Giao thương Việt - Mỹ: Càng tranh chấp càng tỏ tường

09/07/2010 09:15

Sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa từng con người cụ thể với nhau đã đưa quan hệ Việt - Mỹ đạt được những thành tựu ấn tượng chỉ sau 15 năm bình thường hóa.

Giao thương Việt - Mỹ: Càng tranh chấp càng tỏ tường

Sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa từng con người cụ thể với nhau đã đưa quan hệ Việt - Mỹ đạt được những thành tựu ấn tượng chỉ sau 15 năm bình thường hóa.

Đại sứ Mỹ đầu tiên tại VN Pete Peterson cùng vợ tại hội thảo - Ảnh: H.Giang

Ít có sự kiện chính thức nào về quan hệ đối ngoại lại ấm áp, thân tình như tại Hội thảo về quan hệ Việt - Mỹ do Học viện Ngoại giao VN và ĐH Công nghệ Texas tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội.

Lý do đầu tiên khiến giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại VN (AmCham) Adam Sitkoff tới tham dự hội thảo trong cái nắng nóng 450C của Hà Nội là để “gặp lại người quen cũ”.

Không chỉ riêng ông Sitkoff vui mừng vì được hội ngộ nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, hội thảo này cũng là dịp gặp gỡ tuyệt vời của những người từ chỗ là đối thủ đàm phán trở thành bạn bè như ông Nguyễn Đình Lương - nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ, bà Virginia Foote - chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ, ông Desaix Anderson - đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ ở Hà Nội, đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng...

Gần 150 người dự hội thảo đều là các nhân vật then chốt trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Xây dựng lòng tin

Mỹ ủng hộ tìm giải pháp lâu dài ở biển Đông

Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 8/7 tại Hà Nội, thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã bày tỏ quan ngại về tình hình gần đây ở khu vực biển Đông và bày tỏ ủng hộ việc gìn giữ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải quốc tế trên biển Đông.

Ông Webb cho rằng các nước cần hợp tác cùng nhau để bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là công ước quốc tế về Luật biển 1982. Mọi tranh chấp, bất đồng cần giải quyết thông qua đàm phán, bảo đảm hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Thượng nghị sĩ bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ về việc tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề biển Đông và trước hết các bên phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ mong muốn Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10.

Chinhphu.vn

Tham dự hội thảo cùng vợ (người VN), đại sứ Mỹ đầu tiên ở Hà Nội Pete Peterson khẳng định với các nhà báo rằng lòng tin giữa hai nước “đã được cải thiện 100%”. Ông nói: “Chúng ta cần phải tiếp tục củng cố các năng lực khác nhau để có thể có mối quan hệ rộng lớn và vững mạnh hơn”.

Lòng tin này có lẽ là một lý do quan trọng mang tới những phát triển đầy ấn tượng mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu ra trong bài phát biểu khai mạc: chỉ trong 15 năm qua đã có năm chuyến thăm lãnh đạo cấp cao tới thủ đô hai nước.

Lần lượt ba bản tuyên bố chung ra đời năm 2005, 2007, 2008 đã khẳng định lợi ích chung và nguyên tắc cơ bản cho quan hệ đối tác hữu nghị giữa hai bên.

Cũng trong thời gian rất ngắn, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN và nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào đây hơn hẳn các nhà đầu tư nước ngoài khác. Giao thương hai chiều từ mức hơn 400 triệu USD năm 1995 lên tới hơn 30 lần, tương đương khoảng 15,6 tỉ USD vào năm ngoái.

Các đại biểu có mặt tại hội thảo đều thừa nhận hợp tác song phương về thương mại, đầu tư là lĩnh vực có nhiều thành tựu rực rỡ nhất. Không chỉ dừng lại ở đó, hai nước thậm chí đã khai phá những lĩnh vực được coi là nhạy cảm - hoặc với bên này, hoặc với bên kia: hợp tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh, rà phá bom mìn còn sót lại ở VN, giải quyết hậu quả chất độc da cam...

Mới đây nhất, VN và Mỹ bắt đầu bàn đến hợp tác chuyển giao công nghệ hạt nhân. Hai bên đã thiết lập các phiên đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng. Theo Thứ trưởng Phạm Bình Minh, hai nước đã tiến hành tương đối hiệu quả việc đối thoại thẳng thắn về những khác biệt về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.

Sen nở trong bùn

Thượng nghị sĩ Mỹ nói tiếng Việt Jim Webb đúc kết tầm quan trọng của quan hệ song phương bằng cách trích dẫn một câu nói từ năm 1964 của một học giả Mỹ: “VN sẽ là một trong bốn, năm nước quan trọng nhất cho tương lai của Mỹ”.

Theo ông, điều tiên đoán đã trở thành sự thật khi VN đang chứng tỏ ảnh hưởng của mình trong khu vực: vai trò ngày càng gia tăng trong ASEAN, APEC, WTO và Liên Hiệp Quốc. Ông cũng tổng kết lại quan hệ Việt - Mỹ theo cách riêng của mình: “Hai chính phủ chúng ta đã giao tiếp với nhau một cách cởi mở và tích cực. Thương mại đang tăng trưởng. Chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của việc cùng nhau giải quyết các thách thức như xung đột chủ quyền ở biển Đông, tìm kiếm giải pháp cho thách thức môi trường, hợp tác khu vực sông Mekong...”.

Dùng hình ảnh hoa sen nở trong bùn lầy để minh họa cho quan hệ Việt - Mỹ, thượng nghị sĩ Jim Webb nói: “Chúng ta biết còn nhiều thách thức. Chúng ta có hệ thống chính phủ khác nhau và đôi khi còn bất đồng về một số vấn đề”. Các khác biệt này, theo ông, là những gồ ghề, “bùn lầy” mà hai nước phải vượt qua để mối quan hệ tiếp tục nở rộ trong tương lai.

Trả lời báo chí bên lề hội thảo, cựu đại sứ Peterson cũng khẳng định “giữa hai nước vẫn có những bất đồng về quyền lao động, các vấn đề môi trường hay nhân quyền, nhưng đó là những vấn đề chúng ta có thể giải quyết được. Điều quan trọng là chúng ta đang có cơ sở là sự tin tưởng, không chỉ giữa hai chính phủ mà còn giữa nhân dân hai nước. Chính nhân dân là người làm nên những khác biệt, và chính phủ phản ứng theo những gì người dân mong muốn”.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Adam Sitkoff cũng đồng tình: “Không có tranh chấp thương mại tức là không có giao thương. Thật ra càng giải quyết được nhiều tranh chấp thì càng làm cho quan hệ lành mạnh hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao thương Việt - Mỹ: Càng tranh chấp càng tỏ tường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO