Dự thảo quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vay vốn có gì mới?

GIA LÊ| 22/03/2019 06:29

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành  dự thảo lấy ý kiến về quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10 tháng 1 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vay vốn có gì mới?

Về phí bảo lãnh tín dụng bao gồm 2 loại, thứ nhất là phí thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng là 500.000 đồng cho một hồ sơ, thứ 2 là phí bảo lãnh tín dụng là 0,5%/năm tính trên số tiền được bảo lãnh, đóng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Quy định rõ ràng như trên nhằm giúp các doanh nghiệp nắm rõ mức phí phải đóng, hạn chế các tình huống nhũng nhiễu làm khó doanh nghiệp.

Dự thảo cũng bổ sung thêm trường hợp được xem xét miễn, giảm phí bảo lãnh tín dụng, gồm 5 trường hợp, thứ nhất là doanh nghiệp (DN) bị phá sản, giải thể; thứ 2 là chủ DN bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ. 3 trường hợp còn lại là DN ngừng hoạt động hoặc bị thiệt hại về tài chính do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, xảy ra chiến tranh hoặc gặp các rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến không còn đủ khả năng để thanh toán phí.

Thời hạn quyết định việc miễn, giảm phí bảo lãnh đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định VDB, là trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, nếu không xử lý thì phải có văn bản trả lời trong vòng 5 ngày làm việc.

Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn tối đa lên đến 65 ngày bao gồm thời hạn 30 ngày cho VDB có báo cáo đánh giá, thẩm định và gửi xin ý kiến tham gia của Bộ Tài chính; 20 ngày cho Bộ Tài chính có ý kiến tham gia và gửi lại VDB để tổng hợp và 15 ngày để VDB trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc quy định rõ thời gian cụ thể là cần thiết để doanh nghiệp nắm rõ tiến độ cũng như quyền lợi của mình, từ đó có các đề xuất, đốc thúc cần thiết.

Về điều khoản thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, khi đến hạn, DN không trả hoặc trả nợ không đầy đủ đúng hạn, ngân hàng thương mại (NHTM) xác định rõ nguyên nhân DN không trả được nợ và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định. Theo đó, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn trả nợ mà DN không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, NHTM phải có văn bản yêu cầu cho VDB để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Sau thời gian này thì VDB không tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, theo đó NHTM có thể phải chịu thiệt hại.

Sau khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc, VDB căn cứ nguyên nhân không trả được nợ, hồ sơ chứng minh việc giải ngân vốn vay và các thông tin liên quan của DN và các biện pháp thu hồi nợ đã áp dụng trên cơ sở các cam kết tại hợp đồng tín dụng, VDB phối hợp với NHTM áp dụng các biện pháp thu hồi nợ và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo các thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh.

Đáng lưu ý là VDB được từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hoặc từ chối thực hiện một phần nghĩa vụ bảo lãnh trong các trường hợp NHTM hay doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định, cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp VDB không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do các cam kết bị vi phạm, không đúng như quy định.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ hơn về việc nhận nợ bắt buộc và hoàn trả khoản nợ được bảo lãnh, cũng như quy định VDB phải phân loại nợ cho các khoản nhận nợ bắt buộc, trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh phù hợp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự thảo quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vay vốn có gì mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO