Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã đủ sức hút?

27/03/2017 06:54

Tại Nhật Bản, một năm có khoảng 6.000 người đến Văn phòng Jetro xin tư vấn, trao đổi và tìm hiểu điều kiện đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã đủ sức hút?

Ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.  

Đọc E-paper

Lãnh đạo Tập đoàn Toto (Nhật Bản) khai trương showroom tại TP.HCM. Ảnh: QH

* Theo khảo sát mới nhất của Jetro, khoảng 66% doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo ông, xu hướng này bắt nguồn từ đâu ?


- Các doanh nghiệp Nhật đang rất kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nên xu hướng mở rộng đầu tư tiếp tục tăng lên. Và nếu nhìn vào xu hướng đầu tư trong một vài năm trở lại đây của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ thấy sự chuyển hướng sang lĩnh vực phi chế tạo, chiếm từ 70 - 80%.

* Đầu tư của Nhật vào Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 2, sau Hàn Quốc, lại tập trung vào các dự án quy mô nhỏ. Ông nhận xét thế nào về điều này?

- Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này một mặt là do chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đối với loại hình doanh nghiệp này của Chính phủ Nhật Bản phát huy tác dụng, trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn đang tạm dừng đầu tư. Nhưng mặt khác, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chủ yếu theo định hướng xuất khẩu.

Tôi nghĩ rằng, có xu hướng doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đang chú trọng hơn thị trường nội địa của Việt Nam. Chẳng hạn gần đây Công ty Daikin và một công ty chế biến thực phẩm - 2 công ty lớn của Nhật Bản - đã quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Chúng tôi ước tính tại Hà Nội, người dân đã có thu nhập 3.500 USD/năm và TP.HCM là 5.000 USD/năm. Khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên, thị trường nội địa sẽ được mở rộng.

Một điểm nữa, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tận dụng lợi thế nhân lực trẻ của Việt Nam cho các lĩnh vực phi chế tạo, đầu tư quy mô nhỏ. Tôi nghĩ đây không hẳn là lý do nhưng nó có tác động gián tiếp đến đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam.

* Nhưng lý do nào khiến doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực phi chế tạo?

- Chính phủ Việt Nam gần đây đã có những chính sách phát triển nông nghiệp, một lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP cũng như 50% lực lượng lao động. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam kỳ vọng nhiều vào doanh nghiệp Nhật Bản để giúp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Nhật Bản, một năm có khoảng 6.000 người đến Văn phòng Jetro để xin tư vấn, trao đổi và tìm hiểu điều kiện đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số dự án được cấp phép kinh doanh chưa đáng kể.

>>Bài học làm ăn từ "người chung tình" Nhật Bản

* Có ý kiến cho rằng, giá nhân công tại Việt Nam đang tăng lên là lý do khiến các nhà đầu tư Nhật cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư?

- Với 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam định hướng tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cho thấy họ chú trọng vào tính hấp dẫn của thị trường hơn là chi phí nhân công. Tuy nhiên, chi phí nhân công tăng sẽ tác động nhiều nhất đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Hiện nay, giá nhân công chiếm 20% chi phí sản xuất, so với năm 2010, đã tăng 2,2 lần. Hơn nữa, mức tăng lương tối thiểu cũng là vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam quan tâm, bởi đây là yếu tố giúp doanh nghiệp đảm bảo chi phí nhân công hợp lý.

* Mức độ cải cách hiện nay đã đủ để thay đổi đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?

- Những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục thuế phức tạp thì đã có cải thiện, nhưng vẫn có hơn 40% doanh nghiệp phản ánh là phiền phức, vẫn có những yêu cầu về các khoản phí không chính thức khi doanh nghiệp làm thủ tục thông quan. Vì vậy, trong xếp hạng khảo sát mới nhất của chúng tôi, Việt Nam chỉ ở mức giữa.

Nếu Việt Nam muốn phấn đấu đến cuối năm nay có thủ tục hành chính đứng ngang bằng các nước ASEAN 4, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, tôi nghĩ phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.

* Một số doanh nghiệp Nhật tuyên bố sẽ dịch chuyển ra khỏi Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thay đổi tình trạng ấy?

- Tôi luôn khuyến cáo các địa phương phải quan tâm, chăm sóc tốt cho doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn. Chỉ như vậy mới có thể giữ chân họ, thúc đẩy họ mở rộng đầu tư và kêu gọi thêm các đầu tư mới. Đáng mừng là nhiều địa phương đang tích cực thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

Tỉnh Hà Nam đã thành lập một trung tâm chuyên trách vấn đề này, hoạt động theo cơ chế một cửa, nhân viên đều biết tiếng Nhật nên rất thuận lợi khi tư vấn và hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi cũng tư vấn cho Thái Bình, Hải Dương tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư Nhật trên địa bàn. Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo địa phương trực tiếp nghe nhiều ý kiến để có giải pháp xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp.

* Theo ông thì TPP chưa được thực thi có tác động đến doanh nghiệp Nhật mở rộng đầu tư tại Việt Nam?

- Rất ít doanh nghiệp Nhật kỳ vọng vào TPP để đầu tư vào Việt Nam. Trường hợp có TPP, vấn đề chúng tôi quan tâm là hiệu quả kép sẽ như thế nào đối với doanh nghiệp. Giả định TPP chậm thi hành hay xấu nhất là bị hủy bỏ cũng không có ảnh hưởng đến đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật.

* Cám ơn ông!

>>6 bài học từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã đủ sức hút?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO