Đón EVFTA: Doanh nghiệp phải chủ động

Dương Nguyễn| 10/06/2020 05:43

Để kịp thời nắm bắt cơ hội lớn từ EVFTA, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã mời đại diện Bộ Công Thương chia sẻ thông tin sâu hơn về hiệp định này trong chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng do HUBA tổ chức.

Doanh nhân tham quan gian hàng cùa một doanh nghiệp trong chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng của HUBA

Doanh nhân tham quan gian hàng cùa một doanh nghiệp trong chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng của HUBA

Ngày 8/6/2020 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

EVFTA là hiệp định mang tính toàn diện và có thể mang lại cơ hội lớn cho cả hai bên. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhiều hơn vì Việt Nam là quốc gia đang xuất siêu vào thị trường châu Âu.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội lớn này, HUBA đã mời đại diện Bộ Công Thương chia sẻ thông tin sâu hơn về EVFTA trong chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng do HUBA tổ chức. Chương trình còn có sự tham gia của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).

Thế nào là hội nhập?

Kể từ khi kết thúc đàm phán EVFTA vào tháng 7/2015, hai bên đã đăng công khai thông tin về hiệp định này. Bộ Công Thương cũng dành nhiều thời gian phổ biến kiến thức về EVFTA. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít doanh nghiệp cảm thấy mông lung và chưa biết làm thế nào để nắm bắt cơ hội từ hiệp định này.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất thế nào là hội nhập để có cách xử lý đúng.

Tại Việt Nam, hàng hóa và dịch vụ được lưu thông tự do mà không gặp bất kỳ rào cản nào. Người dân cũng có thể đầu tư sản xuất, kinh doanh ở bất cứ tỉnh nào, bất cứ nước nào, theo đó nguồn nhân lực cũng được lưu chuyển không giới hạn.

Để giúp kinh tế phát triển, nhiều nước đã nỗ lực xóa bỏ rào cản lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia. Năm 1947, nhiều nước bắt đầu ký hiệp định giảm thuế cho hàng hóa của nhau. Đến năm 1995, sau một thời gian dài đàm phán, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời. Nhờ có WTO, không chỉ hàng hóa, dịch vụ được lưu chuyển tự do hơn, rào cản đầu tư quốc tế cũng dần được nới rộng. Đây cũng là tác nhân giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng vượt bậc. Như vậy, xóa bỏ rào cản lưu thông hàng hóa, dịch vụ và luồng vốn đầu tư chính là sự hội nhập.

WTO là tổ chức lớn nhất thế giới nhưng chưa làm được nhiều trong tiến trình hội nhập, chủ yếu giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hóa và dịch vụ giữa 160 thành viên, nhưng mức thuế vẫn còn cao.

Để thúc đẩy hơn nữa mức độ thịnh vượng kinh tế, một số quốc gia tìm đến các hiệp định thương mại tự do (FTA). FTA đưa ra các cam kết sâu hơn về mức độ mở cửa, nhất là giảm thuế hàng hóa, có những loại hàng giảm thuế đến 0%. Các FTA mở rộng nhiều ngành hàng hơn, cam kết sâu rộng và phạm vi liên kết lớn hơn được gọi là FTA thế hệ mới. EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính là loại FTA như vậy.

EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA cùng với CPTPP là hai hiệp định thương mại có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất từ trước đến nay.

Những hạn chế của EVFTA

Tự do lưu thông về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư rõ ràng đã mang lại sự thịnh vượng chung cho thế giới. Dù vậy nó cũng có những hạn chế nhất định khiến nhiều người cảm thấy mình đứng bên lề hội nhập.

Trước hết, đó là sự thịnh vượng được phân chia không đều, có quốc gia này giàu hơn quốc gia khác, doanh nghiệp này nắm bắt cơ hội tốt hơn doanh nghiệp khác. Lâu ngày, điều này khiến khoảng cách giữa các quốc gia, doanh nghiệp càng lớn. Nhiều người cho rằng sự hội nhập càng đào sâu thêm hố bất bình đẳng. Từ đó xuất hiện chủ nghĩa dân túy và sự ưu tiên trở lại thị trường nội địa, chính là xu hướng phi toàn cầu hóa.

Thứ hai, nước nào cũng có những ngành yếu thế và bảo hộ rất kỹ. Điều này giải thích vì sao hàng hóa Việt Nam xuất khẩu hay bị áp nhiều loại thuế như chống bán phá giá, chống trợ cấp. Sự bảo hộ này mang lại nghi ngờ về tiến trình toàn cầu hóa.

654654-3387-1591764588.jpg

Thứ ba, khi tham gia hội nhập, phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung, như về lao động, môi trường... để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Đại diện Bộ Công Thương nhận định, nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường lớn và khó tính.

Dù nhìn được những hạn chế ấy, nhưng vì sao Việt Nam vẫn quyết tâm tham gia nhiều FTA? Theo Bộ Công Thương, không có khoản lợi nhuận nào kiếm được mà không mất chi phí. Các FTA mang lại cho Việt Nam thành quả lớn hơn chi phí bỏ ra.

Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,5 tỷ USD. Mười năm sau, con số này tăng lên 214 tỷ USD, tức tăng hơn 4 lần. Đến năm 2019, xuất khẩu đã tăng hơn 5 lần năm 2007, đạt hơn 264 tỷ USD.

Trải qua hơn 12 năm gia nhập WTO, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện. Hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý được gỡ bỏ, như bảng giá tính thuế tối thiểu, giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu... Khi vào WTO, Việt Nam cam kết lấy ý kiến người dân trong ít nhất 60 ngày trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh.

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã sửa đến 25 bộ luật. Nhưng từ đó đến nay, quá trình cải cách thể chế chậm dần. Việc gia nhập EVFTA và CPTPP lần này sẽ mang lại động lực lớn cho cải cách thể chế.

Đồng thời, để giảm rủi ro phụ thuộc, Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường và tham gia nhiều hơn các FTA thế hệ mới. Theo Bộ Công Thương, đó là hành động hoàn toàn có chủ đích. Hiện nay, hơn 50% hàng hóa xuất khẩu và 80% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN).

Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 xảy ra, nước ta mới thấy hết hạn chế từ việc đó. Dù vậy, trong ba tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của hầu hết các nước trên thế giới đều giảm, riêng Việt Nam tăng hơn 8%. Nguyên nhân là Việt Nam khống chế dịch Covid-19 hiệu quả và có mạng lưới quan hệ thương mại tự do rộng lớn. Điều này giúp thu hút các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia vừa qua cũng thông báo chuyển nhà máy đến Việt Nam.

Làm gì để không đứng bên lề hội nhập?

Với EVFTA, theo Bộ Công Thương, phải nhìn nhận rằng, doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội không tốt bằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu kỹ EVFTA. Mỗi doanh nghiệp có nhu cầu và cách nhìn nhận cơ hội khác nhau.

Khi cơ hội đến, liệu doanh nghiệp có đủ sức nắm bắt để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh tốt hơn? Nếu doanh nghiệp không làm được thì nên thuê công ty tư vấn. Nhưng các công ty cổ phần nhất thiết phải có bộ phận nghiên cứu và tư vấn.

Kế đến, để xuất khẩu được hàng hóa, doanh nghiệp phải hiểu được quy tắc xuất xứ và tìm được nguồn nguyên liệu đáp ứng quy tắc này. Doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường. Thật ra các tiêu chuẩn này không quá khó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần cố gắng là đáp ứng được.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm kiếm khách hàng. Theo đó, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp nên sang châu Âu để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu tại chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng của HUBA

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu tại chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng của HUBA

Bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp cũng nên nhìn nhận những rủi ro có thể có. Rủi ro thứ nhất đến từ sự chủ quan của doanh nghiệp, cơ hội mở ra nhưng không nắm bắt được. Rủi ro thứ hai lớn hơn, đến từ châu Âu. Theo thống kê, do ảnh hưởng của Covid-19, GDP của EU sẽ giảm khoảng 7,4 - 7,5% trong năm 2020. Điều đó có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu của EU sẽ giảm sâu. Trong khi đó, hầu hết ngành hàng chủ chốt của Việt Nam như may mặc, da giày, đồ gỗ... đều xuất sang EU và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự suy giảm đó. Do đó, rủi ro ngắn hạn là lợi ích từ EVFTA có thể không đạt như kỳ vọng, ít nhất là trong năm 2020.

Cũng phải nhìn nhận rằng, doanh nghiệp nước ta đang kinh doanh trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa biết lúc nào chấm dứt và ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Điều này khiến người ta nghĩ lại về tiến trình toàn cầu hóa. Rất có thể sau khi rời Trung Quốc, các doanh nghiệp EU có thể đến nước khác mà không sang Việt Nam. Hoặc họ sẽ tìm ra phương thức sản xuất mới để quay về châu Âu và giảm mua hàng Việt Nam. Đấy là rủi ro trong dài hạn.

Doanh nghiệp lớn phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho rằng, EVFTA là cơ hội rất lớn với doanh nghiệp Việt cũng như với các thành viên của HUBA. Để nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp trong từng hội thành viên phải cùng nhau bàn bạc kỹ càng. Cần thiết sẽ mời chuyên gia tư vấn chuẩn bị các điều kiện để đón cơ hội từ EVFTA. Đồng thời, doanh nghiệp phải liên kết nhiều hơn nữa. Qua đại dịch cho thấy, những doanh nghiệp liên kết mạnh mẽ với nhau đều vượt khó dễ dàng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đánh giá, khi gia nhập WTO, giá trị xuất khẩu Việt Nam đã tăng 3-5 lần, các hiệp định mới có thể đưa con số đó lên tới 10 lần.

Chủ tịch IPP đề nghị, HUBA nên phân loại từng nhóm doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau để hỗ trợ nhau tốt hơn. Hiện IPP có 48 công ty con, riêng các công ty bán hàng ở sân bay vẫn chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp sản xuất trong HUBA. Các hiệp định mới sẽ thúc đẩy khách du lịch đến Việt Nam. IPP đang chuẩn bị đón làn sóng này. Ông Hạnh Nguyễn cho biết, ngày 29/5/2020, IPP đã nhận được giấy phép đầu tư khu phi thuế quan đầu tiên tại Việt Nam ở đảo Phú Quốc. Khu vực phi thuế quan này hằng năm có thể thu hút 20 triệu khách du lịch nước ngoài và 25 triệu khách du lịch nội địa. “Tôi mong muốn biến Phú Quốc thành một Singapore khác và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa hàng vào các khu phi thuế quan này, bất kể thương hiệu lớn hay nhỏ”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ. Trước mắt, Chính phủ đã miễn thị thực cho du khách nước ngoài đến Phú Quốc, đó là một thuận lợi lớn đối với doanh nghiệp.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)

Bên cạnh đó, các công ty lớn trong HUBA nên hỗ trợ các công ty nhỏ hơn để cùng nhau phát triển. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, EVFTA và CPTPP là cơ hội lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giới này chiếm đến 96% doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, IPP sẽ hỗ trợ thu mua hàng của doanh nghiệp là thành viên HUBA để đưa vào khu phi thuế quan. Sau Phú Quốc, IPP sẽ triển khai các khu phi thuế quan khác ở Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh). Tổng doanh thu các khu này ước 5 tỷ USD/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đón EVFTA: Doanh nghiệp phải chủ động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO