Hàng giả trên sàn thương mại điện tử, Luật chưa đủ mạnh

Ý Nhi| 11/12/2020 04:57

Nhiều hình thức gian lận kinh doanh đang xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), gây mất niềm tin với người dùng và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT chân chính. Đã đến lúc phải có biện pháp mạnh.

Hàng giả trên sàn thương mại điện tử, Luật chưa đủ mạnh

Hình minh họa

Siết chặt quản lý từ Luật

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 3 nhóm hàng giả kinh doanh chính trên nền tảng TMĐT là đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mĩ phẩm, đồ gia dụng. Thông thường, các mặt hàng làm giả lưu thông trên internet có giá trị cao hoặc do nước ngoài sản xuất.

Một trong các chiêu trò được những người kinh doanh không lành mạnh sử dụng gồm việc đặt tên miền website gần giống với những thương hiệu thật. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, một số website "có vấn đề" mà Cục phát hiện ra trong thời gian qua bao gồm youtube.vn, bmw.com.vn, subway.com.vn (trùng với nhãn hiệu đã được đăng kí) bảo hộ; intelt.vn, kodark.com, panasonica.com (tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ) hay laptopdell.com, macsaigon.vn, daunhotshell.com.vn (tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan). Ngoài ra, các đối tượng thậm chí còn sử dụng hình ảnh của những người có ảnh hưởng (KOLs) và người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả.

Trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm, gian lận trên nền tảng thương mại điện tử. Từ thực tế đó, việc siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên sàn TMĐT được xem là cấp thiết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, Nghị định 52/2013/NĐ-CP với những quy định mở nhằm tạo điều kiện và kích thích TMĐT phát triển đã không còn phù hợp trong bối cảnh mua - bán hàng online phát triển chóng mặt. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công thương  sửa đổi nghị định này theo hướng tạo hành lang pháp lý và căn cứ cụ thể để kiểm soát hàng giả, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ…

Những sửa đổi mới của Nghị định 52 tập trung vào việc thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin, hàng hóa dịch vụ…Trong những sửa đổi này, việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được các sàn TMĐT và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, việc sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 Nghị định 52 sẽ theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận tại điểm d khoản 1 Điều 33 Nghị định 52; theo đó, bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT tại Điều 36; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT tại Điều 38 để đồng bộ với việc bổ sung tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT.

Cần sự chung tay của người tiêu dùng

Đầu tháng 11/2020 Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội tại phía Nam và các ý kiến đều cho rằng, đã đến lúc cần lành mạnh hóa thị trường TMĐT. Tuy nhiên, nếu chỉ có Luật thì chưa đủ mạnh mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki: “Một trong những thử thách của TMĐT tại Việt Nam hiện nay chính là niềm tin của khách hàng chưa cao. Chính vì vậy, việc đưa ra những quy định, chính sách giúp minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc cần làm ngay lúc này”- 

Đại diện sàn TMĐT Shopee cũng cho biết, Shopee luôn phối hợp với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy trình “Giải quyết khiếu nại quyền sở hữu trí tuệ” và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh và loại bỏ hàng giả, hàng nhái theo trình tự pháp luật. Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái với các sản phẩm mới được đăng bán và sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn được Shopee thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng.

Công ty này còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định. Đặc biệt là áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ - tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop. Theo đó, Shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee và hình phạt cao nhất của hệ thống là tạm khoá tài khoản bán hàng trong 28 ngày.

Về phía Tiki, ông Thọ cũng chia sẻ, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Tiki đang áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn Tiki. Để thực hiện được điều này, Tiki luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng.

Tuy nhiên, theo các sàn TMĐT, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và DN, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc cảnh báo với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cần phản hồi lại với các sàn TMĐT để có sự hỗ trợ, đền bù.

Về phía người tiêu dùng, để tránh không “bị” mua nhầm hàng giả, hàng nhái, mới đây trả lời báo chí, đại diện Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến nghị: ‘Người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chỉ nên mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp. Có thể tra cứu thông tin về các website đã tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trên website Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn. Cũng như kiểm tra kỹ thông tin về người bán sản phẩm: tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến và thông tin sản phẩm được bày bán phải được công bố chi tiết, đầy đủ, rõ ràng. Có thể sử dụng các công cụ trên mạng để tìm kiếm, so sánh giá và xem đánh giá của khách hàng đối với sản phẩm, người bán trước khi mua hàng. Đọc kỹ các điều khoản, các chính sách bán hàng của website, các điều khoản giao dịch như: thanh toán, giao hàng, chính sách đổi trả hàng, điều kiện hoàn tiền, phí vận chuyển, bảo hành... trước khi mua. Mặt khác, cần lưu trữ các thông tin giao dịch một cách đầy đủ. Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp khi xảy ra”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng giả trên sàn thương mại điện tử, Luật chưa đủ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO