Hướng đi mới cho cà phê Việt

30/05/2019 09:07

Từ năm 2018 đến nay, diện tích trồng cà phê ở một số khu vực thu hẹp khoảng 15% do giá cà phê xuống thấp. Để tìm lối thoát cho cà phê cũng như nâng tầm giá trị cho cà phê Việt, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng đi mới.

Hướng đi mới cho cà phê Việt

Giá cà phê Robusta nhân hiện chỉ ở mức 29.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với mức giá ấy đã khiến người trồng cà phê lỗ nặng. Nguyên nhân là do Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới được mùa, khiến nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa.

Để tìm lối thoát cho cà phê, một số doanh nghiệp đã tự tìm hướng đi riêng và khẳng định lối ra duy nhất là cà phê chất lượng cao, chế biến sâu.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, chuyên viên chuỗi cà phê The Coffee House (TCH), Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê thô nhưng chất lượng không cao do nông dân bón phân không đúng chu trình, thu hoạch khi quả chưa chín. Chất lượng thấp dĩ nhiên giá thành bán không cao. Vì vậy, để tìm lối ra cho cà phê phải bắt đầu từ việc thay đổi tập quán canh tác và thu hái.

Năm 2018, TCH đầu tư trồng 33ha cà phê sạch thông qua việc mua lại Cầu Đất Farm và cam kết giữ giá ổn định cho nông dân đồng thời hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Ông Đinh Anh Huân - Chủ tịch Công ty Seedcom cho biết: “TCH chấp nhận mua cà phê với giá cao hơn 50% so với thị trường. Đơn cử, khi giá cà phê Robusta chỉ hơn 30.000 đồng mỗi kg, chúng tôi vẫn mua 60.000 đồng. Cà phê Arabica giá hơn 60.000 đồng mỗi kg, chúng tôi mua hơn 100.000 đồng.

Cùng tham vọng làm cho cà phê Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, năm 2018, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh đã đầu tư vào một nhà máy cà phê ở Sơn La theo quy trình thu hái, chế biến, xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tính đến cuối năm 2017, diện tích cà phê Arabica ở tỉnh Sơn La đạt trên 12.400ha, sản lượng cà phê nhân trên 10.000 tấn, vẫn được xem là thấp so với tiềm năng. Theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông, khi phát hiện vị ngon riêng của cà phê Arabica ở Sơn La so với các loại cà phê Arabica từng được biết ở Đà Lạt hay Quảng Trị, Nghệ An nhưng không được chế biến sâu, Phúc Sinh đã quyết định đầu tư lâu dài tại Sơn La.

Hướng đi của Phúc Sinh cũng bắt đầu từ việc hình thành vùng nguyên liệu, thu mua, rang xay và thương mại hóa hạt cà phê. Theo ông Thông, để hợp tác và làm thay đổi thói quen canh tác, Phúc Sinh phải mời chuyên viên đến hướng dẫn cho nông dân, trung bình chi phí hướng dẫn khoảng 800 triệu đồng/lần, còn phải trả tiền cho các tổ trưởng và tặng quà để người đến học quy trình canh tác. Hiện Phúc Sinh đang hợp tác với khoảng 6.000 hộ nông dân trồng tiêu cũng như cà phê ở nhiều tỉnh.

Ông Lê Nguyên Hòa - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood chia sẻ: “NutiFood với mong muốn nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam nên đã hợp tác với Công ty Cà phê Phước An để có vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn UTZ Certified (cà phê sạch đảm bảo truy nguyên nguồn gốc).

Sau chất lượng cao, muốn nâng tầm giá trị   cà phê Việt phải làm thay đổi gu uống cà phê từ chính người Việt Nam. Đó là lý do các chuỗi cà phê TCH và Phúc Sinh đồng loạt ra đời. Năm 2016, Phúc Sinh  xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê với thương hiệu K Coffee để từng bước giúp thay đổi gu người dùng cà phê.  Ông Thông chia sẻ: “Cà phê đặc sản của Phúc Sinh có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nhưng làm cà phê đặc sản không thể làm ào ạt, phải chế biến cà phê trong vòng 8 tiếng đồng hồ sau thu hoạch và phải đầu tư máy chế biến ướt với chi phí cả chục tỷ đồng. Dự kiến hết 2019, thương hiệu K Coffee sẽ mở 30 chuỗi tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM.

Tương tự, chuỗi The Coffee House cũng lạc quan khi ngày càng nhiều người ủng hộ cà phê mộc. Tại The Coffee House, tỷ lệ chọn cà phê so với thức uống khác đang tăng. Việc mở thêm nhiều cửa hàng mỗi năm sẽ có nhiều khách hàng đến hơn. Ngược lại, chuỗi cửa hàng cũng có động lực để mở nhiều hơn, tiêu thụ nhiều cà phê hơn. Theo ông Ninh, hiện nay chuỗi The Coffee House chỉ mới phục vụ 26 triệu lượt khách hàng. Với 66 cửa hàng, The Coffee House đã phục vụ 10 triệu lượt khách trong năm 2018, tăng 1,8 lần so với năm 2017 là 5,6 triệu lượt. Năm 2018, The Coffee House khai trương cửa hàng The Coffee House Signature, là nơi trải nghiệm cho những người đam mê Special Coffee. “Với nỗ lực đó, từ năm ngoái, TCH đã xuất khẩu cà phê đi Mỹ. Quý đầu tiên của năm nay xuất tiếp hơn chục tấn và dự kiến xuất 30 tấn với thương hiệu riêng trong 2019. Đó cũng là dấu ấn bước đầu dù còn rất khiêm tốn” - ông Ninh nói. Tương tự, cà phê của Phúc Sinh mỗi năm tiêu thụ khoảng 3.500 container nhưng cà phê đặc sản mới chỉ đáp ứng khoảng 80 container, hiện Phúc Sinh mới làm chứng nhận xuất 6.000 tấn mà nhu cầu xuất khẩu đã tăng hơn 100.000 tấn, cho thấy nhu cầu cà phê đặc sản chất lượng cao của Việt Nam còn rất lớn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng đi mới cho cà phê Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO