Giải bài toán hồ tiêu... tuột giá

Lữ Ý Nhi| 14/12/2019 04:45

Ngành hồ tiêu đang đứng trước hai thách thức lớn là chất lượng và giá cả. Hiện giá hồ tiêu đã giảm xuống còn 2 USD/kg, so với mức 10 USD/kg vào năm 2015. Việc đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chính là chìa khóa giải bài toán thách thức này.

Giải bài toán hồ tiêu... tuột giá

Theo ông Lê Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, giá hồ tiêu năm 2019 và những năm tiếp theo dự báo sẽ tiếp tục giảm vì sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng, trong đó riêng của Việt Nam đạt gần 300.000 tấn. Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, hiện xuất khẩu hồ tiêu toàn ngành đang theo xu hướng lượng đi lên, song giá trị lại theo chiều đi xuống. Đặc biệt, những năm gần đây, hồ tiêu đã trượt dài trong mất giá.

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) chế biến, kinh doanh hồ tiêu. Trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm hồ tiêu trên thế giới còn rất lớn và hồ tiêu không chỉ được sử dụng trong thực phẩm, mà còn được dùng trong chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược... Ngành hồ tiêu mới chỉ chú trọng tăng về sản lượng, trong khi chất lượng còn thấp nên giá trị mang lại không cao, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Các sản phẩm hồ tiêu chế biến vẫn chỉ là các loại tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột... Thêm vào đó, sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện, tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giải pháp để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay…Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho rằng, với 100 tấn hồ tiêu nguyên liệu thì sản xuất được 8 tấn dầu, giá trị gia tăng gấp 6 lần so với chế biến thô. Do đó, ngoài giải pháp tạo vùng nguyên liệu bền vững, hệ thống chế biến đồng bộ, hạn chế lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, thì việc tăng cường chế biến sâu là điều cần thiết.

Để gia tăng giá trị cho hồ tiêu, mới đây, Phúc Sinh Group đã đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm để thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đã cho ra hai sản phẩm Tiêu sấy lạnh K PEPPER và nước sốt tiêu K PEPPER. 

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh cho biết: “Ngành công nghiệp gia vị Việt Nam hiện còn để trống các phân khúc được chế biến từ hồ tiêu, trong khi đó nếu đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu, giá trị mang lại rất cao. Đơn cử, hiện nay tiêu đen xuất khẩu có giá 2.500 USD/tấn, trong khi tiêu sấy lạnh có giá 14.000-18.000 USD/tấn, tức là gấp 6 lần sản phẩm xuất khẩu thô. Đây không chỉ là cơ hội của các doanh nghiệp chế biến tiêu mà sẽ là tin vui cho người nông dân trồng tiêu vì khi sản phẩm tiêu xanh được chế biến và xuất khẩu với giá trị cao thì thu nhập của người trồng tiêu sẽ được nâng lên rõ rệt”.

Với 8% thị phần xuất khẩu toàn cầu, bình quân mỗi năm xuất khẩu từ 25.000-28.000 tấn tiêu, trong đó 90% sản phẩm đã qua chế biến, nhưng Phúc Sinh Group vẫn chưa thỏa mãn với con số xuất khẩu và danh hiệu “vua xuất khẩu hồ tiêu” trên thị trường nội địa vì ngành chế biến hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa nhiều DN đi vào chế biến sâu.

Thực tế, có nhiều sản phẩm tiêu được chế biến rất ngon và mang lại giá trị rất cao, hiện có mặt ở các siêu thị nước ngoài và được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, nhưng các DN trong nước lại chưa chú trọng đầu tư sản xuất và người dùng nội địa cũng đang “mất quyền” được dùng các sản phẩm này. Do vậy, Phúc Sinh quyết định đầu tư 50 tỷ đồng nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất và dành khoảng 40% tổng sản lượng tiêu xanh sấy lạnh cho thị trường nội địa, ông Thông nói. 

Ông cũng cho biết, khi đạt sản lượng sản xuất cũng như xuất khẩu gấp đôi hiện nay, sản phẩm tiêu xanh sấy lạnh cũng như sốt tiêu xanh có thể đóng góp 20% tổng lợi nhuận Phúc Sinh Group. Tuy nhiên, hiện nay  Phúc Sinh chỉ có thể nhận cung cấp 30% tổng nhu cầu khách đang đặt hàng và là công ty duy nhất tại Việt Nam xuất khẩu nước sốt tiêu xanh.

Để doanh nghiệp có thể giải bài toán cho giá tiêu thông qua công nghệ chế biến sâu là nan giải vì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, DN phải trường vốn và phải… kiên trì. Đơn cử, Phúc Sinh phải mất gần hai năm đặt mua máy móc từ Đức và xây dựng nhà máy cho đến khi có thành phẩm. Trong đó, không ít lần thất bại. “Để có nhiều sản phẩm chế biến sâu, thách thức không chỉ về đầu tư máy móc hay tiền, mà còn đòi hỏi sự kiên định”, ông Thông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải bài toán hồ tiêu... tuột giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO