Lãi suất cho vay giảm: Hiệu ứng lan tỏa đến đâu?

Anh Khoa| 12/08/2019 06:00

Kể từ đầu tháng 8/2019, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Động thái này sẽ có tác động như thế nào và hiệu ứng lan tỏa đến đâu?

Lãi suất cho vay giảm: Hiệu ứng lan tỏa đến đâu?

Hỗ trợ nền kinh tế

Hiện có 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên gồm phát triển nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ đang được áp dụng mức lãi suất cho vay VND theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 6,5%/ năm.

Hồi đầu năm nay, nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đã công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực trên, xuống còn 6%/năm, thấp hơn 0,5% theo quy định. Và mới đây, nhóm này lại quyết định giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn VND, về mức 5,5%/năm, thấp hơn 1% so với quy định.

Đáng lưu ý là ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, Vietcombank cho biết sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi trên cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án khởi nghiệp và không chỉ áp dụng cho khách hàng mới như từ trước đến nay, mà còn có hiệu lực cho những khách hàng đang có khoản vay hiện hữu. Trong khi đó, phía BIDV cũng triển khai gói tín dụng 60.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. DN siêu nhỏ, khởi nghiệp cũng được ngân hàng này tung ra gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm.

Đợt giảm lãi suất này không chỉ có nhóm 4 NHTM nhà nước, mà còn được một số NHTM cổ phần tham gia: Ngân hàng Quân đội triển khai hai gói cho vay ngắn hạn VND, gồm gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-7,5%/năm đối với DNNVV. ACB có gói tín dụng cho DNNVV với 3.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm. Techcombank áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho DNNVV với mức giảm khoảng 0,5% so với mức hiện nay, xuống 7,5%/năm.

Trong bối cảnh các ngành nông - lâm - ngư nghiệp vẫn còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng khiến nợ xấu trong khu vực này có xu hướng gia tăng, thì việc giảm lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là rất cần thiết.

Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cũng như trước diễn biến tiền đồng có xu hướng tăng giá, thì việc giảm lãi suất để hỗ trợ cho vay xuất khẩu cũng là lựa chọn phù hợp.

Mức độ lan tỏa đến đâu?

Theo thống kê sơ bộ, thị phần tín dụng của các NHTM trong chương trình giảm lãi suất cho vay nêu trên chiếm khoảng 57% tổng tín dụng hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, dư nợ của 5 lĩnh vực ưu tiên hiện tại chỉ chiếm tương đối trong tổng dư nợ tín dụng. Theo số liệu gần đây của Vụ Tín dụng NHNN, trong 6 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 15,5% (năm 2018 giảm 1,42%, chiếm 3,01%), DNNVV tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%), lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 7,53% (năm 2018 giảm 2,2%, chiếm 0,36%), nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8% (năm 2018 tăng 21,4%, chiếm 24,8%), công nghiệp hỗ trợ tăng 5,81% (năm 2018 tăng 14,58%, chiếm 3,09%).

Đáng lưu ý là không phải DN nào cũng có cơ hội được tiếp cận vốn vay dễ dàng, chứ chưa nói đến được ưu đãi giảm lãi suất. Các báo cáo thời gian qua cho thấy thực trạng rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên không có cơ hội tiếp cận vốn.

Đáng lưu ý là không phải DN nào cũng có cơ hội được tiếp cận vốn vay dễ dàng, chứ chưa nói đến được ưu đãi giảm lãi suất. Các báo cáo thời gian qua cũng cho thấy thực trạng rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên không có cơ hội tiếp cận vốn. Theo một thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng DNNVV đang chiếm khoảng trên 90% tổng số DN với nhu cầu tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng vẫn còn đến 60% chưa tiếp cận được vốn vay.

Nhóm DN này không chỉ quan tâm lãi suất mà còn quan tâm cách thức để hưởng được ưu đãi vay vốn, khi thủ tục rất phức tạp, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, cũng như các NHTM không ngừng cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Tuy nhiên, với đặc thù quy mô nhỏ bé nên nhóm DN này rất khó tiếp cận và đáp ứng được các điều kiện vay vốn chặt chẽ của các ngân hàng.

Nhóm DN công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao hay các dự án khởi nghiệp hiện có dư nợ tín dụng không đáng là bao, trong khi các ngân hàng cho vay rất chặt chẽ vì sợ rủi ro, do vậy, quyết định giảm lãi suất cho nhóm này không có hiệu ứng lan tỏa đủ lớn. Nhìn trên bình diện chung, chương trình giảm lãi suất chỉ có ý nghĩa với các DN lớn.

Một điểm quan trọng nữa là đa số DN hiện nay cần vốn đầu tư lâu dài, trong khi ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, nên dù tiếp cận được vốn vay thì chưa kịp đầu tư đã đến hạn trả nợ. Do đó mà nhiều DN vẫn phải tìm mua trái phiếu trung, dài hạn dù lãi suất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất cho vay giảm: Hiệu ứng lan tỏa đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO