Chế biến thực phẩm: Đấu trường "khép kín"

LỮ Ý NHI| 22/01/2015 08:30

Ngành chế biến thực phẩm theo mô hình sạch từ nguồn với quy trình sản xuất - tiêu thụ khép kín đã được áp dụng khá rộng rãi tại Úc, Hoa Kỳ, châu Âu, Thái Lan,... và hiệu quả kinh doanh khả quan.

Chế biến thực phẩm: Đấu trường

Các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam đang khép kín dần quy trình chăn nuôi - chế biến - phân phối để đối đầu với các tập đoàn nước ngoài như CP, Dabaco, Japfa, Cagirl hay Ausfeed-Mavin...

Đọc E-paper

Xu hướng tất yếu

Bộ Công Thương dự báo từ nay đến năm 2016, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người vào năm 2016 ước đạt khoảng 5,8 triệu đồng (tương đương 316 USD/năm).

ng David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Austfeed, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam, cho biết, ngành chế biến thực phẩm theo mô hình sạch từ nguồn với chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín đã được áp dụng khá rộng rãi tại Úc, Hoa Kỳ, châu Âu, Thái Lan,... và hiệu quả kinh doanh khả quan.

Theo khảo sát của Ausfeed, năm 2014, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Việt Nam vào khoảng 2,245 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2013. Song, ngành chế biến thịt tại Việt Nam lại có quy mô rất nhỏ. Hiện cả nước mới có khoảng 20 công ty có nhà máy chế biến thịt với công nghệ hiện đại, tổng công suất chưa đến 200.000 tấn/năm.

Tỷ lệ nhóm sản phẩm thịt chế biến mới chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thịt của Việt Nam. Trong khi đó theo xu thế phát triển, nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhanh tại Việt Nam sẽ rất lớn.

Nắm bắt xu hướng tất yếu của thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, chế biến để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cách đây 2 năm, Masan mua lại 40% cổ phần của Proconco, đặt nền móng cho Masan Consumer tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín thức ăn chăn nuôi, chế biến đến bán lẻ thực phẩm đã qua chế biến.

Mới đây, Công ty Vissan cũng đã công bố đầu tư 3.150 tỷ đồng vào cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc thịt đến chế biến cùng các nhà máy phụ trợ (đóng gói bao bì, chế biến gia vị...). Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Cuối năm 2014, thị trường bất ngờ xuất hiện thương hiệu dầu cá Ranee. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, giải thích lý do đầu tư phát triển sản phẩm này: "Chúng tôi nhận thấy trong 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra, thì trên 80% là dạng phi lê, 10% sản phẩm nguyên con cắt khúc, cắt khoanh, chưa đến 5% sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá tra với dầu cá, bột cá và collagen. Trong khi đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm lượng mỡ cá tra không dưới 140.000 tấn, nhưng chủ yếu dùng làm nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc, sản xuất dầu biodiesel và xuất thô với giá rất thấp. Vì vậy, Tập đoàn Sao Mai đã đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra với nhãn hiệu Ranee".

Tuy mới ra thị trường nhưng sản phẩm đã được tiêu thụ khá nhanh, nên Sao Mai đã quyết định đầu tư sớm hơn dây chuyền tinh luyện dầu cá thứ hai, công suất tương đương nhà máy hiện có.

Khi dây chuyền thứ hai đi vào hoạt động, gần như 100% mỡ cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể được tinh chế thành dầu cá cao cấp Ranee. Toàn bộ quy trình khép kín từ nuôi trồng - chế biến sản phẩm cá tra không bỏ đi một thứ gì.

Khó cũng phải cố

Năm 2014, Công ty Ba Huân đã đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm Ba Huân tại Long An với sản phẩm chính là thịt gia cầm chế biến, thịt gà tươi, lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, trứng cút, trứng vịt luộc, bột trứng, bánh flan và một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

Để chuẩn bị cho chuỗi sản xuất này, trước đó, Ba Huân đã đầu tư 320 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết: "Với việc đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm, Công ty Ba Huân đang khép kín quy trình từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi - con giống - chăn nuôi - bán các sản phẩm chế biến từ chăn nuôi. Hướng đi này sẽ giúp chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu, khép kín quy trình sản xuất, từ đó đảm bảo được chất lượng, nguồn hàng cung ứng. Đặc biệt, khi cân đối được đầu vào, đầu ra, chúng tôi sẽ có kế hoạch sản xuất ổn định, giá thành hợp lý ".

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực cung ứng gà, có ba nhà máy giết mổ ở An Nhơn, Đồng Nai, Long An với công suất giết mổ 30.000 con/đêm và trang trại chăn nuôi gà, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, càng nhận ra giá trị của chuỗi sản phẩm chế biến, vì vậy, San Hà không chỉ cung ứng gà sống mà đang cung cấp gà quay, vịt quay bằng lò quay điện ngay tại siêu thị.

Tuy nhiều tiềm năng, nhưng để thành công mô hình này vẫn còn khá nhiều thách thức với doanh nghiệp. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết: "Khó khăn nhất là vốn, nguồn nhân lực. Hiện nay, Nhà nước và các ngân hàng đang ủng hộ chính sách đầu tư sản xuất nông nghiệp nên chúng tôi được hỗ trợ về vốn.

Đó cũng là thuận lợi". Ông David John cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp có năng lực trong lĩnh vực này về cơ chế chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ về gen giống. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang gặp khó khăn về đất đai, thuế.

Bà Hà chia sẻ: "Dự án đầu tư vào chế biến thực phẩm của chúng tôi hiện còn rất nhiều trở ngại nhưng không thể không làm. Lý do là hiện nay, áp lực cạnh tranh rất lớn, nguồn cung trong nước lại bão hòa nên nếu chỉ quanh quẩn giết mổ sẽ không sống được. Cũng theo dự báo, trong năm 2015, khi chính sách bảo hộ bị dỡ bỏ, thịt gà, trứng của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể xuất khẩu tự do vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, với thực trạng con giống, công nghệ, quy mô đàn, giá thành... như hiện nay, sản phẩm chăn nuôi trong nước rất khó cạnh tranh với các nước trong khu vực".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chế biến thực phẩm: Đấu trường "khép kín"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO