Giấc mơ robot

THANH NGÂN| 18/02/2018 06:54

Manh nha khoảng hơn chục năm trước và nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo điều kiện để robot công nghiệp phát triển. Kiến thức, kỹ thuật đã có, nguồn nhân lực cũng đã sẵn sàng...

Giấc mơ robot

Thế giới đang đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Nhật Bản được biết đến là quốc gia đứng đầu thế giới về ứng dụng robot khi rất nhiều ngành nghề xem robot như những lao động chính.

Ở nhiều nhà máy của Nhật có những robot chạy liên tục đến 700 ngày mà không có sự giám sát của con người. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), trong vòng 20 năm tới, 50% lao động nước này sẽ là những người máy thông minh. Robot có thể làm mọi việc, từ tài xế lái xe buýt, nhân viên bảo vệ đến thủ quỹ, đầu bếp.

Trung Quốc cũng trên đà "robot hóa" khi có đến hơn 800 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ riêng trong năm 2016, các DN của nước này đã chế tạo ra khoảng 72.400 robot công nghiệp, tăng hơn 34% so với năm trước đó. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đưa robot công nghiệp vào các nhà máy sản xuất. Tại Thâm Quyến hiện đã có trên 3.000 công ty sử dụng robot công nghiệp, trong khi hai năm trước đó chỉ có khoảng 200 công ty.

Không ngoài cuộc

Việt Nam dù chậm nhưng cũng không nằm ngoài guồng quay thế giới. Hiện nay, các DN lớn của Việt Nam đã ứng dụng robot vào sản xuất. Chẳng hạn như Vinamilk đầu tư đến 2.400 tỷ đồng cho tự động hóa sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng đến đóng gói, đóng thùng và chất lên pallet.

Vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, nhập kho và xuất hàng đều là việc của robot tự hành. Hay như tại nhà máy Vinasoy Bình Dương của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), dây chuyền sản xuất được tự động hóa từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Toàn bộ quy trình đóng gói từ khâu làm thùng đến xếp, dán... đều do robot thực hiện. Tương tự, ở các công ty URC, Habeco, CP..., rất nhiều robot đã được sử dụng.

Thị trường Việt Nam đang được đánh giá là rất hấp dẫn đối với các nhà cung cấp thế giới. Và hiện tại, 3 trong 4 thương hiệu đứng đầu toàn cầu về robot công nghiệp là ABB (tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ), Yaskawa (Nhật), Kuka (Trung Quốc) đã có mặt tại Việt Nam. Ông Huỳnh Phong Phú - Giám đốc bộ phận Robot Công ty ABB cho biết, công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh và nhu cầu sử dụng robot vào sản xuất đang tăng đột biến tại Việt Nam.

Từ năm 2015 trở về trước, mỗi năm có khoảng 200 - 300 robot ABB được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng năm 2016, số lượng robot ABB bán ra tại đây lên đến 2.000 - 3.000 con. Số lượng robot của Công ty được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2017 cũng tương đương năm 2016.

Nhu cầu tăng mạnh nên các nhà cung cấp robot nước ngoài vẫn liên tục "đến" Việt Nam. Tại cuộc triển lãm thường niên về lắp ráp điện tử và công nghiệp hỗ trợ diễn ra hồi trung tuần tháng 10/2017 tại TP.HCM, các nước nhộn nhịp "chào hàng" robot.

Tín hiệu vui từ lĩnh vực làm robot tại Việt Nam

Hàng loạt robot công nghiệp và công nghệ về lắp ráp điện tử, gia công kim loại từ hơn 500 thương hiệu của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan... được giới thiệu với DN Việt Nam. Mới đây nhất, hồi giữa tháng 12/2017, đoàn 12 DN chuyên sản xuất robot của Hàn Quốc đã đến Việt Nam tìm hiểu thị trường.

Ông Huỳnh Phong Phú cho rằng, hiện nay tương quan giữa lao động thủ công và robot đang chênh lệch rất nhiều nhưng trong thời gian tới, điều này sẽ thay đổi. Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ robot với tốc độ nhanh nhất khu vực ASEAN và dự kiến trong 2 - 3 năm nữa sẽ bùng nổ. Lý do để ông Phú tin vào điều này là vì Việt Nam có lao động giá rẻ (kể cả nhân lực chất lượng cao), số lượng lao động trẻ rất lớn do đất nước đang trong thời kỳ dân số vàng...

Môi trường đầu tư Việt Nam đang thu hút các DN nước ngoài, đặc biệt là các DN Hàn Quốc, Nhật Bản thành lập tại Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm để xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền chính trị ổn định, đã ký kết nhiều hiệp định thương mại khu vực và thế giới, và có tốc độ phát triển thương mại điện tử vào hàng nhanh nhất thế giới.

YuMi-2-8873-1516778416.jpg

Robot thương hiệu Việt

Thực ra, từ cách nay hơn chục năm, Việt Nam đã chế tạo được robot. Đó là robot tay máy do PGS-TS. Lê Hoài Quốc (hiện là Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM) thiết kế. Sau đó có nhiều sản phẩm được giới thiệu nhưng chủ yếu ở mức trình diễn, giải trí. Một số ít DN có nghiên cứu, thiết kế sản phẩm nhưng lại chưa tự tin và đang chờ tín hiệu từ thị trường. Vì vậy, khi có nhu cầu về robot công nghiệp cho sản xuất, hầu hết DN Việt Nam thường nghĩ đến việc nên nhập từ đâu, nhập sản phẩm mới hay đã qua sử dụng.

Ông Trần Thanh Thủy - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa (Bộ Công Thương) từng nhận định, DN trong nước có đủ khả năng để nghiên cứu, sản xuất các loại robot phục vụ nhu cầu sản xuất với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với robot nhập khẩu. Họ cũng có thể phát triển được các loại robot thông minh nhưng do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, các thiết bị kiểm tra, kiểm định chất lượng robot chưa có hoặc chưa đầy đủ nên DN chưa mạnh dạn đầu tư.

Thường xuyên làm việc với các DN trong lĩnh vực này, ông Kiều Huỳnh Sơn - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa và đây không chỉ là cơ hội để DN áp dụng cho sản xuất, kinh doanh mà còn đón đầu thị trường, đưa sản phẩm công nghệ 4.0 phục vụ các ngành nghề khác. Đến thời điểm này đã có những phản hồi tích cực và đã có những DN xuất khẩu robot nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên sản phẩm vẫn chưa được quảng bá rộng rãi.

Điển hình nhất trong lĩnh vực này là Công ty CP Robot Tosy. Đây là đơn vị đầu tiên khá thành công trong sản xuất robot khi cung cấp một số lượng lớn robot đồ chơi và hiện đang phát triển robot phục vụ cho công nghiệp. Bên cạnh đó, một số DN khác cũng được nhắc đến như Idea, Autotech, Trực Quang..., nhưng hoặc sản phẩm mới ở mức đơn giản, nhỏ lẻ theo đơn đặt hàng của đối tác, hoặc đang trong giai đoạn chờ vốn sản xuất.

Doanh nghiệp "sống chung" với robot

Ông Đỗ Hoàng Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Ý Tưởng (Idea) cho biết, hiện các robot do Idea đầu tư nghiên cứu đã ra mẫu và chờ sản xuất. Có ba dòng robot được Idea nghiên cứu và phát triển là xe tự hành AGV (có thể thay thế con người trong việc vận chuyển hàng hóa), robot 6 trục (cánh tay robot) và robot Delta có thể gắp, kẹp sản phẩm.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của Idea là chưa đủ tài chính để sản xuất theo quy mô công nghiệp nên chỉ mới làm theo đơn đặt hàng của đối tác. Công ty đang "xin" đất Khu công nghệ cao TP.HCM và tìm sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình của Thành phố. "Nếu mọi việc thuận lợi thì đến năm 2020, Idea sẽ bắt đầu sản xuất công nghiệp. Và nếu được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chúng tôi tự tin trong vòng 5 năm tới sẽ phát triển thành một thương hiệu robot Việt Nam có quy mô gần với Nhật", ông Trung nói.

Kế hoạch của Idea có thể sẽ thành hiện thực nhưng theo các chuyên gia, để DN sản xuất robot phát triển, không tính đến vấn đề thời gian mà tùy thuộc vào sự hỗ trợ của chính sách và Nhà nước có chủ trương đưa robot công nghiệp trở thành ngành công nghiệp hay không. Vì hầu hết DN trong nước là DN nhỏ và vừa nên không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển sản xuất. Đã vậy, sản phẩm làm ra lại phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Đây là những hạn chế khiến nhiều chủ DN dù rất đam mê nhưng khó theo đuổi lĩnh vực sáng tạo này.

Nghiên cứu, sản xuất robot tại Idea

Nghiên cứu, sản xuất robot tại Idea

Triển vọng ngành công nghiệp?

Mặc dù đã là quốc gia sản xuất robot hàng đầu thế giới nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn rót kinh phí và nới lỏng các quy định để thúc đẩy nền công nghiệp robot phát triển. Nhật muốn đưa robot vào sử dụng rộng rãi, từ các nhà máy sản xuất quy mô lớn đến mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế, xã hội. Thủ tướng Shinzo Abe thậm chí còn lập ra Hội đồng Cải tiến robot và đặt mục tiêu thị trường robot nước này sẽ đạt mốc 2,4 tỷ yên trước khi diễn ra Thế vận hội Olympic 2020.
Trung Quốc cũng thế.

Các thống kê của nước này cho thấy, chi tiêu ngân sách cho các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ đã lên tới 2,1% GDP kể từ năm 2014, và đến năm 2019 Trung Quốc có thể trở thành nước đứng đầu thế giới về khoản chi cho nghiên cứu công nghệ. Hồi tháng 7/2017, Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch quốc gia, trong đó dành đến 1.000 tỷ nhân dân tệ (152,5 tỷ USD) cho xây dựng nền công nghiệp AI, trở thành quốc gia số 1 thế giới về AI vào năm 2030.

Đầu tư của các nước là vậy, còn Việt Nam thì sao? Tự động hóa là một trong sáu ngành được Chính phủ ưu tiên và robot giữ vai trò quan trọng trong ngành này. Ngoài đưa robot thành môn học chính ở các trường đại học về kỹ thuật, Chính phủ cũng cho xây dựng một số viện nghiên cứu về robot, tổ chức nhiều hội nghị trong nước, quốc tế về tự động hóa, cơ điện tử và nhiều hội thảo chuyên đề về robot.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 theo hướng ưu tiên tập trung vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Theo đó, giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% GDP, sau 2025 đạt trên 50%. Điện tử, công nghệ thông tin là hai ngành chủ lực với định hướng đến năm 2025 có thể nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dụng, sản xuất robot công nghiệp...

Robocon Việt Nam xuất quân tham dự giải quốc tế

Thế mạnh lớn nhất trong lĩnh vực này là nguồn nhân lực rất dồi dào và đội ngũ lập trình ứng dụng cho robot của Việt Nam đã sẵn sàng cho sự chuyển dịch công nghệ. Điển hình là đội tuyển Robocon Việt Nam đã xuất sắc giành chiến thắng chung cuộc 6 lần trong 14 mùa Robocon thế giới. Hay như cuộc thi lập trình trên nền hệ thống của robot SmartOshin với tên gọi SMAC Challenge do Tập đoàn FPT tổ chức luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của các sinh viên khối công nghệ.

Chính sách đã có, nhân lực đã sẵn sàng nhưng đến nay, ngành công nghiệp robot Việt Nam vẫn rất khó hình thành. Theo các chuyên gia, để phát triển một ngành công nghiệp, trước hết phải có thị trường, có sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chính sách cũng như khung pháp lý và ít nhiều phải hình thành được một số DN sản xuất, kinh doanh robot chủ lực có quy mô sản xuất lớn.

Ngoài ra, Việt Nam phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này rất khó vì ngay như những ngành công nghiệp phụ trợ đã triển khai hàng chục năm nay là ô tô, da giày cũng vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Để sản xuất, DN phải nhập linh kiện và như vậy sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giấc mơ robot
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO