Đất Angkor đang thời cho hàng Việt

CÁC NGỌC| 10/09/2009 06:01

Sáng sớm, đứng tại trạm kiểm soát cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), chúng tôi được chứng kiến những dòng người nối đuôi nhau từ tỉnh Tà Keo của Campuchia (CPC) sang VN đi chợ, đóng hàng sỉ.

Đất Angkor đang thời cho hàng Việt

Nhộn nhịp ở biên mậu

Sáng sớm, đứng tại trạm kiểm soát cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), chúng tôi được chứng kiến những dòng người nối đuôi nhau từ tỉnh Tà Keo của Campuchia (CPC) sang VN đi chợ, đóng hàng sỉ. Người dân CPC vận chuyển hàng VN qua cửa khẩu bằng đủ loại phương tiện, người mua ít thì chở xe gắn máy, xe đạp thồ hoặc đi xe buýt, người đóng hàng nhiều thì chở bằng xe tải. Họ mua đủ loại hàng, kể cả xi măng và những vật liệu xây dựng khác.

Chợ Long Bình là một đầu mối xuất khẩu rau củ quả sang CPC

Ở Long Bình (huyện An Phú, An Giang), một không khí nhộn nhịp khác của chợ đầu mối rau củ quả, hàng thực phẩm chế biến, đồ nhựa, đồ điện. Buổi sáng từng đoàn tàu, ghe từ CPC qua cửa khẩu Khánh Bình. Khi những người mua hàng đến, tiểu thương chợ Long Bình lăng xăng hẳn lên, người đang ăn sáng muộn cũng phải bỏ để lo bán hàng. Anh Thanh Dũng, chủ sạp đồ điện huy động thêm hai, ba người để đóng hàng và đưa hàng xuống ghe cho khách. Anh cho biết dân CPC thích quạt điện, nồi cơm điện, ăng ten, đầu DVD, đèn sạc của VN.

Buổi sáng trong nhà lồng chợ đông nhất, không có nhiều người phụ thì không kịp giao hàng cho khách bên kia biên giới. Người CPC mua hàng trả bằng tiền riel và đôla Mỹ, nên người bán ngày nào cũng phải cập nhật tỷ giá. Sau buổi chợ, tiểu thương đem tiền ra ngân hàng nông nghiệp hoặc ngay những bàn đổi tiền trong chợ để lấy tiền Việt thì mới có trả cho hàng Sài Gòn về. Buổi chiều trong nhà lồng vắng vẻ nhưng phía trước chợ Long Bình lại nhộn nhịp hàng rau củ quả đổ về và lập tức được cân giao xuống ghe để đưa về CPC, mỗi ngày cả trăm tấn.

DN CPC tiếp sức cho hàng Việt

Người dân CPC đang chuyển hướng dùng hàng VN thay cho hàng Thái Lan. Tám năm trước đây, UBND TP.HCM và UBND tỉnh An Giang đã phối hợp tìm đường cho hàng VN đến với người tiêu dùng CPC, một việc không dễ chút nào. Hội chợ Hàng VN chất lượng cao lần đầu tiên xuất hiện ở CPC năm 2002 đã xóa đi âu lo về an ninh, một lý do khiến DN VN không dám nghĩ đến mở thị trường CPC. Những người tổ chức hội chợ “mở đường” này còn nhớ, hệ thống âm thanh phải đưa từ VN sang, máy phát điện chạy phập phù. Những năm tiếp theo, cứ mỗi hội chợ hàng VN, người tiêu dùng CPC đến đông hơn, họ không đọc được chữ Việt nhưng thấy biểu tượng “bông lúa” là mua hàng.

Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn đã bán hàng sang CPC gần 20 năm, từ năm 2000 đến nay, mức tăng trưởng trung bình 25%/năm. Bà Lê Hồng Thuyên, chủ siêu thị Vinamart ở Phnom Penh cũng nhìn nhận nước hoa, xà bông, dầu gội và chất tẩy rửa của Mỹ phẩm Sài Gòn được chuộng vì giá vừa túi tiền của người bình dân CPC. Nhiều người dân CPC khi được hỏi đột xuất về hàng VN, họ đã nhớ được những tên Senko, Asia, Bifan (quạt máy), Biti’s, Bita’s, Hồng Thạnh (giày dép), Thiên Long (bút bi), Acecook, Gấu Đỏ (mì ăn liền), Kinh Đô, Bibica (bánh kẹo), Lix, Net (bột giặt), Diana (băng vệ sinh), Nhơn Hòa (cân), Bình Điền (phân bón)...

Theo ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thị trường CPC còn có tiềm năng phát triển mạnh vì đã nhận được sự ủng hộ, hăng hái liên kết của các DN CPC. Các DN tại CPC gợi ý DN VN nào muốn sang CPC kinh doanh hãy liên hệ, họ sẽ giúp đỡ hết mình, cung cấp thông tin thị trường và giới thiệu những cơ quan chức năng cần liên hệ ở CPC. Ông Lay Vannak, Phó tỉnh trưởng Takeo cho rằng, nếu các nhà sản xuất biết cải thiện chất lượng, đúng thị hiếu và khẩu vị người tiêu dùng CPC, giá cả phù hợp thì hàng VN sẽ vượt hẳn hàng Thái Lan. Ông khẳng định, nếu có chiến lược đúng đắn, VN sẽ là nguồn cung cấp hàng hóa phong phú cho người tiêu dùng CPC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất Angkor đang thời cho hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO