Doanh nghiệp "sống chung" với robot

THANH TÂM - HOÀI SÂM| 29/06/2017 08:37

Tự động hóa, robot hóa, trí tuệ nhân tạo đang là những "từ khóa" mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều nhất hiện nay.

Doanh nghiệp

Kỷ nguyên IoT (Internet of Things) - kết nối không giới hạn, không chỉ thay đổi đời sống con người mà còn mở ra khái niệm 4.0 - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng 4.0 hứa hẹn sẽ làm thay đổi toàn bộ sự vận hành nền kinh tế thế giới. Trong đó, sản xuất thông minh (Intelligent Manufacturing) với nền tảng tự động hóa là yếu tố cơ bản.

Tự động hóa, robot hóa, trí tuệ nhân tạo đang là những "từ khóa" mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều nhất hiện nay.

Năm 2015, Công ty Cơ khí Hồng Ký nhập cánh tay robot đầu tiên đưa vào dây chuyền sản xuất máy cơ khí. Dù đã có 30 năm làm cơ khí, nhưng việc Hồng Ký ứng dụng robot vẫn gây ngạc nhiên với người trong nghề vì chi phí khoảng 10 tỷ đồng một robot chỉ cho một công đoạn trong chuyền sản xuất là tương đối lớn.

Ông Nguyễn Duy Toàn - Giám đốc Kinh doanh Hồng Ký cho biết: "Cách nay vài năm, trí tuệ nhân tạo được thế giới đánh giá sẽ làm nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những ngành kỹ thuật cao như sản xuất máy móc, thiết bị điện tử sẽ hưởng lợi nhiều từ robot. Nhận thấy sản xuất máy móc, thiết bị là ngành ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng này nên chúng tôi quyết định đầu tư”.

Theo ước tính của Đại học Oxford, Mỹ, 47% công việc ngày nay sẽ được tự động hóa 75% trong 20 năm tới. Báo cáo của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho thấy, Trung Quốc đang là thị trường robot lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2016, Trung Quốc đã sản xuất 72.400 robot công nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2015. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 54,9 tỷ USD vào ngành công nghiệp robot và các dịch vụ liên quan, chiếm trên 30% tổng lượng đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này.

Theo ông Toàn, lúc đầu, nhân công lẫn những người làm công tác quản lý của Hồng Ký chưa hình dung được làm thế nào "sống chung" với robot. Rất nhiều nghi ngại đã phát sinh nhưng sau gần 2 năm, kết quả của việc đầu tư này đã thấy rất rõ.

"Năng suất tăng rất cao, giảm thiểu tối đa sản phẩm lỗi. Tính chính xác trong thao tác của robot là tuyệt đối nên chất lượng sản phẩm của Hồng Ký rất đồng đều", ông Toàn chia sẻ.

Là một trong những thương hiệu Việt Nam có tiếng trong lĩnh vực sản xuất máy móc, Hồng Ký có dải sản phẩm rộng, từ máy biến thế hàn, máy hàn điện tử, máy cắt plasma, động cơ điện (motor), máy khoan đến máy chế biến gỗ. Để theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường, Hồng Ký phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như không ngừng thiết kế, chế tạo nhiều loại máy mới.

Song song với robot, Hồng Ký còn đầu tư công nghệ mới các loại máy gia công cơ khí CNC (Computer Numerical Control) để tăng độ chính xác và đảm bảo về chất lượng.

Không chỉ có Hồng Ký, việc đầu tư hệ thống sản xuất tự động, robot để hướng đến sản xuất thông minh ở các doanh nghiệp khác cũng đang ngày một tăng. Ông Nguyễn Liêm - Tổng giám đốc Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương) cho biết, trong năm 2016, Lâm Việt đã đầu tư hơn 1 triệu USD máy móc, thiết bị hiện đại.

"Trước tình hình nhân công ngày càng khó tuyển và đòi hỏi chi phí ngày càng cao thì đầu tư máy móc tự động, bán tự động để tăng năng suất sẽ an toàn hơn cho doanh nghiệp", ông Liêm nói. 5 năm trở lại đây, Lâm Việt còn "dốc hầu bao" đầu tư thệ thống quản trị ERP cho sản xuất.

Đánh giá về nhu cầu tự động hóa trong doanh nghiệp, ông Hải Phạm - chuyên gia tư vấn Open Consultant cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc quyết định đầu tư robot. Lý do là chi phí đầu tư lớn, năng lực quản trị và lực cản từ chính nội bộ cũng không nhỏ. Mãi gần đây, áp lực từ thị trường mới khiến doanh nghiệp phải nỗ lực "vượt lên chính mình".

Theo ông Lê Trí Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Đức Lợi, tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, chi phí đầu tư cao, cạnh tranh không chỉ trong nước mà là toàn cầu. Trong bối cảnh này, đầu tư để có giải pháp sản xuất thông minh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực. Dù nhân công Việt Nam hiện nay vẫn khá rẻ so với các nước nhưng lợi thế này sẽ không còn lâu.

Đó chính là lý do khiến Đức Lợi đang hoàn thiện những giao dịch cuối cùng để đưa 20 robot, giá mỗi robot khoảng 70.000 USD, vào dây chuyền sơn. Ông Thắng chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi trong khoản đầu tư này là tính ổn định trong sản xuất. Khi ứng dụng robot, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguyên liệu và nhất là không phải đối mặt với những phát sinh như tinh thần làm việc, chế độ lương thưởng, công tác quản trị”.

2 năm sau ứng dụng và hưởng lợi từ robot, theo ông Nguyễn Duy Toàn, Hồng Ký sẽ nhập thêm robot để tăng cường dây chuyền sản xuất máy móc.

"Cách mạng 4.0 đã mở ra những thách thức mới cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường này để nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Toàn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp "sống chung" với robot
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO