Hội chợ quốc tế trên “sân nhà”: Tại sao không?

ĐÔNG XUÂN| 28/05/2010 05:32

Việt Nam có thể tổ chức hội chợ theo mô hình hội chợ quốc tế ngay trên “sân nhà” được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu...

Hội chợ quốc tế trên “sân nhà”: Tại sao không?

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập WTO, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Một trong các hoạt động mang lại hiệu quả cao không chỉ trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu ra, mà còn để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào thị trường thế giới là tham gia, tổ chức hội chợ quốc tế.

Ở Việt Nam nhắc đến hai từ “hội chợ” là người ta dễ liên tưởng ngay đến hình ảnh các quầy hàng đầy màu sắc được dựng tạm trong khuôn viên của một khu vực công cộng nào đó, rồi người mua kẻ bán chen chúc nhau trong những gian bán hàng giảm giá…

Hội chợ rượu tại Hồng Kông 2008

Dĩ nhiên, trong hội chợ cũng có những gian hàng của các doanh nghiệp lớn, được đặt tại những vị trí đẹp, qui mô hơn. Nhưng sự không đồng bộ về cách sắp xếp của nhà tổ chức, không có chủ đề chính (tập trung vào một ngành nghề nào đó) đã dẫn đến việc tham gia hội chợ tại “sân nhà” của các doanh nghiệp ngày càng kém hiệu quả.

Ai đã từng tham dự hội chợ quốc tế được tổ chức ở các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Pháp, thậm chí ngay trong khu vực như Hồng Kông, Singapore chẳng hạn, sẽ thấy, mỗi hội chợ hoặc một khu vực trong hội chợ tập trung cho một đối tượng ngành hàng nhất định; cách sắp xếp khoa học rất tiện lợi cho đơn vị tham gia cũng như khách tham quan.

Chúng tôi đã từng tham gia một hội chợ ở Hồng Kông, cùng lúc tổ chức cho ba ngành hàng khác nhau. Họ phân chia khu vực bằng các gam màu chủ đạo: Thực phẩm với màu vàng, dược phẩm màu xanh lá, rượu với gam màu tím nho xen lẫn các điểm nhấn màu vàng.

Các gian cùng ngành hàng có thể thiết kế nội thất khác nhau, nhưng đều tuân thủ màu sắc chủ đạo mà ban tổ chức đã qui định, tạo nên sự đồng nhất rất đẹp mắt và thuận tiện cho khách tham quan.

Tuy nhiên, trong sự đồng nhất về màu sắc nhận diện ấy, gian hàng của mỗi quốc gia lại có sự thể hiện “màu cờ sắc áo” đặc trưng, rất dễ nhận biết. Vì, các doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế không chỉ để tìm đối tác hay quảng bá thương hiệu cho riêng đơn vị mình, mà họ còn mang theo cả nét văn hóa của đất nước mình giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Đến hội chợ thủy sản tại Brussel (Bỉ), bắt gặp hình ảnh các nhân viên đứng trước quầy hàng trong chiếc áo kimono cúi gập người chào khách tham quan, đằng sau họ là hình ảnh hoa anh đào và núi Phú Sĩ, không ai không nhận ra đó là gian hàng của người Nhật.

Hoặc, nhìn các cô gái mặc Sampot, mang vòng hoa phong lan trên cổ đứng cạnh chiếc xe Tuk-tuk với nụ cười luôn nở trên môi, khách tham quan liên tưởng ngay đến đất nước Phật giáo Thái Lan.

Hay cô nhân viên trong trang phục Hanbox luôn tay mời thử kim chi độc đáo của xứ Hàn... Cũng có thể nói, hội chợ quốc tế còn là một điểm hẹn giao lưu văn hóa.

Văn hóa hội chợ cũng là điều đáng lưu ý. Việc xếp hàng làm thủ tục để nhận thẻ đeo vào hội chợ là điều hiển nhiên. Có nơi còn tổ chức phân luồng khách tham quan, như khách nội địa hay nước ngoài, chuyên ngành kinh doanh là nhập khẩu, xuất khẩu, nhà sản xuất hay môi giới... sẽ được cung cấp các loại thẻ đeo riêng, tạo điều kiện nhanh nhất để các đối tác nhận biết nhau.

Sự tiếp đón niềm nở của các hướng dẫn viên luôn tạo cảm giác thoải mái cho người đến. Vệ sinh trong các khu vực hội chợ luôn được chú trọng, tất cả tự giác chấp hành theo qui định của ban tổ chức.

Hội chợ quốc tế sẽ hoàn toàn không có sự rao bán hàng khuyến mãi hay bán lẻ cho khách tham quan, vì đây là nơi trưng bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm mới, gặp gỡ đối tác, tìm kiếm cơ hội giao thương. Việc mua bán ở nơi đây thể hiện trên những hợp đồng hoặc ghi nhớ được ký kết, hoàn toàn không có chuyện bán hàng thu tiền mặt.

Đó là nét khác biệt của hội chợ quốc tế so với các hội chợ hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Hiện ở Việt Nam, Hội chợ Vietfish của ngành thủy sản (do VASEP tổ chức) và Hội chợ đồ gỗ Vifa (của Hawa) cũng được tổ chức theo hướng này, tuy nhiên vẫn chưa triệt để.

Ở rất nhiều nước, chính phủ xem việc tổ chức hội chợ là một chiến lược mở rộng mô hình phát triển kinh tế quốc gia, vì thế đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho khâu tổ chức, như bố trí phương tiện giao thông kết nối khu vực hội chợ với các cửa ngõ ra vào thành phố và các khu vực khác.

Đến hội chợ Singapore, khách tham quan dễ dàng tìm được xe buýt miễn phí đi vào các tuyến đường trung tâm thành phố hay khu vực tổ chức hội chợ...

Việt Nam có thể tổ chức hội chợ theo mô hình hội chợ quốc tế như vậy ngay trên “sân nhà” được không? Nếu các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng “vào cuộc”, trên tinh thần hội chợ không phải là dịp bán hàng tồn kho, khuyến mãi…

Nếu việc tổ chức hội chợ ở Việt Nam được chuyên môn hóa: không chỉ các nhà tổ chức có trình độ tổ chức, cập nhật được cái hay ở các kỳ hội chợ quốc tế ở nước ngoài, mà cả các doanh nghiệp tham gia hội chợ cũng có đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp về tổ chức gian hàng, kỹ năng giao tiếp và trang bị văn hóa hội chợ, thì câu trả lời là hoàn toàn có thể!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội chợ quốc tế trên “sân nhà”: Tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO