Con tôm dưới sức ép đầu ra

Song Anh| 10/12/2019 07:00

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng cao trong các tháng cuối năm có thể sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu mặt hàng này, nhưng có thể không đủ bù đắp phần giá trị đang sụt giảm...

Con tôm dưới sức ép đầu ra

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn tăng trưởng, trong bối cảnh bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nguồn cung được cải thiện.

Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) giữa tháng 11/2019 đã phải thông qua việc đầu tư thêm 280 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú - Lộc An lên mức 720 tỷ đồng nhằm tăng vụ nuôi tôm trong năm.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu của Minh Phú xảy ra trong một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh kể từ đầu năm 2019. Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Minh Phú, lợi nhuận sau thuế của Minh Phú giảm mạnh trong quý I và quý II/2019, chỉ đạt hai chữ số.

Kết quả kinh doanh có phần được cải thiện trong quý III, lãi sau thuế trở về mức ba chữ số, nhưng vẫn sụt giảm so với quý III/2018. Biên lãi gộp đã giảm mạnh từ 17% trong quý III/2018 về 11,6% trong quý III/2019, làm cho lợi nhuận sau thuế quý III/2019 của Minh Phú giảm 23% so với cùng kỳ 2018.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng năm 2019, tôm Việt Nam xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 438 triệu USD, tăng 8,7%. Con số này cho thấy tình hình xuất khẩu tôm sang Trung Quốc được cải thiện sau thời gian sụt giảm vào những tháng đầu năm 2019 do nước này siết chặt thương mại đường biên mậu và tăng mạnh nhập tôm từ Ecuador và Ấn Độ. VASEP xác nhận, từ tháng 5 đến nay, nhu cầu nhập tôm của Trung Quốc từ Việt Nam cao hơn và doanh nghiệp nước ta đã bắt kịp nhu cầu ấy.

Link bài viết

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn tăng trưởng, trong bối cảnh bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nguồn cung được cải thiện. Giá tôm nguyên liệu tiếp tục nhích lên với tôm sú và giảm với tôm thẻ chân trắng.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg tăng 20.000đ so với tháng trước, lên 210.000đ/kg, cỡ 30 con/kg tăng 10.000đ lên 180.000đ/kg, cỡ 40 con tăng 30.000đ lên 160.000đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg giảm 4.000đ, xuống còn 112.000đ/kg, cỡ 70 con/kg giữ mức 105.000đ/kg, cỡ 100 con/kg giảm 5.000đ xuống 86.000đ/kg.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới đây ghi nhận sản lượng thủy sản Trung Quốc tăng nhẹ trong những năm gần đây, cụ thể tăng 8%, từ 59,7 triệu tấn trong năm 2014 lên 64,5 triệu tấn trong năm 2018. Các sản phẩm thủy sản chế biến vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng thủy sản của Trung Quốc với khoảng 61,4%, không thay đổi từ năm 2014-2018. Do năng lực chế biến cao, Trung Quốc luôn cần nguồn cung hàng thủy sản thô nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhưng vấn đề kiểm dịch thực phẩm đang ngày càng được chính quyền nước này thắt chặt.

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với 5 công ty xuất khẩu tôm Ecuador của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty Ecuador, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang trong thời kỳ tăng cường tích trữ nguyên liệu chế biến.

Từ cuối tháng 9/2019, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với 5 công ty xuất khẩu tôm của Ecuador do lo ngại về vấn đề virus đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tìm thấy trên tôm từ các công ty này. Trong tháng 10/2019, mặc dù quan chức Chính phủ Ecuador đã đến Trung Quốc thảo luận với hải quan nước này về vấn đề lệnh cấm, nhưng chỉ mới chứng minh được một trong số 5 công ty an toàn với dịch bệnh. Chính phủ Ecuador đang tiếp tục đàm phán cho đến khi lệnh cấm đối với 4 công ty xuất khẩu khác của Ecuador được dỡ bỏ, do Ecuador cho rằng các loại bệnh trên không xuất hiện ở nước họ và các kiểm nghiệm trước đó chưa từng phát hiện.

Năm nay, Tết Âm lịch diễn ra vào tháng 1/2020, nên nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng cao. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu đứng đầu về thị phần của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), Trung Quốc tiếp tục là thị trường duy trì được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh ngành tôm thế giới đang suy giảm, nhưng sẽ khó đạt mức tăng trưởng đột biến như năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con tôm dưới sức ép đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO