Gian nan mật ong thương hiệu Việt

LỮ Ý NHI| 22/07/2015 08:35

Mật ong của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu thô và chưa có một thương hiệu nào được thị trường thế giới biết đến.

Gian nan mật ong thương hiệu Việt

Được đánh giá là nước đứng thứ 6 thế giới và thứ hai châu Á về xuất khẩu mật ong (theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan), năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hơn 46,6 nghìn tấn, quý I/2015 đã xuất khẩu trên 80 tấn sang thị trường châu Âu, và con số này sẽ còn tăng. Song, mật ong của Việt Nam đến bây giờ vẫn chỉ xuất thô và chưa có một thương hiệu nào được thị trường thế giới biết đến.

Đọc E-paper

Mật ngọt nhưng...

Chưa bao giờ thị trường Việt Nam lại nhộn nhịp nhiều thương hiệu mật ong như những năm gần đây, có thể kể ngoài những thương hiệu lâu năm như Apidona (Công ty CP Ong mật Đồng Nai), Vinapi (Công ty CP Ong Trung ương), Dắkhoney (Công ty CP Mật ong Dắk Lắk), còn có nhiều thương hiệu mới ra đời như Xuân Nguyên, Trường Thọ, Phương Nam, Honimore, Zemlya,...

Theo lý giải của ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu N.P.T (chủ ba thương hiệu mật ong Xuân Nguyên, Trường Thọ, Phúc Lộc Thọ), việc các công ty mật ong Việt Nam gia nhập thị trường nội địa ngày càng nhiều có hai lý do.

Một là có một số công ty xuất khẩu mật ong thô bị trả về nên phải đóng nhãn mác, bao bì để tiêu thụ trong nước.

Hai là nhu cầu mật ong trong 10 - 15 năm nữa sẽ rất lớn, không chỉ xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa, nên nhiều công ty đã chuyển hướng xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường.

>>Thương hiệu Việt: Khoảng sân nhà rất rộng

Đơn cử như mật ong Xuân Nguyên trước đây xuất khẩu thô mỗi năm khoảng 500 - 1.000 tấn nhưng bây giờ Công ty chuyển hướng tập trung cho thị trường nội địa.

Mặc dù lợi nhuận tại thị trường nội địa thấp hơn xuất khẩu nhưng nếu xây dựng được thương hiệu trong nước thì sẽ bền vững hơn, không chỉ được thị trường nội địa đón nhận mà xuất khẩu mật ong có thương hiệu cũng sẽ có giá cao hơn.

Bà Phương Lan, Giám đốc Thương hiệu mật ong Honimore cũng cho rằng, cạnh tranh trên thị trường mật ong hiện rất khốc liệt do có hàng nghìn cơ sở ra sản phẩm.

Các cơ sở này trước đây chỉ bán mật ong cho các công ty xuất khẩu, nay thấy xu hướng người tiêu dùng trong nước sử dụng nhiều, hơn nữa thị trường Việt Nam 90 triệu dân còn rất tiềm năng nên họ cũng tự đóng chai, gắn nhãn riêng để bán.

Bên cạnh đó, do giá bán mật luôn bấp bênh, thường xuyên bị tư thương ép giá nên các cơ sở nuôi ong cũng ý thức việc làm thương hiệu. "Nếu xây dựng được thương hiệu thì mật ong sẽ được nhiều người biết đến, từ đó sẽ bán dễ hơn, giá bán cũng cao hơn", bà Lan khẳng định.

Có một lý do hấp dẫn khác là chi phí đầu tư cho nuôi ong không lớn nhưng lợi nhuận khá tốt. Chẳng hạn, với 22 trang trại nuôi ong, mỗi trại khoảng 500 -1.000 thùng, mỗi năm Công ty N.P.T có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, hoặc Công ty CP Ong mật Đồng Nai mỗi năm xuất khẩu hơn 2.800 tấn mật thô và khoảng 100 tấn sáp ong, đạt kim ngạch hơn 100 tỷ đồng.

>>Cuộc chiến thương hiệu Việt: Đơn độc chống “bão” thâu tóm

Dù thị trường cạnh tranh nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất mật ong lớn đều cho rằng đầu ra không khó.

Khó làm thương hiệu

Những năm gần đây, các DN kinh doanh mật ong đã ý thức được việc làm thương hiệu nên đã đầu tư rất bài bản, không chỉ đầu tư trang trại, chất lượng sản phẩm mà cả bao bì, mẫu mã. Như Honimore đã đầu tư thêm 20% cho bao bì để thu hút người tiêu dùng.

Bà Lan khẳng định: "Muốn thị trường chấp nhận sản phẩm hay muốn đưa hàng vào siêu thị thì phải làm thương hiệu trước. Nếu không có thương hiệu, dù có chen chân vào các hệ thống siêu thị cũng sẽ ít được người tiêu dùng chọn lựa".

Tuy nhiên, các DN này vẫn thừa nhận, dù nỗ lực cải tiến bao bì, mẫu mã và đầu tư chất lượng nhưng tại thị trường trong nước, thương hiệu của họ vẫn chưa đủ tạo ra sức bật riêng trước hàng trăm nhãn mác đua chen, lý do muôn thuở vẫn là không có tiền để làm marketing và các hoạt động để xây dựng thương hiệu.

Còn ở nước ngoài, thương hiệu mật ong Việt Nam chưa tạo được niềm tin. Thực tế, nhiều đối tác nước ngoài vẫn mua mật ong Việt Nam nhưng sau đó tự đóng chai, thay nhãn mác. Các đối tác này giải thích, nếu dùng nhãn mác của Việt Nam rất khó vào được siêu thị ở nước ngoài.

>>Thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường thực phẩm

Sở dĩ các thương hiệu mật ong của Việt Nam chưa tạo được niềm tin ở thị trường nước ngoài là do chất lượng sản phẩm không đồng nhất và chưa được quản lý chặt chẽ.

Sâu xa hơn là do kỹ thuật nuôi ong còn thiếu cập nhật kiến thức mới, các cơ sở nuôi còn đơn lẻ, manh mún, thậm chí mạnh ai nấy làm, không tìm được tiếng nói chung về sản phẩm và ngay cả về giá.

Thời gian qua, một số cơ sở ong mật, kể cả DN xuất khẩu đã có những cách làm ăn gian dối, xuất bán những sản phẩm không đạt chất lượng ra thị trường trong và ngoài nước khiến đối tác và người tiêu dùng mất lòng tin.

Ông Vũ cho biết: "Muốn bán được thành phẩm ra nước ngoài thì DN Việt Nam phải có thị trường, có hệ thống phân phối tốt, đủ sức cạnh tranh, nhất là phải có thương hiệu gồm thương hiệu của chính sản phẩm và thương hiệu quốc gia, mà trong ngành mật ong Việt Nam, rất ít DN đủ lớn để làm được điều này. Ngay cả công ty lớn và hoạt động lâu năm như Công ty Ong mật Đồng Nai cũng mới chỉ có 8 điểm bán hàng, một số công ty khác còn thưa thớt hơn".

Cũng theo ông Vũ, hiện tại, Campuchia, Indonesia, Myanmar đang có nhu cầu mua mật ong của Việt Nam nhưng các đối tác yêu cầu phải cho nợ.

Vì vậy, nếu Việt Nam có một vài siêu thị ở các nước này thì DN có cơ hội để đưa hàng vào một cách an toàn và đó cũng là cách hỗ trợ DN làm thương hiệu ở nước ngoài trong lúc DN Việt Nam đang yếu kinh phí làm tiếp thị, quảng cáo và xây dựng thương hiệu.

>>Thương hiệu Việt nhượng quyền: Mon men xuất ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian nan mật ong thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO