Chợ truyền thống: Đổi mới hay là chết?

Lan Anh - Thanh Thương| 08/04/2022 08:30

Đổi mới là cách duy nhất để "cứu" chợ truyền thống, nhưng đổi mới sao cho hiệu quả vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hai năm trở lại đây, gia đình chị Thu Ngọc (Q.12, TP.HCM) bỏ hẳn thói quen đi chợ. Lý do lớn nhất là giá cả hàng hóa.

"Sau nhiều lần mua và so sánh, tôi nhận ra mua ở siêu thị chỉ cần khoảng 300.000 đồng là có đủ thức ăn cho 2 vợ chồng ăn cả tuần, trong khi ra chợ có có thể đến 500.000-600.000 đồng. Vào siêu thị tôi nhìn rõ giá, thấy hợp lý thì mua, còn ngoài chợ nhiều khi người bán cân xong báo giá đành ngậm ngùi trả, lắm lúc biết là mua đắt nhưng nếu bỏ đi hay trả giá nhiều thì lại dễ gây to tiếng", chị Ngọc chia sẻ.

Chợ không còn là nơi duy nhất bán hàng

Theo ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Đông A Solutions, hầu hết chợ truyền thống còn giữ tư duy quản lý và vận hành của 40-50 năm trước, khi tiểu thương và người tiêu dùng đều phải cầu cạnh chợ để mua bán hàng hóa.

Tuy nhiên, theo xu thế thời đại, chợ giờ đây không còn là nơi duy nhất để trao đổi hàng hóa. Thị trường đang đón nhận sự tham gia của ngày càng nhiều kênh phân phối thuận tiện hơn, không ít nhãn hàng còn tự xây dựng cửa hàng riêng. Các chuỗi bám chặt xung quanh những khu dân cư mới với đặc thù dân cư khá tương đồng về nhu cầu, thu nhập, hành vi tiêu dùng.

Trong khi đó, các kênh online bán hàng không cần nguồn gốc, tiêu chuẩn, thuê mặt bằng hay thậm chí nhiều trường hợp không cần thuế/phí nên có thể giao hàng đến tận nhà với giá thấp. "Đợt dịch Covid-19 vừa rồi không phải là nguyên nhân mà chỉ là một sự kiện làm tăng tốc quá trình này", ông Việt nhấn mạnh.

Siêu thị 'mọc như nấm' ngay bên trong các chợ truyền thống từ vài năm trở lại đây, thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Lan Anh.

Siêu thị 'mọc như nấm' ngay bên trong các chợ truyền thống từ vài năm trở lại đây, thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Lan Anh.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM (TP), toàn TP hiện có hơn 200 chợ truyền thống, trong khi số cửa hàng tiện lợi lên đến hơn 3.100, siêu thị trên 100 điểm. Quy mô các chợ truyền thống ngày càng thu hẹp. Đến nay, khi cuộc sống bình thường mới đã được thiết lập, cũng chỉ 92% chợ hoạt động trở lại, số khác còn tạm ngưng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc không đủ tiểu thương đăng kí kinh doanh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ liên tục mở mới cửa hàng và phát triển nền tảng trực tuyến, giao hàng tận nơi. Không chỉ bị các kênh phân phối hiện đại bỏ xa về chất lượng dịch vụ, mức độ tiện lợi, thậm chí sự đa dạng và giá cả hàng hóa - vốn là thế mạnh của chợ, các khu chợ lớn lâu đời còn chịu "thua" chợ tự phát.

Tìm "đất sống" cho chợ truyền thống

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, đang có sự lệch pha trong phát triển các hệ thống phân phối. "Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực cải tạo chợ nhưng mức độ quan tâm đầu tư chưa xứng tầm. Lãnh đạo TP phải coi chợ là khâu bán lẻ rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất và thu nhập của người dân, địa phương", ông nói.

Tuy nhiên, cải tạo như thế nào là một bài toán khó. Ông dẫn chứng Hà Nội là địa phương điển hình chuyển đổi một số chợ thành trung tâm thương mại từ sớm như chợ Hàng Da, chợ Ô Chợ Dừa, chợ Cửa Nam... nhưng có đến 90% là thất bại và TP đã phải tạm ngừng cải tạo chợ theo mô hình này.

"Do chi phí đầu tư lớn, tiểu thương bị đẩy xuống tầng hầm dưới chịu tiền thuê sạp cao, việc buôn bán khó khăn làm cho chợ cóc, chợ tạm phát triển vô tổ chức...", ông nói.

Chợ đêm Bến Thành từng là điểm du lịch nổi tiếng với khách quốc tế. Ảnh: Văn Nguyện.

Chợ đêm Bến Thành từng là điểm du lịch nổi tiếng với khách quốc tế. Ảnh: Văn Nguyện.

Ông cho rằng việc quy hoạch, thay đổi chợ phải do Nhà nước đầu tư chứ không xã hội hóa toàn bộ, khấu hao dài hơi 20-30 năm để tiểu thương có thời gian hoàn vốn ban đầu. Đồng thời, việc cải tạo chợ lẻ phải đi đôi với xây dựng các chợ đầu mối hiện đại.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh quá trình này phải đi đôi với xây dựng bộ máy quản lý chợ, hạch toán đầy đủ chi phí quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, quản lý việc kinh doanh ngoài chợ cũng cần chú trọng để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa trong và ngoài chợ.

Trong khi đó, ông Trần Bằng Việt lại hướng đến việc đổi mới công năng các chợ. "Nếu coi chợ truyền thống như một nơi mua bán hàng hóa thì theo thời gian, loại hình này sẽ không còn đất sống. Hãy hình dung chợ như một nơi họp mặt, một không gian văn hóa, thể hiện bản sắc riêng của mỗi địa phương thông qua ẩm thực, đặc sản", ông nói.

Theo vị chuyên gia này, kể cả ở nhiều nước có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn Việt Nam, với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, như Trung Quốc hay Thái Lan, các chợ vẫn diễn ra nhộn nhịp, đem lại kết quả kinh doanh tốt. Do đó, ông cho rằng cốt lõi vấn đề nằm ở sự yếu kém trong quản lý và vận hành chợ truyền thống, chứ không hoàn toàn từ sự cạnh tranh của các kênh phân phối hiện đại.

Ông nhấn mạnh khi nào ban quản lý các chợ coi tiểu thương là nhân viên, còn người tiêu dùng là khách hàng để phục vụ, thì chợ truyền thống mới có thể hồi sinh mạnh mẽ. "Tương tự như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hãy làm một phép thử, giao những chợ này cho các doanh nghiệp bán lẻ tư nhân như Thế Giới Di Động, Masan... khai thác trong 5-10 năm, để họ quy hoạch lại chợ và đào tạo tiểu thương, tạo ra sự hài lòng nhất cho tiểu thương và khách hàng.

Tôi tin không doanh nghiệp nào bỏ qua cơ hội đầu tư kinh doanh tốt như vậy, đặc biệt với những ngôi chợ đắc địa như Bến Thành, An Đông...", ông Việt kiến nghị.

Trao đổi với báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết đang định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, trong đó đẩy mạnh lợi thế về nguồn gốc hàng hóa, giá cả hợp lý... Đồng thời, Sở sẽ làm việc cụ thể với các địa phương để đề ra giải pháp hiệu quả nhằm vực dậy và phát triển chợ truyền thống.

(Theo Zing)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chợ truyền thống: Đổi mới hay là chết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO