Chế biến sâu - Nút thắt của cà phê Việt

Nguyễn Hoàng| 20/12/2019 06:00

Giá cà phê được dự báo tiếp tục tăng theo xu hướng của cà phê thế giới giữa lúc nguồn cung cà phê của Việt Nam giảm mạnh và đầu tư chế biến sâu vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Chế biến sâu - Nút thắt của cà phê Việt

Xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam chiếm tới 93%, còn tỷ lệ cà phê chế biến sâu, giá trị gia tăng cao chỉ khoảng 7%.

Chủ yếu xuất khẩu dạng thô

Giá trị mang lại từ xuất khẩu cà phê của Vĩnh Hiệp - một công ty có sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 100.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê nhân của tỉnh Gia Lai, đang tăng lên cùng xu hướng tăng giá cà phê trên thế giới. Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, chế biến sâu là phương thức được Vĩnh Hiệp lựa chọn để tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê thương hiệu L’amant ra thị trường thế giới. 

Việc đầu tư canh tác 45ha cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lắp đặt dây chuyền sản xuất cà phê chất lượng cao của Đức và liên kết với các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn đã giúp Vĩnh Hiệp có được sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, đầu vào cho cà phê L’amant chất lượng cao.

Giá cà phê tăng do lượng xuất khẩu cà phê của Brazil và Việt Nam giảm. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, xuất khẩu cà phê tháng 11/2019 ước đạt 109.000 tấn, giá trị đạt 188 triệu USD.

Theo đó, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,46 triệu tấn, giá trị đạt 2,52 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13% và 8,4%.

Link bài viết

Trong tháng 11/2019, giá cà phê thế giới biến động tăng. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2020 tại Sở Giao dịch Hàng hóa London tăng 80 USD/tấn lên 1.402 USD/tấn. Giá cà phê tăng do căng thẳng thương mại có dấu hiệu gia tăng khiến dòng vốn đầu cơ tháo chạy khỏi các sàn chứng khoán và đổ dồn vào các sàn giao dịch nông sản.

Giá cà phê còn có sự hỗ trợ từ tâm lý lo ngại rằng Brazil báo cáo xuất khẩu tháng 10 giảm, kết thúc chuỗi xuất khẩu tăng kỷ lục lịch sử và Việt Nam - nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, ước xuất khẩu niên vụ cà phê 2018/2019 vừa kết thúc giảm hơn 10% so với niên vụ cà phê trước đó.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ hai trên thế giới. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cà phê Việt Nam hiện được xuất sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu. Cà phê đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch chỉ ở mức bình quân 6,57% và giá trị hạt cà phê Việt Nam chưa được đánh giá cao.

Đầu tư chế biến sâu, vấn đề được nêu rõ trong danh mục ưu tiên đầu tư của hầu hết các tỉnh trồng cà phê. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam chiếm tới 93%, còn tỷ lệ cà phê chế biến sâu, giá trị gia tăng cao chỉ khoảng 7%. Trong khi đó, chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân.

Phải thay đổi toàn diện

Đề án phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng kinh phí khoảng 170 tỷ đồng. Hướng tới hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao tại trong nước và xuất khẩu. Đề án sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến; hỗ trợ 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao.

Nhìn vào thực trạng ngành cà phê hiện nay, đề án này là cần nhưng chưa đủ để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam. Điểm cốt lõi nhất, theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các tỉnh trồng cà phê phải thay đổi toàn diện phương thức trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến.

Tuy nhiên, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đầu tư vào cà phê chế biến sâu là không dễ dàng, đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng phương thức sản xuất hiện đại. Các doanh nghiệp cà phê đến nay vẫn chỉ được vay vốn ngắn hạn, lãi suất thấp nhất cũng phải 9%/năm, trong khi đầu tư vào chế biến sâu cần vốn trung và dài hạn. Chẳng hạn, đầu tư một hệ thống chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay có công suất 1.000 tấn, doanh nghiệp phải có ít nhất 10 triệu USD.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế, toàn cầu sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê thay vì dư thừa như báo cáo trước đó, do ước tính tiêu thụ toàn cầu tăng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta cũng có xu hướng tăng do thị trường cà phê hòa tan mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi. Nguồn cung giảm trong mùa vụ tới trong bối cảnh tiêu thụ toàn cầu tăng kéo giá cà phê tăng lên.

Giá cà phê tăng trong bối cảnh Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, mở ra cơ hội tăng xuất khẩu cà phê Việt Nam. Theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm có các chính sách cụ thể, thúc đẩy tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, phát triển liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Cà phê - ngành hàng chiếm 3% GDP cả nước, có kim ngạch xuất khẩu nhiều năm đều trên 3 tỷ USD. Những năm qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chế biến sâu - Nút thắt của cà phê Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO