Doanh nghiệp xoay sở tăng nội lực

Ý Nhi| 26/04/2023 06:00

Kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, "sức khỏe" doanh nghiệp sẽ cạn dần nếu không nỗ lực tìm cách bám thị trường, đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp xoay sở tăng nội lực

Tìm cơ hội ở lĩnh vực mới

Mong muốn khi "lấn sân" sang đầu tư nông nghiệp, chủ yếu là trồng mía đường và cao su, dù nỗ lực cầm cự nhưng Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT ngày càng hụt hơi, lợi nhuận giảm sâu, doanh thu cao su không bù được giá vốn trong khi lợi nhuận mía đường không như kỳ vọng.

Tiếp tục xoay xở khi chuyển sang nuôi bò với định hướng nhập hơn 40.000 con bò từ Úc với khoảng 6.000 tỷ đồng, nhưng khó khăn từ cao su để lại cộng với biên độ lợi nhuận gộp của chăn nuôi bò không cao để đủ giải quyết nợ và phải đối mặt với khoản lỗ gần 2.000 tỷ đồng, HAGL lại xoay sang trồng cây ăn trái gồm sầu riêng, chanh leo, chuối, thanh long, xoài, mít, ớt... Thế nhưng, doanh thu trái cây cũng không "mỉm cười", tiếp theo đó là đại dịch Covid-19 khiến từ năm 2016-2021 HAGL không thuận lợi, lợi nhuận giảm, chật vật với các khoản nợ lớn, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Lại cố xoay xở, HAGL hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) chăn nuôi heo với tham vọng thịt heo ăn chuối thương hiệu Bapi Food sẽ tạo nên đột phá, nhưng mới đây, HAGL lại chuyển nhượng cho đối tác và đã được một doanh nghiệp tham gia nắm 35% vốn tại Bapi. HAGL hy vọng tăng thêm lợi nhuận cho năm 2023 khoảng 20-30% thông qua kế hoạch trồng thêm 2.000ha bắp và trồng rau củ quả Đà Lạt.

Theo chia sẻ của Bầu Đức với Tuổi Trẻ Online ngày 12/2/2023, giá heo cuối năm qua rất thấp, nhiều người bỏ chuồng. Năm 2023, với hai mảng cốt lõi là trồng chuối và nuôi heo, HAGL đang đối mặt với nhiều vấn đề khi thị trường tiếp tục đi xuống, nuôi heo cũng không lời. Hiện heo hơi vẫn ở trong tình trạng giá thấp và sức mua yếu. "Kỳ vọng giá chuối sẽ tăng vì Trung Quốc mở cửa trở lại và từ tháng 5 năm tới, giá heo sẽ hồi phục", ông Đức nói.

Link bài viết

Cũng nỗ lực bám thị trường, cuối tháng 3 vừa qua, giữa lúc sức mua giảm, ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) đã sản xuất kem tươi "kiểu Ý" nhưng nguyên liệu phần lớn từ nông sản Việt.

Thực ra, việc lấn sân sang thị trường kem của "vua bánh mì" này không lạ, vì ông Kao Siêu Lực vốn là một doanh nhân năng động, luôn tìm cách làm mới sản phẩm, làm mới lĩnh vực kinh doanh. Còn nhớ, trong đại dịch Covid-19, ABC Bakery đã "gây bão" khi ra mắt bánh mì thanh long ruột đỏ, "giải cứu" cho trái thanh long không có đầu ra. 

Chia sẻ lý do sản xuất kem tươi, ông Lực cho biết, trước khi bắt tay vào sản xuất kem tươi đã tìm hiểu rất kỹ thị trường. Kem trái cây tươi phù hợp với người trẻ, trái cây lại là nguồn nguyên liệu phong phú của Việt Nam. Và chiến lược sản phẩm mà ông chọn là phân khúc cao cấp.

Theo phân tích của "vua bánh mì”, kem Ý mềm, mịn, ít béo, nhưng ăn kem Ý với trái cây nhiệt đới thì "có phần thất vọng" vì họ sử dụng nguyên liệu công nghiệp không tươi mới như các loại trái cây chúng ta vẫn thường ăn và làm theo khẩu vị người Ý. Vì vậy, ông muốn dùng nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam để làm ra món kem "kiểu Ý" cho người Việt, vừa góp phần thúc đẩy chế biến sâu các loại trái cây, vừa có thêm sản phẩm mới thu hút người dùng. 

Ngoài kem dừa còn nhiều loại trái cây đặc trưng khác của Việt Nam như xoài cát, bơ, sầu riêng cũng đã được doanh nhân Kao Siêu Lực hoàn thiện công thức và chuẩn bị ra mắt thị trường. 

Dù vậy, cơ hội nào cũng đi kèm thách thức. Euromonitor đánh giá mức độ trung thành của khách hàng Việt với các thương hiệu kem không cao. Trong khi, hãng nghiên cứu thị trường IndexBox (Mỹ) cho biết Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia là những nhà cung cấp kem chính cho Việt Nam. Ba nước này cùng Pháp, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ, Úc và Slovenia chiếm hơn 67% thị phần kem nhập khẩu của Việt Nam. 

Mua bán, sáp nhập, thoái vốn để tăng nội lực

Những ngày gần cuối tháng 4/2023, thông tin Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát - chủ sở hữu thương hiệu nổi tiếng khu vực miền Nam có tuổi đời 36 năm, hơn 4.000 điểm bán hàng với các dòng bánh bao, bánh giò, bánh nướng, dimsum... và nhà máy sản xuất có diện tích hơn 22.000m2 tại TPHCM, công suất 10.000 tấn sản phẩm mỗi năm đã được Tập đoàn Kido (KDC) mua lại với mục đích mở rộng bán hàng ra miền Trung, miền Bắc, sau đó là thế giới.

Việc mua lại 25% cổ phần Thọ Phát là chiến lược quan trọng giúp Kido mở rộng danh mục thực phẩm tại thị trường Việt Nam. Sau đợt mua đầu tiên, cuối quý II năm nay, công ty sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên 51-70%. Sau khi mua Thọ Phát, năm 2023, Kido đặt kế hoạch doanh thu cùng với mảng bánh của tập đoàn, dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận 200 tỷ đồng. 

Link bài viết

Trước đó, Kido cũng linh hoạt thoái vốn khỏi Công ty CP Đầu tư - Thương mại TTV sau hơn một năm thành lập. TTV có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 61% thuộc sở hữu của Kido, đang vận hành chuỗi cửa hàng trà, cà phê thương hiệu Chuk để giúp chuỗi cà phê này hoạt động độc lập, có thể phát triển nhanh, linh hoạt hơn. Liên doanh Vibev (hợp tác giữa Kido và Vinamilk) cũng thông báo dừng hoạt động. Ông Nguyên cho biết, hiện tại thị trường khó khăn trong khi những liên doanh mới ra đời lại đi chậm. Nếu muốn đi nhanh sẽ phải đầu tư rất lớn nên sau khi cân nhắc, cách tốt nhất là ưu tiên "phòng thủ”.

z4295938160951-708c256e315f7cbc438d3d0ea

Ở lĩnh vực ngân hàng, các thương vụ M&A cũng được ghi nhận sôi động trở lại khi một số ngân hàng đã công bố bán vốn, bán công ty con cho các đối tác nước ngoài với giá trị lên đến hàng tỷ USD.

Đơn cử cuối tháng 3 vừa qua, VPBank công bố bán 15% cổ phần thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Thương vụ này thu về 35.900 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai tại Việt Nam.

Việc VPBank sáp nhập một ngân hàng yếu kém sẽ giúp ngân hàng này được cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với mức trung bình của ngành trong năm nay.

Ngày 8/4 vừa qua, Petrolimex cũng thoái 40% vốn tại PGBank, giúp PGBank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm "đứng im". Hiện PGBank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.

Thông tin tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hôm 11/4 cho biết, SHB và đối tác Krungsri đang hoàn tất các thủ tục bán SHB Finance. Dự kiến cuối tháng 4 này, hai bên sẽ hoàn thành các thủ tục và sang tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ, phần còn lại sẽ thanh toán vào ba năm sau.

Theo báo cáo của PwC, M&A sẽ còn tăng vào nửa sau năm 2023, khi các nhà đầu tư và giám đốc điều hành tìm cách giảm rủi ro ngắn hạn với chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ cao, cũng như phát triển các tệp khách hàng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp xoay sở tăng nội lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO