Công nghiệp công nghệ cao Việt Nam: Giai đoạn "100% vốn nước ngoài"

HẢI ÂU| 17/07/2013 00:44

Hàng loạt thương hiệu công nghệ lớn tại Việt Nam đều rút khỏi các liên doanh và thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Xu hướng dịch chuyển này một mặt phù hợp với lộ trình mở cửa của Việt Nam, mặt khác theo tính toán của từng tập đoàn đối với thị trường Việt Nam: trở thành nơi tiêu thụ hay cơ sở sản xuất.

Công nghiệp công nghệ cao Việt Nam: Giai đoạn

Hàng loạt thương hiệu công nghệ lớn tại Việt Nam đều rút khỏi các liên doanh và thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Xu hướng dịch chuyển này một mặt phù hợp với lộ trình mở cửa của Việt Nam, mặt khác theo tính toán của từng tập đoàn đối với thị trường Việt Nam: trở thành nơi tiêu thụ hay cơ sở sản xuất.

Đọc E-paper

Sony rút, Samsung vào

Trong khi Sony, Toshiba rút khỏi Việt Nam thì Samsung hay LG lại có những đầu tư lớn cho các nhà máy tại thị trường này.

Rút "chiến thuật"

Đầu tháng 7/2013, những thông tin về việc Tập đoàn Samsung Electronics sẽ bỏ ra 96 tỷ đồng để mua lại 20% cổ phần của Công ty CP TIE (TIE), đối tác Việt Nam trong Công ty Liên doanh TNHH Điện tử Samsung Vina, biến Samsung Vina thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài bắt đầu lan đi.

Samsung Vina nhận giấy phép đầu tư từ năm 1995, khánh thành nhà máy vào tháng 9/1996, với tổng vốn đầu tư hơn 36,5 triệu USD và đây là liên doanh đầu tiên của Samsung tại Việt Nam. Khi đó, Samsung bắt tay với TIE để sản xuất hàng điện tử tiêu dùng như tivi, màn hình máy tính.

Thế nhưng, sau hơn 17 năm gắn bó, liên doanh này cũng "chia tay", dù có muộn hơn so với LG Electronics (Hàn Quốc), Sony Electronics (Nhật Bản)... Ngày 4/7, TIE thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina cho Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Thương vụ trị giá hơn 96 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách của phần vốn góp khoảng 30%. Sau khi chuyển nhượng thành công, Samsung Vina sẽ thành doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc.

Đây là kết cục có thể dự đoán khi Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể, kể từ năm 2009, các công ty FDI có thể thực hiện quyền sản xuất lẫn phân phối trực tiếp tại Việt Nam. Hơn nữa, theo lộ trình gia nhập FTA, từ năm 2015, nhiều dòng thuế sẽ cắt giảm xuống còn 0%, đây là điều kiện thuận lợi cho các hãng điện tử cắt giảm chi phí sản xuất thông qua hình thức nhập khẩu hàng hóa và phân phối.

Trước Samsung, các hãng điện tử của Nhật cũng đã có cuộc "rút lui" khỏi các cơ sở liên doanh sản xuất tại Việt Nam. Năm 2008, Sony tuyên bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam sau 14 năm tồn tại. Song, mãi đến năm 2012, Sony mới hoàn tất các thủ tục rút khỏi liên doanh với Công ty CP Viettronics Tân Bình.

Đến thời điểm này, Sony Việt Nam đã chuyển hẳn sang pháp nhân thương mại, tập trung vào việc nhập khẩu hàng nguyên chiếc, mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, bán hàng tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, một tên tuổi khác đến từ Nhật Bản là Toshiba cũng đã chấm dứt hợp đồng liên doanh với Công ty Vietronics Thủ Đức vào năm 2006 sau 10 năm đặt chân vào Việt Nam để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Trước động thái của các hãng điện tử ngoại đã có không ít những suy luận cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang tự "cởi trói" khi những ràng buộc không còn hiệu lực. Thậm chí, người ta không loại trừ khả năng, sau hơn một thập niên ồ ạt thu hút doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực công nghệ điện tử, Việt Nam sẽ không còn là lựa chọn trong bản đồ sản xuất công nghệ của thế giới.

Vào "chiến lược"

Với những diễn biến trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ba năm trở lại đây đã chứng minh chuyện các hãng ngoại rút mảng sản xuất tại Việt Nam không đơn thuần nằm ở nguyên nhân mở đường cho hoạt động thương mại mà còn xuất phát từ chiến lược chung của tập đoàn.

Điển hình, thời điểm 2008, mảng tivi bóng đèn hình của Sony đã không kịp trở tay trước những đối thủ lớn như Samsung với tivi màn hình phẳng. Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nhà máy sản xuất tivi của hãng này trên thế giới đều đóng cửa. Hiện, Sony tập trung cho lĩnh vực máy ảnh, smartphone thay vì tivi như trước.

Trong khi đó, song song với hoạt động thương mại, sau khi thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, Toshiba cũng tiến hành sản xuất nhưng ở một lĩnh vực khác. Ông Kunio Nakajima, Tổng giám đốc Công ty Sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam, cho biết, Toshiba cũng đã đầu tư mở nhà máy công nghệ cao, một trong số đó là xưởng lắp ráp xe máy Motor Factory ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Nói về chiến lược mở rộng đầu tư, đại diện Toshiba nhấn mạnh, trước mắt, Tập đoàn chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng có thể Toshiba sẽ cân nhắc trong thời gian sắp tới.

Hay trường hợp của Samsung, với những đầu tư trong thời gian qua cho thấy, hãng điện tử Hàn Quốc đang tập trung sản xuất điện thoại. Cụ thể, LG đang khảo sát để đầu tư một tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử và điện lạnh gia dụng.

Điều đó đồng nghĩa với việc thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam đang có sự chuyển hướng rõ nét và bước đầu định hình chiến lược của các tập đoàn công nghệ trong kỷ nguyên mới.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành Quỹ DFJ VinaCapital, thuộc Tập đoàn VinaCapital, cựu Tổng giám đốc Intel Việt Nam, phân tích, trong lĩnh vực công nghệ, các công ty sản xuất dù là phần cứng hay phần mềm đều mong muốn tìm các giải pháp để cắt giảm chi phí một cách đáng kể.

Do đó, khi đã quyết định xây dựng nhà máy, họ sẽ làm với quy mô lớn để giảm chi phí vận hành. Điển hình như Intel, Samsung, Nokia và Canon. Còn các công ty rút mảng sản xuất tại Việt Nam là do họ đã có những nhà máy ở một số quốc gia khác như Thái Lan hay Trung Quốc... đủ để đáp ứng nhu cầu của họ.

Trên cơ sở này, có thể thấy, Samsung đang đặt trọng tâm vào thị trường Việt Nam với ba nhà máy đang hoạt động. Tờ Korean Times cũng từng đề cập, Samsung đặt kế hoạch đầu tư 2,2 tỷ USD vào Việt Nam từ đây đến năm 2020, trong đó, điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam sẽ chiếm 50% lượng điện thoại của Hãng trên toàn cầu.

Trong khi đó, Intel sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, đến nay, nhà máy của họ đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đã giải ngân trên 300 triệu USD. Với mức độ giải ngân này, nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng "đi hết con đường" của Intel.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Thân Trọng Phúc, lý do đề Intel chưa tiếp đầu tư tại Việt Nam là do ảnh hưởng từ thị trường toàn cầu. Sự phát triển của Intel tại Việt Nam tùy thuộc vào sản phẩm con chip trong điện thoại di động, máy tính bảng...

Hiện nay, khoảng 98% smartphone trên thế giới đều sử dụng chip của ARM (công ty máy tính Acorn, có trụ sở tại Cambridge, Anh). Trong đó, các hãng sản xuất điện thoại lớn như: Apple, HTC, Samsung, Nokia... đều sử dụng các thiết kế chip từ ARM. Song, gần đây, Intel đã đạt được hai mục tiêu trong chip Atom là vừa mạnh vừa ít tốn pin.

"Theo dự đoán của tôi, trong vòng 6 - 7 tháng tới, nhiều công ty sẽ chuyển sang sử dụng chip của Intel và trong hai năm tới sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa Intel và ARM. Khi đó, tỷ lệ chip Intel được sử dụng trên toàn cầu có thể đạt 20%. Với nhu cầu như thế, nhà máy của Intel tại Việt Nam sẽ tăng năng lực sản xuất và chuyện họ giải ngân toàn bộ 1 tỷ USD là chuyện sớm hay muộn", ông Phúc nhìn nhận.

Theo ông Robin Martin, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách công nghệ và sản xuất của Tập đoàn Intel (Costa rica, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam), Nhà máy Intel Việt Nam đang vận hành tốt, ban đầu tập trung vào sản phẩm chipset cho thị trường của Intel trên toàn thế giới, nhưng Intel cũng đang chuẩn bị sản xuất mạch tích hợp (SoC) tại đây.

Bản đồ công nghệ Việt Nam đã hình thành

Hầu hết các tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ cao xuất hiện trong Top 500 công ty hàng đầu (xét theo doanh thu) của Tạp chí Fortune đều đã có mặt tại Việt Nam.

Cũng theo phân tích của ông Thân Trọng Phúc, việc thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Theo đó, xét tương quan giữa các quốc gia trong khu vực (ngoài Trung Quốc), bên cạnh Malaysia, Việt Nam là thị trường thu hút nhiều công ty sản xuất điện tử, công nghệ nhất.

Hầu hết các tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ xuất hiện trong Top 500 công ty hàng đầu (xét theo doanh thu) của Tạp chí Fortune đều đã có mặt tại Việt Nam. Với ngành công nghiệp điển tử, Thái Lan không bằng Việt Nam vì chi phí sản xuất quá cao (đối với ô tô, giá trị vài nghìn USD thì họ có thể chấp nhận chi phí cao, trong khi sản phẩm công nghệ chỉ vài trăm USD thì rất khó gánh chi phí cao).

12,64 tỷ USD

Xuất khẩu điện thoại và linh phụ kiện của Việt Nam đạt 12,64 tỷ USD trong năm 2012, tăng 97,7% so với năm 2011; trong đó, Samsung chiếm 98%. Việt Nam đang đặt mục tiêu xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử (điện thoại, linh phụ kiện, máy tính...) lên 40 tỷ USD vào năm 2017, tăng gần gấp đôi so với 20 tỷ USD trong năm 2012.

Malaysia thì đứng đầu nhưng nay chi phí cũng đã lên cao. Còn với Philippines, ngay như Intel, có thời gian 30 năm đầu tư vào đây nhưng cuối cùng phải rút khỏi thị trường này, dù chuỗi cung ứng của Philippines nhiều hơn Việt Nam. Lý do vì Chính phủ Philippines không có chiến lược hỗ trợ ngành rõ ràng.

Trong khi đó, Indonesia thì vị trí quá xa so với Trung Quốc và Malaysia nên sẽ không thuận lợi để đưa linh kiện xuống. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng e ngại một số vấn đề khác khi đầu tư vào Indonesia, điển hình như tình trạng động đất.

Do đó, có thể nhận thấy, ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang đứng ở thế Trung Quốc + 1 (China plus). Song, đây là "dấu cộng mờ", để trở thành "dấu cộng đậm" thì Chính phủ Việt Nam phải có động thái rõ ràng đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực, sau đó mới là hạ tầng.

Dù có nhiều tiềm năng nhưng bài toán của ngành công nghiệp công nghệ cao cũng còn khá loay hoay như công nghiệp xe hơi ngày nào: Việt Nam nên sản xuất nguyên chiếc hay chỉ tham gia vào một mắc xích trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành?

Bà Nguyễn Thị Như Phương, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết, ngành điện tử có kim ngạch xuất khẩu đứng trong tốp 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất nước năm 2010, năm 2011 đã xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử - máy tính, máy in, điện thoại di động, chip điện tử...

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực, nhưng với mức xuất khẩu tăng trưởng khá nhanh do thu hút được các dự án rất lớn từ vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam đã được đánh giá là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư. Song, về chiến lược, Việt Nam nên đi theo hướng nào? Chỉ đơn thuần là "công xưởng lắp ráp" của các hãng, là nơi gia công phần mềm, sản xuất các linh kiện cung ứng cho công nghiệp công nghệ cao hay xây dựng nền công nghiệp vi mạch, bán dẫn?

Ông Thân Trọng Phúc gợi ý, ở thời điểm này, Việt Nam nên tập trung phát triển chuỗi cung ứng để lôi kéo được nhà đầu tư có tên tuổi. Chẳng hạn, với điện thoại Samsung, hầu hết họ phải nhập khẩu các linh phụ kiện vào nhà máy tại Việt Nam, trong khi có những phụ kiện, doanh nghiệpViệt Nam vẫn có thể cung ứng được như: vỏ điện thoại, các bo mạch...

Dù hiện đã có một số doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng này nhưng quy mô còn khá nhỏ. Liên quan đến Samsung, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đang hoạt động tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) từng chia sẻ với báo giới, SEV hiện có 60 đối tác cung ứng linh phụ kiện như đa phần là đối tác nước ngoài vì họ đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật của Samsung trên toàn cầu.

Còn về việc sản xuất vi mạch, bán dẫn hay chip thì đòi hỏi chi phí lớn và có nguồn nhân lực tay nghề cao nên sẽ rất khó nếu Việt Nam đi theo hướng phát triển này.

Nếu Việt Nam tận dụng được chi phí nhân công thì chuỗi cung ứng là con đường ngắn nhất để đạt đến mục tiêu trở thành điểm đến của các công ty công nghệ toàn cầu. Khi đó, lao động của Việt Nam sẽ có thêm nhiều việc làm và cải thiện thu nhập và chắc chắn, GDP của Việt Nam sẽ tăng.

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành Quỹ DFJ VinaCapital, thuộc Tập đoàn VinaCapital: Việt Nam cần có đội ngũ kỹ sư giỏi

Các công ty công nghệ thường đi theo ba bước. Trước hết, họ sẽ đặt nhà máy sản xuất để tận dụng chi phí lao động. Chi phí này khá quan trọng và tùy thuộc vào thiết bị sản xuất mà nó thường chiếm từ 15 - 40%/tổng chi phí sản xuất của các công ty. Thông thường, trong vòng 5 năm đầu đặt cơ sở sản xuất, các công ty sẽ tận dụng được lợi thế này.

Sau đó, chi phí sản xuất tăng thì họ sẽ tận dụng nguồn nhân lực tại đây đề làm một số công việc khác. Đây là quá trình mà những quốc gia thu hút công nghệ cao như Trung Quốc hay Malaysia đã trải qua.

Điển hình cho trường hợp này như Intel. Intel đã vào Malaysia được 30 năm, đến thời điểm hiện nay, cơ sở sản xuất của Intel tại quốc gia này chủ yếu làm về thiết kế phần cứng, chế tạo một vài loại chip, bo mạch với điều kiện quốc gia đó có nguồn nhân lực dồi dào.

Kế đến, như các công ty như Intel, Samsung, Canon đang triển khai tại thị trường Việt Nam là thiết lập chuỗi cung ứng để tăng lỷ lệ nội địa hóa. Ở giai đoạn này, các công ty Việt Nam ngày càng có cơ hội được đào tạo để tham gia vào chuỗi cung ứng, thiết kế sản phẩm. Giai đoạn 3 là các công ty sẽ làm về thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D). Để thực hiện quy trình này, Việt Nam cần có đội ngũ kỹ sư giỏi.

Bà Nguyễn My Lan, Tổng giám đốc GE Việt Nam: Cần thêm 200 kỹ sư cho Trung tâm thiết kế tại TP.HCM

Trung tâm thiết kế kỹ thuật (TTTKKT) của GE được công bố thành lập vào cuối năm 2012 nhằm phục vụ cho việc thiết kế sản phẩm, phát triển các ứng dụng và dịch vụ thích hợp cho ngành dầu khí. Đây là một trung tâm kỹ thuật cao của GE với mong muốn mang đến các công nghệ sản xuất và kỹ thuật tiên tiến nhất của GE vào Việt Nam.

Trung tâm này sẽ phục vụ cho các nhu cầu phát triển trong ngành công nghiệp dầu khí tại Việt Nam và trong khu vực. Hiện tại, TTTKKT của GE đã tuyển dụng được 28 kỹ sư trên chỉ tiêu 40 kỹ sư cho năm nay và họ đã bắt đầu tham gia những khóa đào tạo như phát triển chuyên môn kỹ thuật, đào tạo các kỹ năng mềm cũng như kỹ năng quản lý.

Theo kế hoạch, trong những năm tới, GE mong muốn sẽ tuyển dụng được khoảng 200 kỹ sư cho trung tâm này. Kể từ khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện tuabin gió tại Hải Phòng vào năm 2010 với số vốn ban đầu là 60 triệu USD, đến nay chúng tôi đã đầu tư mở rộng sản xuất lên tới con số 130 triệu USD.

Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch triển khai đầu tư mở rộng nhà máy tại Hải Phòng giai đoạn 2, dự kiến tiếp tục mở rộng danh mục sản xuất các linh kiện cho tuabin gió và một số danh mục mới khác trong ngành dầu khí.

Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc nhà máy Intel Products Vietnam: Việt Nam có nhiều lợi thế trong khối ASEAN

Hiện nay nhà máy đang hoạt động theo đúng tiến độ và yêu cầu của Tập đoàn đã đề ra cho Việt Nam. Nhà máy đã tuyển dụng hơn 1.000 nhân viên và có khả năng đáp ứng gần 50% đơn hàng sản xuất chipset của cả hệ thống các nhà máy lắp ráp và kiểm định chip trên toàn cầu (hiện nay Intel còn tổng cộng 4 nhà máy ATM).

Tính đến cuối năm 2012, nhà máy Intel đã góp vào doanh số xuất khẩu chung của VN là 1,7 tỷ USD. Nếu so sánh ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam với các nước trong khu vực, tôi cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào cũng như vị trí quan trọng trong khối ASEAN.

Việt Nam cần tập trung vào các lợi thế của mình để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và phát triển các ưu thế và giá trị cộng thêm, các đề xuất chung cho Việt Nam gồm: tiếp tục đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở (điện, giao thông, sân bay...);

Đẩy mạnh việc xây dựng các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa; hoàn thiện xây dựng các chính sách công theo hướng hội nhập quốc tế và áp dụng qui trình thực hiện theo hướng nhanh gọn, minh bạch, tiết kiệm;

Tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ theo nhu cầu xã hội, cần tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực đào tạo kỹ thuật, tăng tỷ lệ bình đẳng giới trong lĩnh vực kỹ thuật cũng như thực hành ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp công nghệ cao Việt Nam: Giai đoạn "100% vốn nước ngoài"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO