Kết quả tích cực
Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho thấy, trong năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng ký thành lập mới tại địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn tăng khoảng 14% so với năm 2020 (đạt 652 đơn vị). Đến nay, số doanh nghiệp thuộc tỉnh Lào Cai đăng ký trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã đạt co số 6.081 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký khoảng 83.830 tỷ đồng. Với một địa phương miền núi, biên giới, có xuất phát điểm phát triển kinh tế thấp trước đây, thì con số này là một tín hiệu rất lạc quan đối với công cuộc phát triển kinh tế của Lào Cai.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Lào Cai cũng đã thu hút được 28 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 688,606 triệu USD, tập trung tại các khu công nghiệp ở thành phố Lào Cai và các địa bàn thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn... có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và du lịch.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn đã góp phần tích cực đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Lào Cai giai đoạn 2015-2020 đạt 9,08%/năm; GDP bình quân người dân năm 2020 đạt 77,7 triệu đồng, đứng thứ hai trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh; thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 9.172 tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, song tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai vẫn ước đạt 5,33%.
Kết quả nêu trên đạt được là do Lào Cai trong những năm vừa qua đã luôn chú trọng cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hệ thống dịch vụ hành chính công của Lào Cai đã được kết nối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và kết nối chia sẻ quốc gia (NGSP). Ứng dụng chữ ký số đã được tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện tại 100% các sở, ban, ngành, huyện, xã. Dịch vụ công đã có 1.598/1.950 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 (đạt 82%), trong đó có 1.345 thủ tục được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỉnh Lào Cai cũng đã thực hiện bộ chỉ số DDCI đánh giá, xếp hạng các địa phương để điều chỉnh cách thức quản lý, điều hành... nhằm tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, gặp gỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư để giải đáp các kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tiếp tục cầu thị
Mong muốn cải thiện thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong những năm tới, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, mới đây, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cấp quốc gia) tư vấn giúp tỉnh về các nội dung, giải pháp để cải thiện chỉ số PCI. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng đã cam kết sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tới Lào Cai đầu tư, kinh doanh.
Ông Phan Trung Bá - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết, trong năm 2022, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, ngành... có liên quan tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong trung hạn, tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 80% hồ sơ thủ tục hành chính đăng ký qua mạng; 100% dịch vụ công trực tuyến đáp ứng ở mức độ 3 và 4; rút ngắn 50% thời gian đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký thay đổi xuống còn tối đa 1,5 ngày; tiếp tục phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ những cải cách mới về điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, không đặt thêm các điều kiện kinh doanh trái pháp luật... Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.