Cơ hội bứt phá cho ngành bán lẻ năm 2025
Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ mô hình bán hàng đa kênh, tuy nhiên vẫn còn những thách thức đối với các nhà kinh doanh truyền thống. Năm 2025 hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội để bứt phá với những chiến lược và xu hướng đổi mới.
Điểm sáng từ bán hàng đa kênh
Theo Theo khảo sát của Công ty CP Công nghệ Sapo thực hiện với 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc, trong đó 33% ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2024. Nhóm này chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, với quy mô nhân sự nhỏ gọn dưới 5 người. Những nhà bán hàng này đã tận dụng hiệu quả chiến lược bán đa kênh và quảng cáo trực tuyến, giúp doanh thu phổ biến vượt mốc 500 triệu đồng/tháng.
Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm tiếp tục là những lĩnh vực dẫn đầu nhờ vào sức mua ổn định và chương trình khuyến mãi linh hoạt. Nhờ những chiến lược này, hơn 80% nhà bán hàng tăng trưởng kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2025, đặc biệt với việc áp dụng các hoạt động livestream và mở rộng trên các nền tảng mạng xã hội.
Bà Lê Thị Dung - Giám đốc Tăng trưởng Sapo, nhấn mạnh rằng việc bán hàng đa kênh không chỉ là hiện diện trên nhiều nền tảng mà còn phải tích hợp chặt chẽ giữa các kênh để mang lại trải nghiệm liền mạch, đặt khách hàng làm trung tâm. Theo bà “hợp kênh không chỉ giúp nhà bán hàng nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tối đa hóa doanh thu và xây dựng lòng trung thành của khách hàng”.
Trong khi đó, 66% nhà bán hàng cho biết doanh thu không tăng trưởng hoặc giảm, chủ yếu rơi vào nhóm kinh doanh truyền thống. Các nhà bán hàng này chưa tận dụng được hiệu quả của công nghệ và các kênh trực tuyến. Họ tập trung nhiều hơn vào các công cụ báo cáo chi phí, hiệu suất thay vì đầu tư vào quảng cáo và tự động hóa.
Xu hướng thận trọng tiếp tục được thể hiện khi 30% nhóm này cho biết họ sẽ duy trì hoạt động tương tự năm 2024, thay vì mở rộng quy mô kinh doanh. Điều này cho thấy, sự thiếu đột phá trong chiến lược là nguyên nhân chính cản trở sự tăng trưởng của họ.
Chiến lược bán hàng đa kênh tiếp tục là yếu tố quan trọng giúp các nhà bán lẻ đạt được tăng trưởng bền vững. Theo khảo sát, 55,7% nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu áp dụng mô hình này, với doanh thu trung bình từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng/tháng.
Nhà bán hàng đang kỳ vọng nhiều hơn vào công nghệ hỗ trợ kinh doanh, đặc biệt là khả năng hợp nhất các kênh bán hàng trên một hệ thống quản trị duy nhất. Điều này không chỉ giúp tối giản vận hành mà còn mang lại trải nghiệm đồng nhất và tối ưu doanh thu.
Cơ hội bứt phá
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là cột mốc quan trọng để ngành bán lẻ bứt phá, với 59% nhà bán hàng lạc quan về triển vọng kinh doanh. Các chiến lược chính được ưu tiên bao gồm mở rộng kênh bán hàng, đa dạng hóa sản phẩm và tối ưu hóa vận hành thông qua công nghệ.
Đầu tư công nghệ phù hợp với quy mô kinh doanh hiện tại là ưu tiên hàng đầu. Những giải pháp công nghệ như phần mềm quản lý hóa đơn, CRM hay chấm công sẽ giúp giảm gánh nặng nhân sự, đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh. Song song đó, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi linh hoạt hoặc ưu đãi nhỏ cũng là chiến lược quan trọng để giữ chân khách hàng và tăng tần suất mua sắm.
Thương mại xã hội (social commerce) tiếp tục là xu hướng nổi bật. Các nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng livestream và video ngắn trên TikTok, Facebook để tương tác trực tiếp với khách hàng. Kết hợp với các chương trình khuyến mãi đơn giản nhưng hiệu quả, họ có thể tăng cơ hội chuyển đổi đơn hàng mà không cần đầu tư lớn vào quảng cáo trả phí.
Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2025 đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá, đặc biệt khi hành vi người tiêu dùng chuyển đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Để tận dụng tối đa các cơ hội này, nhà bán hàng cần linh hoạt trong chiến lược, đầu tư vào công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Với những bước đi chiến lược và sự hỗ trợ từ các giải pháp công nghệ, ngành bán lẻ Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt những thành tựu vượt trội, khẳng định vị thế của mình trong khu vực.