng thời, cơ chế tác động cũng sẽ có sự thay đổi, từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu.

Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, mô hình định lượng để dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới đã cho các kết quả như sau:

- Tăng trưởng GDP quý II/2020 của Việt Nam khoảng 2,0% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý III/2020.

- Chỉ số Vn-Index giảm khoảng 28%, và sẽ phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%.

- Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý II/2020 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm.

Kết quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng

Theo báo cáo, có đến 93,9% các DN được khảo sát đánh giá dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, và các tác động này thể hiện rõ nhất ở 2 khía cạnh là kết quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng cũng như số lượng, quy mô DN suy giảm cùng với đó là lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng.

Ne-u-di-ch-be-nh-ke-o-da-i-he-8227-2117-

Sụt giảm doanh thu hiện là khó khăn lớn nhất mà nhiều DN gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Thêm vào đó, trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các DN vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. 

Báo cáo cũng cho thấy, chi phí nhân công lao động hiện là gánh nặng lớn nhất của 34,5% DN dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%) và chi phí thuê mặt bằng (17,9%).

Ne-u-di-ch-be-nh-ke-o-da-i-he-9691-1841-

Số lượng, quy mô DN suy giảm 

Trong 2 tháng đầu năm, có 16.151 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ và 2.807 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN ghi nhận những tác động của dịch bệnh. Ngoài ra, quy mô sản xuất của các DN cũng bị thu hẹp.

Tính đến 20/3/2020, đã có trên 15% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 2/2020 là 10%). Nếu ước tính số lao động bình quân 1 DN khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400.000 lao động bị ảnh hưởng do các DN tạm ngừng kinh doanh.

Ước tính, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm sẽ vào khoảng 880.000-1,32 triệu người. Thống kê trong tháng 2/2020 đã cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

Để đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những khó khăn kéo theo, những biện pháp phổ biến đã được các DN thực hiện có thể kể đến lần lượt là cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, tạm dừng sản xuất kinh doanh và cho lao động nghỉ việc không lương.

Ne-u-di-ch-be-nh-ke-o-da-i-he-8248-1146-

Cần thiết chính sách hỗ trợ

Dẫu vậy, nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra, và sẽ "san phẳng" hầu hết mọi biện pháp đối phó với Covid-19 của các DN. Thế nên, việc đề xuất các phương án, chính sách hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước là vô cùng cần thiết để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo đó, các chính sách được DN đánh giá cao và xem là cần thiết, có thể kể đến như miễn, giảm lãi phí ngân hàng; hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi, cũng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ. 

Ne-u-di-ch-be-nh-ke-o-da-i-he-7915-9539-

Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, nguồn vốn sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi là rất cần thiết để giúp DN duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất cho vay tối đa 2,5%/năm so với biểu lãi suất thông thường, nhất là với những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Đồng thời, bên cạnh các giải pháp nêu trên, những giải pháp bổ sung được DN đề xuất tập trung gồm: tập trung việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh; giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn; nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành; có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; giảm giá các đầu vào thiết yếu cho DN như điện, xăng dầu; tạm dừng thu phí cơ sở hạ tầng; ngừng các hoạt động thanh tra kiểm tra trong thời gian này và ổn định lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu Covid-19 kéo dài hết tháng 4, hơn 18% doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO