Gỡ khó nguồn nhân lực

Lữ Ý Nhi| 10/04/2019 04:04

Khách các nước đến Việt Nam năm 2018  đạt 15,5 triệu lượt, tổng thu đạt trên 62.000 tỷ đồng, đóng góp trên 8% GDP đã tạo đà cho ngành du lịch Việt Nam đặt kế hoạch năm 2019 đón khoảng 18 triệu lượt khách nước ngoài, cán mốc 700.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt 32 triệu lượt khách. Để đạt kỳ vọng này, cần tháo gỡ nhiều nút thắt, trong đó khó nhất là nguồn nhân lực.

Gỡ khó nguồn nhân lực

Cẩn trọng với tỷ suất lợi nhuận

Tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 - Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực do Tạp chí điện tử The Leader tổ chức mới đây, TS. Hà Văn Siêu - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng, số buồng tăng bình quân 12%/năm. Đến năm 2020 cả nước cần 700.000 buồng, năm 2025 cần khoảng 1.050.000 buồng lưu trú. Sự tăng trưởng lượng du khách đã tạo làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, condotel.

Theo khảo sát của Grant Thornton, đầu tư vào 1m2 bất động sản (BĐS) du lịch mang lại giá trị gia tăng vượt trội so với đầu tư vào các loại hình BĐS khác. Bên cạnh đó, BĐS du lịch lại gắn với nhiều tiện ích "hái ra tiền" như casino, tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, thời trang...

Ông Kai Marcus Schroter - CEO Hospitality Tourism Management (HTM) cho rằng, các nhà đầu tư cần tìm ra vị trí và phân khúc đầu tư phù hợp. Ví dụ mô hình condotel đang là xu hướng đầu tư tại Việt Nam và cũng được nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc ưa chuộng vì đây là khu nghỉ dưỡng nhận được giá trị cộng thêm từ sân golf và nhiều dịch vụ khác. Tuy nhiên, Thái Lan và Indonesia đã từng trải qua "nỗi đau" condotel và Việt Nam có thể không ngoại lệ. Ông Kai Marcus Schroter chia sẻ: "Condotel là mô hình BĐS tạo dòng tiền tốt, nhưng lợi nhuận 10 - 15%/năm chỉ là con số mang tính quảng bá, và chưa thực sự khả thi. Mô hình condotel chỉ hoạt động hiệu quả khi đó là điểm du lịch hấp dẫn, khiến du khách quay lại nhiều lần, trong nhiều năm liền".

Mở "nút thắt"

Phân tích việc chưa nhiều nhà đầu tư BĐS du lịch chọn Việt Nam để "xuống tiền", ông Adam Bury - Phó chủ tịch cấp cao của JLL, cho biết: "Hiện Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục hành chính, logistics. Đơn cử, du khách đến Thái Lan làm visa rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều. Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục. Nếu mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ làm thủ tục thì không ai muốn quay lại".

Ông Adam Bury cảnh báo, hiện nay tỷ trọng du khách đến Việt Nam thiếu cân bằng. Việc tăng trưởng du khách đang phụ thuộc vào hai quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc, khiến ngành du lịch dễ rơi vào rủi ro.

Ông Kai Marcus Schroter nói: "Nhiều dự án kêu gọi đầu tư vào casino, trường đua, thể thao nghe thì thú vị, nhưng quy hoạch tổng thể lại rời rạc, tính khả thi thấp. Hiện, 90% dự án đầu tư được kêu gọi thiếu tính khả thi là điều rất đáng suy ngẫm. Việt Nam phải cân bằng giữa đầu tư tư nhân và hạ tầng công. Đó không nhất thiết là sân bay, cao tốc, mà có thể là hệ thống xử lý nước thải, rác thải".

Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phương pháp đấu giá BĐS hiện nay không ổn. Nghị định 20 của Chính phủ là rào cản đối với doanh nghiệp BĐS, trong đó quy định tỷ lệ vay ngân hàng đang hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính, qua đó giảm quy mô đầu tư.

TS. Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ: "Nút thắt lớn nhất là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành BĐS du lịch cao cấp, trình độ, kỹ năng của nhân viên tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng còn thấp, trong khi hệ thống đào tạo nhân lực đối với lĩnh vực này còn nhiều bất cập".

"Chuyện "giật gấu vá vai" tại các doanh nghiệp BĐS để tìm nhân lực trong từng công trình, dự án diễn ra hằng ngày - ông Huỳnh Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo quốc tế Edureal chia sẻ - Nguyên nhân là do chương trình đào tạo kinh tế BĐS chính quy tại các trường đại học đếm chưa đủ đầu ngón tay, nếu có, giáo trình cũng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt, nguồn lực manh mún và hầu như nguồn nhân lực lành nghề thì chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Muốn cải thiện điều này, Chính phủ, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ”.

Để tháo gỡ nút thắt này, theo ông Nam, các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp, việc nâng cao kỹ năng mềm và cập nhật kiến thức về pháp luật, thị trường BĐS cần được chú trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ khó nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO