Doanh nghiệp dễ tìm vốn hơn từ trái phiếu?

KHÁNH PHƯƠNG| 23/03/2017 08:35

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu phát triển tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn, đồng thời giảm sức ép vốn đối với các tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp dễ tìm vốn hơn từ trái phiếu?

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo) thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, theo đó có những thay đổi quan trọng nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) tăng cường huy động vốn thông qua kênh trái phiếu. 

Đọc E-paper

Thống kê cho thấy trong năm 2016, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015. Kênh huy động qua thị trường trái phiếu đang ngày càng chiếm ưu thế và được DN ưa thích sử dụng thay vì tập trung vay vốn ngân hàng.

Dù vậy, quy mô của thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn khá nhỏ, chỉ chiếm 36,9% GDP, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng quy mô cũng chỉ đạt 5,27% GDP tính đến hết năm 2016, thấp hơn mức trung bình 22% của các nước trong khu vực. Tỷ lệ trên cũng rất nhỏ so với kênh tín dụng của ngân hàng với dư nợ tín dụng hiện tại hơn 11% GDP.

Theo Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thì trong 4 mục tiêu trọng tâm, Chính phủ đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Về cơ bản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu phát triển tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn, đồng thời giảm sức ép vốn đối với các tổ chức tín dụng.

Đối với DN phát hành trái phiếu cũng có nhiều lợi ích như được giải ngân toàn bộ vốn ngay lập tức thay vì phải giải ngân theo từng đợt và có lộ trình như khi vay vốn ngân hàng, kỳ hạn sử dụng vốn có thể dài hơn, lãi suất có thể thấp hơn và có tính cố định trong suốt kỳ hạn của trái phiếu thay vì vay phải chịu lãi suất thả nổi và có thay đổi theo định kỳ; đối tượng mua trái phiếu sẽ được mở rộng.

Theo nội dung Dự thảo, kỳ hạn phát hành trái phiếu của các DN trong nước hiện nay bình quân ở mức 4,85 năm, với lãi suất theo phương thức thả nổi và căn cứ vào lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm tại các ngân hàng thương mại lớn cộng biên độ từ 2 - 4%/năm tùy thuộc vào uy tín và thương hiệu của DN.

Nắm giữ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp gồm ngân hàng thương mại (khoảng 75,5% ), công ty chứng khoán (khoảng 13,21%), công ty bảo hiểm (khoảng 0,8%), quỹ đầu tư (khoảng 2,57%), nhà đầu tư cá nhân (khoảng 1,87%) và loại hình nhà đầu tư khác (khoảng 6,31%).

>>Huy động vốn cộng đồng: Cầu nối Kickstarter

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ ngoài nguyên nhân đến từ yếu tố kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tài chính vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, nhận thức của DN về việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa cao, thì những quy định hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc khiến DN e ngại phát hành trái phiếu, do đó vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn vay tại ngân hàng.

Tại Điều 13 của Nghị định 90/2011, điều kiện để DN được phát hành trái phiếu là "Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập". Vì vậy, Dự thảo đã bỏ điều kiện trên để giúp DN có nhiều thuận lợi trong huy động vốn qua kênh trái phiếu, kể cả việc phát hành trái phiếu để đảo nợ trong quá trình tái cơ cấu hoạt động DN.

Vì với thực trạng DN đang cần vốn để tái cơ cấu thì yêu cầu phải có lợi nhuận là rất khó. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, hiện nay với sự phát triển của thị trường vốn, thị trường trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức nên có thể tự đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Để bảo vệ nhà đầu tư thì quy định mới cũng yêu cầu chặt chẽ hơn về công bố, công khai thông tin của DN cả trước và sau khi phát hành trái phiếu, về đăng ký và lưu ký trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tạo điều kiện để DN công bố thông tin tài chính minh bạch. DN phải có trách nhiệm nêu rõ ảnh hưởng và mức độ của yếu tố ngoại trừ nêu tại báo cáo tài chính được kiểm toán.

Đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường thế giới, Dự thảo bỏ quy định về điều kiện, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính. Theo đó, cho phép DN phát hành trái phiếu nếu đáp ứng được điều kiện quy định, phù hợp với hạn mức vay thương mại nước ngoài hằng năm của quốc gia và các quy định khác của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của DN.

Về điều kiện các đợt phát hành trái phiếu, Dự thảo quy định theo hướng không yêu cầu DN đăng ký theo năm tài chính nhưng phải nêu rõ tại phương án phát hành, số lượng đợt phát hành và thời gian dự kiến phát hành nhằm giúp DN không phải xây dựng lại phương án phát hành, từ đó có thể giảm thiểu chi phí và thời gian chờ đợi.

Quy định của Dự thảo cũng thống nhất thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước với quy định của Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, cũng như hoàn thiện cơ chế báo cáo, công bố thông tin và đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp.

>>Cơ hội đầu tư mới tại thị trường vốn ASEAN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp dễ tìm vốn hơn từ trái phiếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO