Cục Cạnh tranh sẽ giám sát hoạt động bán lẻ của Thế Giới Di Động

HOÀNG MY| 14/12/2017 09:23

Ngày 11/12, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết sẽ giám sát hoạt động cạnh tranh của Thế Giới Di Động sau khi công ty này thực hiện thương vụ mua lại 100% Công ty CP Thế giới số Trần Anh.

Cục Cạnh tranh sẽ giám sát hoạt động bán lẻ của Thế Giới Di Động

Ảnh minh họa

Theo Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế giữa 2 công ty hồi tháng 10, Thế Giới Di Động dự định mua 100% cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Trần Anh. Sau giao dịch mua lại, Thế Giới Di Động sẽ trở thành công ty mẹ của Trần Anh để trực tiếp quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của Trần Anh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã tiến hành thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế và khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường, Cục xác định giao dịch giữa Thế Giới Di Động và Trần Anh là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp dựa theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 và Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh. Giao dịch này tác động đến thị trường liên quan gồm thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Link bài viết

Việc mua lại 100% Trần Anh của Thế Giới Di Động tác động tới cấu trúc thị trường dịch vụ bán lẻ theo hướng giảm số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Giao dịch cũng làm gia tăng sức mạnh thị trường của Thế Giới Di Động sau tập trung kinh tế. Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh đánh giá mức độ gia tăng không đáng kể do Thế Giới Di Động trước và sau tập trung kinh tế đều là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin với thị phần hơn 30%.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thương vụ này không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên Cục sẽ tiếp tục giám sát hoạt động cạnh tranh của Thế Giới Di Động trên thị trường sau thương vụ mua bán này nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (nếu có) theo quy định của Luật cạnh tranh.

Phản hồi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Đặng Thanh Phong - người phụ trách truyền thông Thế Giới Di Động cho biết, thị phần mảng bán lẻ mảng công nghệ thông tin của Thế Giới Di Động khoảng 40% và Điện Máy Xanh chưa có con số chính thức, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng ở mức cao gần 200%.

Báo cáo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động, doanh thu đạt 53.292 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận đạt 1.811 tỷ đồng, tăng 36% cùng kỳ năm trước. Trong đó mảng điện máy đạt 23.340 tỷ đồng, tăng 186% nhưng doanh thu của chuỗi bán lẻ di động chỉ đạt 28.943 tỷ đồng, tăng 17%. Chuỗi Bách Hóa Xanh đạt doanh thu 1.010 tỷ đồng.

Hồi cuối tuần rồi, Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã thông qua phương án phát hành gần 16 triệu cổ phiếu riêng lẻ và cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ. Trong đó Thế Giới Di Động sẽ phát hành tối đa 6,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ 2,18%), có giá trị phát hành theo mệnh giá 67 tỷ đồng.

Có không quá 10 nhà đầu tư được lựa chọn trong đợt chào bán này và thời gian phát hành dự kiến ngay trong tháng 12/2017. Với giá chào bán riêng lẻ tối đa 110.000 đồng và tối thiểu 90.000 đồng/cổ phiếu, Thế Giới Di Động dự kiến thu về khoảng 603 - 737 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Các nhà đầu tự dự đoán khả năng 6,7 triệu cổ phiếu này được dùng để hoán đổi cổ phần từ một số cổ đông lớn của Trần Anh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm 11/12, cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) ở mức 127.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với mức giá tối đa dự kiến chào bán riêng lẻ.

Ông Phong cũng cho biết thương vụ Thế Giới Di Động mua lại Trần Anh còn vài chi tiết để hoàn tất hồ sơ và sẽ công bố thông tin chính thức ngay trong tháng 12 này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cục Cạnh tranh sẽ giám sát hoạt động bán lẻ của Thế Giới Di Động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO