Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Khó chồng khó

Tâm An| 31/05/2023 01:00

Bên cạnh những khó khăn cơ bản thường đối mặt trong hoạt động, nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ [KHCN] còn gặp phải muôn vàn "nỗi khổ” khác như việc thẩm định giá, nhập khẩu thiết bị...

-3220-1685069070.jpg

Gian nan hoạt động sáng chế 

Theo số liệu thống kê, tại TP.HCM có 106 doanh nghiệp KHCN đã đăng ký giấy phép hoạt động tại Sở KHCN TP.HCM. Các doanh nghiệp KHCN chủ yếu là tư nhân, chỉ có 1 doanh nghiệp KHCN của Nhà nước là Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung. Trong đó, chiếm đa số là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ lệ 39%), thông tin và truyền thông (chiếm tỷ lệ 28,6%).

Được biết, tổng chi ngân sách của TP.HCM cho hoạt động KHCN năm 2022 là 2.294 tỷ đồng. Trong đó, 31,9% chi cho hoạt động đầu tư phát triển KHCN. Tuy nhiên, số lượng đơn và bằng sáng chế của TP.HCM đến hết năm 2022 thì vô cùng khiêm tốn, chỉ có gần 4.007 đơn và gần 913 bằng.

TS. Bùi Thanh Luân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát cho biết, việc số lượng bằng sáng chế ít ỏi như vậy do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, nhập khẩu thiết bị, tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Luân chỉ ra, việc áp dụng miễn thuế với doanh nghiệp KHCN năm đầu phải có doanh thu 50%, là điều khó khả thi. Bởi doanh nghiệp KHCN mới thành lập thường chưa có lợi nhuận ngay, lại phải chi khá nhiều cho hoạt động R&D nên việc sinh lời trong những năm đầu rất khó.

TS. Luân chia sẻ thêm, trong hoạt động KHCN, việc nhập khẩu các máy móc là không thể thiếu, nhưng quy định nhập linh kiện máy móc về phải đóng thuế từ 12-28% khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vì thuế khá cao.

Việc tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp KHCN theo cách nhận định của TS. Luân là "trên trời" bởi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bất động sản thế chấp thì mới cho vay vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp KHCN mới thành lập thường ít vốn, không có tài sản đảm bảo, do đó gần như là không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

"Các sở ngành TP.HCM từng có nhiều cuộc họp với ngân hàng, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết được điều này", ông Luân chia sẻ. 

Ông Thân Thế Hào - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp Công nghệ Thuận Thiên chỉ ra điều khó khăn nhất trong hoạt động sáng chế của các doanh nghiệp KHCN là khâu thẩm định giá. Rất hiếm nơi có thể thực hiện được khâu này, khiến các doanh nghiệp KHCN loay hoay không thể tìm ra đầu ra cho hoạt động của mình. "Người ta yêu cầu thương mại hóa sáng chế nhưng thương mại kiểu gì khi không ai thẩm định được, cấp quyền được, góp vốn được. Giả sử có hàng loạt sáng chế nhưng không ai thẩm định được giá trị thì cũng vô nghĩa", ông Hào bức xúc. 

Đồng quan điểm, ông Trần Giang Khuê - Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ một số bất cập khác trong hoạt động sáng chế như các hoạt động mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu nhỏ nên khó nhân rộng, khó thương mại hóa, sản phẩm thường cải tiến thủ công nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, không đồng bộ, hạn chế tính năng. Có những sáng chế không mang tính thực tiễn do thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng: tra cứu thông tin sáng chế, tìm kiếm thị trường, kết nối đầu tư, hợp tác kinh doanh. 

Đặc biệt, sự thiếu đồng bộ về chính sách, quy định pháp luật; khiến điều kiện, thủ tục hưởng hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN còn nhiều khó khăn. "Các doanh nghiệp KHCN đang thiếu các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể của từng ngành, lĩnh vực như xác nhận kết quả KHCN; xác định tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ hình thành, ứng dụng kết quả KHCN; định giá công nghệ, sáng chế; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn với các vật liệu mới, công nghệ mới", ông Trần Giang Khuê cho biết.

-5503-1685069070.jpg

Cần nhiều biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng chế

Theo ông Hào, để giải bài toán thẩm định giá cho các hoạt động sáng chế của doanh nghiệp KHCN thì cần có đơn vị hỗ trợ định giá, giúp doanh nghiệp xác định được giá trị sáng chế của mình, trên cơ sở đó sẽ tìm đầu ra cho thị trường. Ngoài ra, phải có đơn vị đánh giá được thị trường, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp để mỗi đơn vị tự xác định giá trị của mình trên thị trường. 

Ông Hào cũng chia sẻ thêm, cần có quỹ đất cho hoạt động sáng chế vì hiện nay các doanh nghiệp đều thiếu mặt bằng cho hoạt động đổi mới sáng tạo và vận hành sản xuất, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Ông Khuê cũng khẳng khái cho rằng, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, quy định pháp luật về đổi mới sáng tạo, sáng chế và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, nghiên cứu, triển khai; hỗ trợ tài chính và các nguồn lực giai đoạn đầu; thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, ngân hàng; tạo cơ chế thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu KHCN với doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Trong đó, ông Khuê nhấn mạnh việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; ươm tạo công nghệ; nghiên cứu triển khai; tra cứu thông tin sáng chế, công nghệ; ứng dụng, hoàn thiện và phát triển sáng chế, công nghệ, nâng cao năng lực cho các nhà sáng chế, các doanh nghiệp KHCN; đào tạo, tập huấn kiến thức kỹ năng; tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá, truyền thông, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự án ươm tạo, hoàn thiện làm chủ công nghệ, trực tiếp sản xuất sản phẩm, dịch vụ từ kết quả KHCN để làm cơ sở phát triển thành doanh nghiệp KHCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Khó chồng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO