Nâng giá trị nông sản Việt

LỮ Ý NHI| 30/05/2014 04:03

Hành trình làm nên tên tuổi cho nông sản vẫn còn rất đơn độc và nhiều trở ngại.

Nâng giá trị nông sản Việt

Khi những cây trái, hoa quả tươi như gấc, tỏi, mít, dâu tằm, đậu nành... được sử dụng làm nguyên liệu chế biến những sản phẩm mới thì không chỉ tăng thêm giá trị mà còn tạo ra thương hiệu, đem lại lợi nhuận xuất khẩu cao... Song, hành trình làm nên tên tuổi cho những sản phẩm này vẫn còn rất đơn độc và nhiều trở ngại.

Đọc E_paper

Cây mít mở đường

"Nếu chỉ dùng ăn tươi, chắc chắn cây mít của Việt Nam và nhiều loại nông sản khác sẽ không được thế giới biết đến nhiều như bây giờ. Bên cạnh đó, do không khai thác được giá trị tiềm năng nên nhiều loại cây trái cũng bị giảm sản lượng", ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, khẳng định khi nói về hành trình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Mít, gấc làm nên chuyện

Khoảng năm 1991, sau khi kết thúc khóa học về công nghệ sấy chân không, áp dụng trong chế biến nông sản tại Đài Loan, ông Nguyễn Lâm Viên về nước và chọn trái mít để chế biến khô và xuất khẩu. Theo ông Viên, mít ở Việt Nam rất nhiều, giá bán lại rẻ. Mít có hương vị độc đáo và là loại trái mà ở nhiều nước không có nên khả năng được tiêu thụ rất cao. Quả thật, sau khi mít sấy mang thương hiệu Vinamit ra đời và xuất khẩu, giá trị của cây mít đã tăng lên thấy rõ.

"Có thời điểm, một tấn gạo xuất khẩu chỉ 200USD nhưng một tấn mít sấy tới 6.000USD, bỏ một đồng vốn thu về 5 đồng lời. Thành công này đồng thời cũng mở ra giai đoạn phát triển mới cho cây mít", ông Viên cho biết. Hiện nay, Vinamit đang xuất hàng qua Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác.

Năm 2013, thị trường Trung Quốc chiếm tới 60% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của Công ty. Trung bình mỗi tháng, Vinamit xuất khẩu sang Trung Quốc 30 - 50 container trái cây sấy như mít, chuối, khoai lang, dứa, khoai môn, xoài, cà rốt, đu đủ, khổ qua, táo, cà chua, bí, cùi dưa, ổi... Sản phẩm của Vinamit đã có mặt ở 10 hệ thống siêu thị tại Trung Quốc như Walmart, Carre Four, Lotus...

Chỉ riêng tại Walmart, doanh số của Vinamit vào khoảng 3-5 triệu USD/năm. Ông Viên chia sẻ: "Vào thời điểm đầu tiên, khi chọn hoa quả sấy làm sản phẩm để xâm nhập vào Trung Quốc, không ít người cho rằng đây là quyết định quá mạo hiểm. Bởi lẽ hoa quả sấy là sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất và xuất khẩu sang thị trường này".

Cùng nhận ra nguồn lợi mang lại rất lớn từ quả gấc, năm 1999, ông Nguyễn Công Suất thành lập Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam để sản xuất thực phẩm từ quả gấc mang thương hiệu Vinaga. Lý do chọn gấc của ông Suất xuất phát từ thời gian công tác tại Bệnh viện 108, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều công trình nghiên cứu y học, trong đó có hơn 20 đề tài chuyên nghiên cứu về công dụng của quả gấc có khả năng rất tốt trong việc bồi bổ cơ thể, sáng mắt, chống lão hóa...

Giá trị lớn nhưng thị trường vẫn còn bỏ ngỏ, sản lượng cũng không được quan tâm nên ông Suất quyết định đầu tư trang trại, khuyến khích nông dân trồng gấc và xây dựng xưởng chế biến dầu gấc. Năm 2001, những lô hàng dầu gấc mang thương hiệu Vinaga đầu tiên đã được xuất sang Mỹ. Năm 2007, sản phẩm đã được bán rộng rãi tại thị trường châu Âu và hiện nay đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, doanh thu mỗi năm tăng đều 30%.

Vận đỏ của tỏi đen

Từ thành công của Vinaga, có nhiều công ty cũng khai thác tiềm năng này, như Công ty CP Đông Dương đã ký kết hợp đồng liên kết với nông dân để trồng gấc, sau đó tiến tới mục tiêu đạt con số 400 tỷ đồng doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp trong những năm tới. Công ty cũng lên kế hoạch đưa hơn 4.000 hộ gia đình tham gia vòng sản xuất nông nghiệp theo quy trình khép kín.

Theo ông Phạm Hồng Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Dương: "Giá trị của các loại nông sản Việt Nam, trong đó có trái gấc đang mang lại doanh thu lớn. Song, lâu nay, nông dân chỉ thu hoạch nông sản dạng thô bán cho thương lái xuất cho đối tác nước ngoài với đơn giá rẻ. Các nhà máy ở Việt Nam nhập lại sản phẩm tinh với đơn giá rất đắt để sản xuất thành phẩm. Vì vậy, chúng tôi sẽ trực tiếp khai thác vùng nguyên liệu và sản xuất để khai thác sâu nguồn lợi này".

Đậu nành trước đây cũng là loại cây gần như không được quan tâm khai thác. Diện tích và sản lượng đậu nành cũng khá khiêm tốn, thậm chí nhiều bà con nông dân còn bỏ cây đậu nành để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Chỉ khi sữa đậu nành Vinasoy ra đời và được thị trường đón nhận, tiếp theo đó nhiều công ty cùng vào cuộc khai thác thì giá trị của đậu nành mới được đánh giá cao.

Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), thừa nhận: Lúc đầu, đậu nành chỉ là giải pháp tạm thời, song đây lại là sản phẩm để Vinasoy vươn lên vị trí dẫn đầu. Ngay từ những ngày tham gia chương trình "Dinh dưỡng học đường" cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ, chúng tôi đã nhận ra uống sữa đậu nành hộp giấy chắc chắn sẽ là xu hướng tiêu dùng khi kinh tế phát triển. Lúc đó, Vinasoy cũng không nhìn thấy bất cứ doanh nghiệp nào quan tâm đến ngành này, nên chúng tôi chọn đậu nành".

Mặc dù dẫn đầu song Vinasoy cũng mới chỉ đáp ứng được 1/4 sức tiêu thụ của thị trường nên Vinasoy còn rất nhiều đất để phát triển. Chỉ con số này thôi có thể thấy tiềm năng phát triển của sữa đậu nành đã là rất lớn rồi, chứ chưa nói đến các sản phẩm khác từ đậu nành.

Vinasoy liên tục tăng trưởng 40% đều đặn trong vòng 10 năm và hiện nay, Vinasoy chiếm 78,2% thị phần sữa đậu nành nhưng cũng mới chỉ cung ứng được gần 180 triệu lít. Năm 2013, Vinasoy giữ vững vị trí đầu bảng, tức là trên 70% thị phần với sản lượng tiêu thụ 134 triệu lít. Năm 2012, doanh thu của Vinasoy đạt gần 1.900 tỷ đồng và năm 2013 đạt 2.440 tỷ đồng.

Tháng 4/2014, Công ty TNHH Leo's cũng đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm tỏi đen với thương hiệu "Tỏi đen Leo's" dưới dạng tỏi nguyên củ đóng gói và tỏi ngâm rượu được chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản.

Ông Nguyễn Leo Long, Giám đốc Công ty TNHH Leos, cho biết: "Tỏi đen bắt nguồn từ Hàn Quốc và được giới thiệu rộng rãi tới công chúng Nhật vào năm 2005. Năm 2011, các sản phẩm tỏi đen được tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc ước tính khoảng 94 triệu USD và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Việt Nam cũng có nhiều vùng trồng tỏi như Lý Sơn, Phan Rang... có thể làm tỏi đen, nhưng mới chỉ được sử dụng ở dạng tươi nên tôi mạnh dạn đầu tư. Từ một củ tỏi vốn chỉ dùng làm gia vị, khi lên men trở thành tỏi đen và rượu tỏi đã được nâng giá trị lên gấp nhiều lần. Đơn cử ở Mỹ, giá bán rượu tỏi là 220 USD/lít, ở Nhật còn đắt hơn. Riêng tỏi đen bán tại Việt Nam có giá khoảng 220.000 đồng/100gr. Mức giá này vẫn rẻ hơn nhiều so với tỏi đen được sản xuất tại Nhật, thậm chí là rẻ hơn cả tỏi đen được sản xuất từ Trung Quốc khoảng 30%".

Đắp chiếu trên đống vàng

Với giá trị được nâng tầm, các sản phẩm nông sản Việt Nam đang có triển vọng rất lớn về đầu ra. Song, vẫn còn không ít khó khăn, nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào khiến các doanh nghiệp luôn bị động trong chiến lược kinh doanh.

Lệch pha vùng nguyên liệu

Ông Ngô Văn Tụ cho biết, khảo sát tại một số địa phương ở Tây Nguyên mới đây cho thấy, nhiều nông dân từ lâu không còn trồng đậu nành, mà chuyển sang trồng lúa, khoai lang, bắp do lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, nhu cầu đậu này thì ngày một tăng.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010 Việt Nam có diện tích trồng đậu nành vào khoảng 200.000 ha, nhưng nay chỉ còn 120.000 - 130.000 ha, năng suất trung bình là1,5 tấn/ha. Theo ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn đậu nành với giá nhập khẩu rẻ hơn giá đậu nành trồng trong nước nên người dân không mặn mà với cây đậu nành.

> Xuất khẩu nông sản: Ăn đong
> Tiêu thụ nông sản: Bao giờ hết cảnh “đem con bỏ chợ”?
> Chỉ dẫn địa lý - "cửa mở" cho nông sản xuất khẩu
> Cấm doanh nghiệp FDI trực tiếp mua nông sản
> Nông sản: Chất lượng cao vẫn ế
> Nông sản vào EU: Đường rộng nhưng khó đi
> Ngăn chặn thương lái Trung Quốc ồ ạt mua nông sản: Phải từ gốc

"Tuy nhiên, đậu nành nhập khẩu không thể làm được các loại thức uống, các doanh nghiệp thường chọn đậu nành trong nước để sản xuất thức uống. Bởi vì đậu nhập khẩu để quá 6 tháng chất lượng sẽ giảm, ảnh hưởng đến hương vị của các loại thức uống. Do đó, Vinasoy gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua số lượng lớn", ông Tụ cho biết.

Ông Lê Quý Nguyên, đại diện Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam, cũng cho biết: "Khó nhất là vùng nguyên liệu. Mặc dù Công ty đã chủ động phát triển vùng nguyên liệu nhưng vẫn không đủ. Trong khi đó, thương lái chỉ cần mua cao hơn 1.000 đồng/kg là nông dân bán lại cho họ. Điều đáng nói là trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước không đủ nguyên liệu gấc để sản xuất thì thương lái lại tranh mua để bán ra nước ngoài".

Cũng theo ông Nguyên, thị trường trong nước chỉ cung cấp được 50% nguyên liệu, nên nếu không phải là mùa gấc chín thì máy móc đành đắp chiếu trong khi vẫn phải duy trì bộ máy hoạt động của Công ty. Bên cạnh đó, do nhiều công ty cùng sản xuất các sản phẩm từ gấc nên cạnh tranh rất gay gắt, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ổn định nhưng doanh thu của Công ty lại sụt giảm.

Ông Phạm Hồng Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Dương, chia sẻ thêm: "Quy hoạch vùng sản xuất còn thiếu sự ổn định dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp khi xác định lộ trình phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Trong khi để liên kết bền vững, tạo thế mạnh cho nông sản Việt Nam luôn là bài toán khó và khó khăn về nguồn nguyên liệu chính là lý do kéo chậm nhịp độ phát triển của các doanh nghiệp".

Mặc dù đã có chỗ đứng vững trên thị trường, nhưng ông Nguyễn Lâm Viên vẫn không hết những trăn trở: "Xây dựng thương hiệu khó thật, nhưng không khó bằng việc giữ được thương hiệu. Khi xây dựng thì nỗ lực chinh phục, lúc đó không ai ăn cắp, không ai nhái, không ai nghĩ đến chuyện thôn tính hay lật đổ. Nhưng khi nổi tiếng rồi thì bị người ta làm nhái, làm giả. Vinamit đã trải qua nhiều năm vận lộn với nạn hàng nhái, hàng giả, giành lại thương hiệu tại thị trường nước ngoài".

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Nhà nước vẫn chưa có những chính sách ưu đãi cụ thể để doanh nghiệp sản xuất nông sản có thể mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, điều kiện tiên quyết của nhà máy chế biến là phải có vùng nguyên liệu, thế nhưng nguồn này luôn thiếu. Dù nỗ lực rất nhiều nhưng Vinamit vẫn không đủ nguyên liệu để chế biến.

Trưởng phòng một công ty sản xuất và chế biến trái cây sấy tiết lộ, để có những túi mít khô vừa bán trong nước vừa xuất khẩu, công ty này đã nhập mít tươi từ Campuchia, thậm chí, qua Campuchia mua đất trồng mít, kể cả trồng thơm, rồi nhập về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 4,74 tỷ USD, tăng 5,8%.

Cà phê và hạt tiêu, hạt điều liên tục duy trì là ngành hàng có sự gia tăng cả về sản lượng cũng như giá trị, còn gạo, cao su, chè... lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Câu hỏi về mô hình "Ba nhà”

Giám đốc Công ty CP CGroup Việt Nam cũng từng chia sẻ đã phải dở khóc dở cười khi có đơn hàng mà không đủ tỏi, hoặc tỏi từ miền Trung ra Bắc gặp khí hậu ẩm thì nảy mầm. Đặt cơ sở sản xuất tại Lý Sơn cũng không được, vì để lên men tỏi cần điện sấy liên tục 35-45 giờ, mà Lý Sơn lại chưa có điện lưới.

"Là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi chỉ mong Nhà nước có sự đầu tư về điện, đường và công nghệ chế biến sau thu hoạch, vừa giúp nông dân yên tâm sản xuất, vừa gián tiếp giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng", Giám đốc CGroup đề nghị.

Ông Nguyễn Leo Long cũng lo lắng: "Nguồn nguyên liệu chính của chúng tôi là tỏi của Lý Sơn, nhưng hiện nay nông dân bán cho tôi chỉ nhỏ lẻ, còn lại đầu nậu thu gom. Do đầu nậu có mối làm ăn lâu năm với nông dân nên tôi không thể đi sát với nông dân khuyến khích họ trồng hoặc bán tỏi trực tiếp cho mình. Vì vậy, tôi buộc phải mua thông qua đầu nậu. Tuy nhiên, do kế hoạch sản xuất dự kiến năm 2015 sẽ tăng lên 4 tấn/tháng, và tối đa 10 tấn/tháng sẽ không đủ nguyên liệu nên tôi qua Lào, Trung Quốc tìm nguồn mua. Song, giá tỏi ở Trung Quốc còn cao hơn Việt Nam và cũng không dễ mua. Lý do, rất nhiều thương nhân Mỹ cũng đã lập kho để trữ tỏi ở Trung Quốc xuất khẩu về Mỹ”.

Theo PGS - TS. Võ Tòng Xuân, phần lớn người nông dân trồng các loại cây nông sản đều không theo nhu cầu đặt hàng của thị trường do mô hình nông dân liên kết trong các hợp tác xã, doanh nghiệp để hình thành nên chuỗi giá trị hay đặt hàng theo yêu cầu của doanh nghiệp rất ít, nên xuất khẩu nông sản vẫn chưa mang lại giá trị tương xứng với tiềm năng mặt hàng này.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác giữa người trồng nông sản với nhà khoa học và doanh nghiệp (liên kết "Ba nhà”), nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và gắn quy hoạch sản xuất với nhu cầu thị trường, dựa trên cơ sở tiềm năng của từng địa phương, từng vùng để định hướng sản xuất cho người nông dân, từ đó liên kết với doanh nghiệp và thị trường nhằm đảm bảo có đầu ra bền vững cho nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng giá trị nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO