Chiếm lĩnh thị trường 2,3 tỷ USD

Lữ Ý Nhi| 23/08/2019 01:43

Thị trường mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe Việt Nam có giá trị 2,3 tỷ USD vào năm 2019 và dự báo tăng trưởng đến  5,4% đến 2023 theo công bố của Mintel đang mở ra triển vọng cho nhiều DN tham gia thị trường.

Chiếm lĩnh thị trường 2,3 tỷ USD

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tỷ lệ người Việt Nam chi tiêu cho mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe bình quân chỉ 4 USD/người/năm, trong khi Thái Lan là 20 USD, đã mở ra dư địa hấp dẫn để các doanh nghiệp (DN) tham gia. Tuy nhiên, 90% các thương hiệu chiếm lĩnh thị trường hiện vẫn là các sản phẩm nhập ngoại.

Theo số liệu  Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm TP.HCM, hiện Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần, EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản 17%, Thái Lan 13% và Mỹ 10%, các quốc gia còn lại đóng góp 7%.  

Với 10% thị phần, các DN mỹ phẩm Việt Nam chỉ trụ được ở phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số thị trường lân cận. Dự báo đến năm 2020, tầng lớp trung lưu là những người chi tiêu mạnh cho mỹ phẩm sẽ gia tăng lên con số 33 triệu người. Trong đó, 60-72% người tiêu dùng Việt Nam chịu trả tiền cho các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp thuần thiên nhiên, đặc biệt là những sản phẩm được cải tiến.

IMG-8034-JPG-7454-1566554850.jpg

Riêng thực phẩm chức năng (TPCN), PGS-TS. Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp Hội Thực phẩm chức năng cho biết, Năm 2000, khi TPCN mới vào Việt Nam chỉ có khoảng 63 mặt hàng và 100% là nhập khẩu. Sau 10 năm, con số này tăng lên hơn 3.700 mặt hàng với hơn 1.600 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Hiện nay, nước ta có khoảng 1.700 doanh nghiệp sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Ngoài ra, có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPBVSK. Theo các DN, có nhiều lý do để người tiêu dùng lựa chọn những dòng sản phẩm cao cấp đến từ các nhãn hiệu nổi tiếng, trong đó yếu tố chi phối đầu tiên là giúp người dùng cảm thấy tự tin với xã hội, tiếp theo  là an toàn sức khỏe và  thị trường đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có thương hiệu uy tín, những sản phẩm luôn được cải tiến, thiên về thiên nhiên và organic.

Theo ông Đáng, xu hướng tiêu dùng TPCN tại Việt Nam đang tăng lên, bởi TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, có tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, hỗ trợ làm đẹp, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị, tăng sức khỏe chung, tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật...

TS. Nguyễn Hưng Củng - Tổng thư ký Hiệp hội TPCN cũng cho biết: "Ở Nhật Bản, mỗi năm người dân nước này chi 200 tỷ USD cho các TPCN có nguồn gốc từ tảo, rong biển, cá tươi và được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh điều đó tỷ lệ thuận với tuổi thọ của người Nhật Bản hiện cao nhất thế giới. Chính vì vậy, TPCN đã trở thành ngành kinh tế phát triển trên toàn cầu".

Tham gia thị trường Việt Nam hai năm qua và đang có kế hoạch mở rộng đối tác kinh doanh và tìm nhà phân phối, ông Hiroshi Adachi - Giám đốc thương mại Công ty Nichiei Bussan Co, LTD cũng nhận định: “Thị trường làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, đặc biệt, người dân Việt Nam đã quan tâm hơn đến sức khỏe và làm đẹp, sẵn sàng chi tiêu cho khoản chăm sóc sức khỏe nên sức tiêu thụ rất lớn. Với bề dày hàng chục năm chuyên sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm chức năng từ bình dân đến cao cấp, cung ứng cho thị trường nội địa, được người dùng Nhận Bản đánh giá cao và khách du lịch tin dùng tìm mua khi đến Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội và đã  tự tin tham gia thị trường  để sản phẩm của Nichiei Bussan được mở rộng thị trường không chỉ sang Việt Nam mà còn ra các nước lân cận”.  

Ông Nguyễn Thanh Trí - Giám  đốc phân phối khu vực Lào, Campuchia, Việt Nam - Công ty Nichiei Bussan cho biết thêm: “Bên cạnh mỹ phẩm, Nichiei Bussan đang mở rộng kinh doanh và tìm đối tác để phân phối các sản phẩm TPCN, trước mắt là 7 sản phẩm chủ lực hỗ trợ điều trị và bảo vệ tim mạch, chống đột quỵ, làm sạch máu, phòng ngừa ung thư… như mầm đậu nành, giải độc gan, nấm linh chi…”.  Tuy nhiên, ông Trí cũng cho biết, việc mở đại lý chưa phải là mục tiêu của công ty vào thời điểm này mà mục tiêu chính là mang lại sự trải nghiệm, yêu thích sản phẩm và tạo dựng lòng tin của người dùng tại Việt Nam.

Bà Lan Hương - Giám đốc một công ty phân phối mỹ phẩm nhập khẩu online tại TP.HCM cho biết: “Lợi thế lớn nhất để  các công ty kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm, TPCN của Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đó là niềm tin của người dùng. Thực tế cho thấy, khi người dùng được giới thiệu sản xuất từ Nhật Bản… thì mức độ yên tâm được tăng lên và đó là lý do các sản phẩm Nhật luôn chiếm doanh số cao của công ty”.

Trước sự phát triển “thần tốc” của thị trường mỹ phẩm, TPCN và chăm sóc sức khỏe, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng không ít khó khăn và bản thân các công ty có uy tín, nhập khẩu đúng luật đang bị “thiệt” vì hàng xách tay tràn lan cạnh tranh giá rẻ, chưa kể chất lượng lại không bảo đảm. Bên cạnh đó, nạn hàng nhái cũng đang khiến nhiều nhãn mỹ phẩm gặp khó khăn. Đơn cử, các sản phẩm của The Face Shop và Innisfree đang bị giảm doanh số khi thị trường xuất hiện ngày một nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn mác thông qua hình thức “xách tay”, một DN nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiếm lĩnh thị trường 2,3 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO