Cô cử nhân và bột bánh phở

Nguồn SGTT| 19/10/2009 07:36

Đang làm chủ một công ty may đang ăn nên làm ra, Nguyễn Thị Thanh Nguyên đột ngột bán hết sản nghiệp để chuyển sang nghề làm bánh phở.

Cô cử nhân và bột bánh phở

Đang làm chủ một công ty may đang ăn nên làm ra, Nguyễn Thị Thanh Nguyên đột ngột bán hết sản nghiệp để chuyển sang nghề làm bánh phở.

Nguyễn Thị Thanh Nguyên đang thao tác trên chiếc máy làm phở. Ảnh: Hồng Thái

Sự kiện chiếc máy làm bánh phở của công ty Hai Thiền triển lãm tại phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu của ITPC đã thu hút sự quan tâm của nhiều Việt kiều ở các nước Anh, Nga, Mỹ… Cái tên Hai Thiền đang bắt đầu được chú ý.

Một năm và một tỉ đồng

Máy làm bánh phở mini của Công ty Hai Thiền, giá khoảng 90 triệu đồng, sử dụng gas, công suất 25-30 ki lô gam/giờ. Máy cỡ vừa, giá khoảng 175 triệu đồng, công suất 50-100 ki lô gam/giờ. Máy loại lớn, công suất từ 150 ki lô gam/giờ.

Nguyễn Thị Thanh Nguyên, giám đốc công ty Hai Thiền, thẳng thắn: “Điều để tôi tự hào là bột bánh phở chứ không phải là máy làm bánh phở. Máy làm bánh phở chỉ là bắt chước thôi”.

Nguyên cho biết, chiếc máy làm bánh phở đã có cách đây hơn 10 năm, từ cái hồi nhà Nguyên còn làm bánh phở bỏ mối ở Bình Thuận. Cái máy hiện nay chỉ là bắt chước nhưng đã thu nhỏ kích thước, được thiết kế đẹp hơn, trông sạch sẽ hơn.

Khi sang Mỹ, Nguyên quan sát thì thấy các quán phở tại Mỹ chỉ bán bánh phở khô hoặc phở héo (giống như sợi hủ tiếu dai ở Sài Gòn), không hề có sợi phở tươi. Sợi phở dai nhưng có vị chua và mùi hơi mốc làm cho tô phở mất ngon, mặc dù nước phở ngon. Một chút tự ái dân tộc nổi lên trong Nguyên khi món phở là “quốc hồn quốc tuý” của Việt Nam, vậy mà sợi phở khô của Việt Nam lại không qua mặt nổi Thái Lan tại thị trường Mỹ, Nguyên chia sẻ.

Về nước, Nguyên bắt đầu nghiên cứu một loại bột bánh phở để có thể làm ra sợi phở tươi ở bất cứ nơi đâu. Bản thân là dân kế toán, tận dụng kinh nghiệm làm bánh phở của gia đình chưa đủ. Nguyên phải nhờ đến sự giúp đỡ tận tình của một người bạn gái tên Oanh đang làm kỹ sư hoá.

Hết tiền, nghiên cứu khô hoá bột bánh phở chưa xong, Nguyên tìm đến ngân hàng xin vay. Sau nhiều lần đi lại với bản kế hoạch khá dày, cuối cùng ngân hàng… từ chối. Nguyên bức xúc: “Mình làm ra một sản phẩm hoàn toàn Việt, có giá trị truyền thống vậy mà không được ủng hộ”.

Thử nghiệm cứ trong vòng lẩn quẩn: sợi phở dai thì phải chua, mà không chua thì lại không dai. Một năm thời gian và hơn một tỉ đồng, cuối cùng nghiên cứu khô hoá bột bánh phở cũng thành công. Nguyên tự hào: “Sợi phở làm từ bột của Nguyên dai và có vị ngọt tự nhiên. Phải cắn mới đứt”.

Bột và máy giúp tiết kiệm được năm ngày thời gian so với công đoạn làm sạch gạo, ngâm, xay, tráng bánh truyền thống. Với máy nhỏ, cho ra 25 – 30 ký phở/giờ, máy trung có công suất 70 – 100 ký phở/giờ. Ngoài bánh phở, máy cũng làm được bánh ướt, bún tươi sử dụng trong 36 giờ.

Hiện nay, công ty Hai Thiền sản xuất được 1 tấn bột bánh phở/ngày.

Bill Clinton và formol

Chị Nguyên thao tác trên máy làm bánh phở của Công ty Hai Thiền. Ảnh: Uyên Viễn

Có lẽ cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton sẽ rất ngạc nhiên khi biết có một cô gái Việt Nam dám mạo hiểm từ bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu là vì ông. Nguyên cho biết: “Hình ảnh ông Clinton bước vào quán phở 2000 khi sang Việt Nam khiến tôi cảm thấy rất tự hào. Việt Nam có món phở mà ngay cả tổng thống Mỹ cũng muốn thưởng thức”.

Và một nguyên nhân nữa thôi thúc cô gái 34 tuổi này phải thực hiện ngay dự định là chuyện trộn formol vào bánh phở. Nguyên bức xúc: “Vì kinh doanh mà không nghĩ đến sức khoẻ của người khác. Formol sẽ giết phở Việt Nam”.

Phở đã có từ lâu, với mong muốn đưa phở đi xa và mặc cái áo mới cho phở. Nguyên đã thêm gấc, bí đỏ, cải xanh để sợi phở có màu đỏ, vàng, xanh tự nhiên, bắt mắt hơn.

Ngoài thị trường trong nước, Hai Thiền đang hướng tới thị trường nước ngoài, trước mắt là Mỹ. Nguyên cho biết, một Việt kiều tên Lộc ở Hawaii (Mỹ) đang tiến hành thoả thuận để phân phối độc quyền bột bánh phở của Hai Thiền tại Hawaii. Hiện nay, công ty Hai Thiền đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền quốc tế tại Mỹ.

Có nhiều khách hàng ngạc nhiên và thích thú khi được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất bánh phở và thưởng thức tại chỗ. Nguyên cho biết đang chuẩn bị khai trương một quán phở với phương châm “Vừa được nhìn vừa được thưởng thức phở tại chỗ”.

Ông Hai Thiền tự hào về cô con gái út: “Có con theo nghề của gia đình, tôi rất tự hào. Tự hào hơn nữa khi tên Hai Thiền được đặt cho công ty của nó”.

Nguyên chia sẻ: “Nghề làm bánh phở nuôi sống cả gia đình tôi trong thời kỳ khó khăn. Anh chị em tôi ăn học thành tài cũng nhờ sợi phở. Tôi thấy tiếc vì trước đây cứ nghĩ “bụt nhà không thiêng” nên học nghề khác”.

Theo kế hoạch, cuối tháng 8 này, Công ty Hai Thiền sẽ chính thức vận hành nhà máy ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, chuyên sản xuất bột phở, bánh phở tươi và chế tạo máy sản xuất bánh phở, đồng thời đưa ra thị trường dòng sản phẩm bánh phở khô được làm từ khoai môn, bắp, gạo lứt, cũng như bánh phở, bánh hỏi, bánh ướt được làm từ bột phở trộn với các nguyên liệu như gấc, bí đỏ, cải xanh… “Chính sách giá của chúng tôi sẽ thấp hơn khoảng 20-30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường”, chị Nguyên cho biết.

Chị Nguyên cho biết thêm, khoảng tháng 9/2009, Hai Thiền sẽ khai trương một nhà hàng chuyên bán những món ăn Việt Nam được chế biến từ những sản phẩm của công ty và hoàn tất trang web www.haithienfood.vn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cô cử nhân và bột bánh phở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO