Hàng Việt ngày càng đối diện nhiều... chướng ngại vật

Minh Hào| 29/10/2020 06:30

Tham gia nhiều FTA, hàng hóa Việt Nam được dỡ bỏ thuế quan, có thêm lợi thế để xuất khẩu nhưng nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên và việc doanh nghiệp vướng vào các vụ kiện tụng là không tránh khỏi!

Đối diện phòng vệ thương mại

Việt Nam đang là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hàng loạt ưu đãi. Nhưng doanh nghiệp Việt cũng phải vượt hàng loạt hàng rào phi thuế quan như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra 32 vụ, gấp đôi cả năm 2019. Tính đến nay, Việt Nam đối mặt với 200 vụ phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện nhiều ở Mỹ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ... chiếm đến 62% tổng vụ điều tra ở tất cả quốc gia. 

Trong đó, các mặt hàng thép, thủy sản... đối diện với các vụ phòng vệ thương mại nhiều nhất. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ năm 2004 đến tháng 8/2020, ngành thép phải đối diện với 62 vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó có 34 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, 3 vụ chống trợ cấp, 6 vụ liên quan đến chống phá giá và chống trợ cấp... Còn với ngành thủy sản, hai mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và cá cũng đối diện với phòng vệ thương mại nhiều năm nay. 

Theo bà Phạm Châu Giang - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, năm 2019 Việt Nam đã có thặng dư thương mại 26,5 tỷ USD nên khi EVFTA có hiệu lực (từ tháng 8/2020) với lộ trình giảm thuế cho hàng Việt Nam ngắn và sâu hơn chiều ngược lại nên khả năng Việt Nam gây thâm hụt thương mại cho EU lớn hơn. Trong khi đó, EU vốn là thị trường áp dụng phòng vệ thương mại nhiều thứ hai thế giới (sau Mỹ) nên nguy cơ EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại lên hàng hóa Việt Nam cũng sẽ lớn. Các mặt hàng có nguy cơ cao là nông sản chế biến sâu (cà phê, hạt điều), dệt may, giày dép, thép, đồ gỗ, phụ tùng xe đạp...

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ dừng lại ở những sản phẩm mũi nhọn hay có truyền thống xuất khẩu nhiều mà ngay cả những mặt hàng có quy mô sản xuất nhỏ, không nổi trội cũng bị kiện. Và không riêng gì các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU mà nhiều nước nhỏ cũng bắt đầu khởi kiện hàng hóa của Việt Nam.

bai-1-hang-viet-2307-1603681789.jpg

Siết chặt hàng rào kỹ thuật 

Ông Lý Hoàng Hải - Tổng giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng cho biết, xu hướng thị trường của EU là tăng hàng rào kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân theo như BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh thiết lập), ASC (nuôi trồng thủy sản bền vững), GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu)...

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang châu Âu đang lo lắng trước thông tin EU có kế hoạch hạ mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với 10 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm mặc định từ mức 0,1ppm xuống mức 0,01ppm. Nếu quy định này được áp dụng sẽ tác động không nhỏ xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào châu Âu. Bởi trong 10 chỉ tiêu hoạt chất ấy, nông dân Việt Nam dùng đến 6 loại. Hơn nữa, mức MRLs mà EU dự kiến rất thấp (gần bằng 0) cũng rất khó cho nông sản Việt Nam vì khi cánh đồng này được phun thuốc có hoạt chất đó thì cánh đồng bên cạnh cũng bị nhiễm.

Theo các chuyên gia, các nước nhập khẩu đang siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp chứng thư xuất khẩu...

Chẳng hạn như với thị trường EU, hàng hóa ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng còn đảm bảo trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, quy tắc xuất xứ... "Do quy tắc xuất xứ trong EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoạch tự phát triển nguồn nguyên liệu từ trong nước", bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết.

Nhưng không chỉ ra những quy định mới, các nước nhập khẩu còn thay đổi quy trình thực thi những quy định cũ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình như với thị trường Trung Quốc, từ đầu năm 2020 đến nay, việc kiểm dịch tại kho đã chuyển sang chuyển dịch tại cảng khiến nông sản của các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này bị hư hỏng và doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí bốc xếp...

Thống kê từ Văn phòng SPS Việt Nam (cơ quan đầu mối tại Việt Nam với các thành viên WTO về những vấn đề SPS, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 2.200 thông báo thay đổi quy định SPS từ 18 thị trường, là đối tác thương mại chính, có thể tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Số lượng các thông báo tăng lên từng năm và từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 498 thông báo mới. Trong đó, nhiều nhất là từ EU (84 thông báo), Nhật Bản (82 thông báo), Canada (51), Hàn Quốc (30)...

Việc ký kết các hiệp định thương mại mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lo lắng là hầu như các doanh nghiệp, hiệp hội chưa chuẩn bị tâm thế cho "hậu hiệp định".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt ngày càng đối diện nhiều... chướng ngại vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO