Đại nạn "hoa hồng"

PHAN HÒA BÌNH| 15/07/2016 06:35

Hoa hồng" đang là cơn ác mộng của ngành du lịch Việt Nam. Bởi vì một cửa hàng nhỏ xíu trên con phố đông khách du lịch qua lại cũng phải thực hiện "luật chơi đen tối" này nếu không muốn sập tiệm.

Đại nạn

Giới đi tour có người còn nhắc chuyện chỉ mấy ngày dẫn khách đến Ngũ Hành Sơn mua đồ đá, một hướng dẫn viên đã "trúng mánh" khoản "hoa hồng" 300 triệu đồng. Hoa hồng, ai cũng mê vẻ đẹp của nó, chỉ những nhà kinh doanh mới đau đầu khi phải tính thêm khoản tiền mà không biết do đâu cũng có tên "hoa hồng" vào giá thành sản phẩm hay dịch vụ. 

Đọc E-paper

"Hoa hồng" đang là cơn ác mộng của ngành du lịch Việt Nam. Bởi vì một cửa hàng nhỏ xíu trên con phố đông khách du lịch qua lại cũng phải thực hiện "luật chơi đen tối" này nếu không muốn sập tiệm.

Đội giá 30%

Anh Phan Văn Thanh - một người kinh doanh nhà hàng tại Hội An chuyên nhận khách có mức chi trả cao, kể chuyện từng kinh doanh ở đủ phân khúc khách hàng, nhưng cuối cùng anh đã chọn dòng khách nhiều tiền và trực tiếp tìm khách chứ không chờ hướng dẫn viên du lịch. Thời gian đầu, để duy trì hoạt động của nhà hàng mới mở, anh phải liên lạc với nhiều hướng dẫn viên, chi hoa hồng để họ đưa khách lẻ tới.

Mô hình dịch vụ của đơn vị này là khai thác sở thích trải nghiệm đời sống người dân địa phương làm nông nghiệp, sử dụng đất ruộng và công lao động của nông dân để tái hiện đời sống nông thôn xưa. Tuy nhiên, sau một thời gian, những người làm dịch vụ nhận thấy hoa hồng cho hướng dẫn viên du lịch đã làm giảm chất lượng dịch vụ khi hoa hồng chiếm 20 - 30% giá.

Việc đội giá vì hoa hồng, khách hàng lãnh đủ, và người cung cấp dịch vụ khó khăn khi tìm nguồn khách vì giá cao, chất lượng thấp, khó có nguồn khách ổn định và bền vững.

Sở dĩ các đơn vị kinh doanh dịch vụ, thương mại bất bình và coi việc chi hoa hồng cho hướng dẫn viên là bất hợp lý bởi họ đã phải chịu ép giá với mức cao của các đơn vị lữ hành, và giá thành phải cõng thêm khoản "hoa hồng" cho hướng dẫn viên mặc dù "mắt xích" này không có công tìm khách mà chỉ là người làm thuê cho các công ty lữ hành.

Một lần dạo trên Facebook, tình cờ tôi lọt vào trang của một số hướng dẫn viên du lịch, thấy có một người lên mạng xã hội này "rao" cho đồng nghiệp biết ở thành phố này, đơn vị nọ không chi hoa hồng cho hướng dẫn viên hoặc chi tỷ lệ thấp và cảnh báo để các hướng dẫn viên khác cùng hợp sức tẩy chay, trừng trị đơn vị ấy(!).

Từ đó mới hiểu, lực lượng hướng dẫn viên dù đã nhận thù lao từ các công ty lữ hành để đưa khách đi du lịch, nhưng vẫn có nguồn thu nhập béo bở từ việc đưa khách vào các điểm mua sắm để ăn hoa hồng. Khoản hoa hồng này, chủ dịch vụ đành nhắm mắt rút từ túi khách hàng.

Du khách chọn bưu thiếp kỷ niệm chuyến đi. Ảnh: Phương Hà

Nhiều người kinh doanh coi việc chi hoa hồng giống như đóng "hụi" cho bọn xã hội đen, dù bất bình cũng vẫn phải làm, nếu không, dù công ty lữ hành đã chỉ định điểm đến, nhưng nếu hướng dẫn viên chê hàng xấu, hàng đắt thì du khách sẽ nghe lời và không mua sắm. Sự thao túng ấy của người làm nghề hướng dẫn viên chẳng khác nào đã tham gia vào lực lượng xã hội đen đòi tiền doanh nghiệp. Nếu không vừa ý, họ lập tức lên mạng xã hội rêu rao, kêu gọi tẩy chay.

Tôi đã hỏi nhiều chủ doanh nghiệp về việc chi hoa hồng, đến 90% chấp nhận "sống chung với lũ”. Nhiều người cảm thấy rất bức bối với hành xử của một số hướng dẫn viên không tốt. Thậm chí trong khi chờ khách tham quan, họ rủ nhau bài bạc hoặc kéo nhau đến "ăn nhậu miễn phí” rất phản cảm.

Cuộc chiến đơn độc

Tuy vậy, tôi từng gặp vài người quyết tâm chống nạn chi "hoa hồng" đội giá sản phẩm bắt du khách phải chịu. Ở thành phố Hội An, các hướng dẫn viên đều né các cơ sở may đo thời trang của A.Đ Silk vì đơn vị này chủ trương không chi hoa hồng. Đó là đơn vị gần như duy nhất không hợp tác với các công ty lữ hành, không chung chi "hụi chết" cho hướng dẫn viên du lịch.

Ông D. - chủ doanh nghiệp này đã có chủ trương kinh doanh sòng phẳng ngay từ đầu, cố gắng để du khách hưởng trọn vẹn chất lượng sản phẩm may mặc đúng với giá thành. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ sở may đo của đơn vị này lập tức vắng vẻ.

Không chỉ lực lượng hướng dẫn viên tẩy chay, mà cả các lễ tân khách sạn, xe thồ, xích lô có tham gia vào việc giới thiệu khách ăn hoa hồng cũng tẩy chay khi nghe doanh nghiệp này từ chối việc đưa hoa hồng vào giá thành để chặt chém du khách. Để giữ vững lập trường kinh doanh, A.Đ Silk đầu tư vào nâng chất lượng sản phẩm, thương hiệu, quảng bá và đặc biệt cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng.

Tiếng lành đồn xa, đơn vị này vẫn tồn tại và phát triển mạnh, du khách vẫn đến may mặc, khách hàng cũ trở thành khách hàng trên mạng. Ông D. khẳng định, việc hướng dẫn viên du lịch đòi chi hoa hồng từ 20 - 30%, thậm chí có người đòi chi đến 40% là một cách làm ăn dối trá, làm doanh nghiệp không thể phát triển bền vững.

Du khách với vùng sông nước Hội An. Ảnh: Hòa Bình

Nhiều đơn vị may đo khác đã không thể phát triển mạnh thương hiệu và chất lượng vì mắc vào vòng "hoa hồng" cao quá mức, đã giảm tối đa chất lượng sản phẩm, vì thế cứ loay hoay giữa chất lượng sản phẩm - giá thành - uy tín với khách hàng.

Trường hợp anh Thanh kinh doanh nhà hàng nói ở trên cũng vậy. Cuối cùng anh đã chọn con đường tự tìm kiếm nguồn khách để giảm tối đa chi phí trung gian và tập trung vào chất lượng phục vụ. Thay vì xây dựng chuỗi dịch vụ phục vụ khách bình dân, anh Thanh xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm rất độc đáo để chinh phục dòng khách có khả năng chi trả cao, và xây dựng uy tín với các công ty lữ hành. Doanh nhân năng nổ này đã tự đi tìm thị trường, tự tìm khách hàng thay vì chờ các công ty lữ hành mang khách đến.

Anh Thanh khẳng định, mô hình của mình đã đứng được sau 3 năm thử nghiệm và lựa chọn hướng phát triển. Ngồi trên cánh đồng ven thành phố, nhìn du khách đi lại tham quan cuộc sống của người nông dân, tôi tin đó là mô hình đúng.

Người có liên quan trong chuỗi chi hoa hồng này chính là du khách. Hiện nay nhiều công ty lữ hành cắt luôn khoản tiền "tip" cảm ơn của du khách dành cho hướng dẫn viên, tức là khách du lịch không phải cho tiền "tip" sau khi kết thúc tour. Đó là một chiêu để các công ty lữ hành giảm giá tour và tăng sức cạnh tranh.

Tiền "tip" là một cách thể hiện văn hóa, điều đó không ai phản đối. Ngay cả "hoa hồng" cũng không xa lạ gì trong làm ăn, buôn bán. Nhưng tỷ lệ hoa hồng hợp lý sẽ làm cho thị trường chuyển dịch trôi chảy và mọi người cùng hưởng lợi. Tỷ lệ hoa hồng "khủng" vào tay những người không trực tiếp tìm nguồn khách, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn du khách mua sắm là gây thiệt hại cho cả người bán và người mua dịch vụ. Cuối cùng, "trăm dâu đổ đầu du khách".

Đừng nghĩ du khách là những người xài tiền không cần tính toán. Khi họ nhận ra đến một thành phố, một đất nước mà đem về những món hàng kém chất lượng với giá trên trời thì không bao giờ quay lại lần nữa.

>Nỗi lo mai một nghề tơ lụa truyền thống

>An Giang không mùa nước

>Bị động trước làn sóng du khách Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại nạn "hoa hồng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO