Cần tiêu chuẩn khác cho nông sản vào EU

H.Nga - Đ.Bảy| 10/09/2020 03:07

Tuần trước, Bộ Công Thương công bố sau một tháng EVFTA có hiệu lực, hơn 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU đã được "xuất phát" từ Việt Nam. EVFTA liệu đã trở thành "liều thuốc thần" cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản vào EU?

lợi thế từ thuế?

Trong báo cáo cập nhật mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu tôm sang thị trường EU trong tháng 7 tăng nhẹ (khoảng 2%) sau khi giảm liên tục từ tháng 3-6 năm nay. Đến tháng 8 thì tình hình sáng hơn, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt khoảng 60 triệu USD. Cùng với cá tra, hải sản, con tôm có vị trí quan trọng mang phân nửa doanh số về cho ngành thủy sản và EU luôn là thị trường đứng thứ 4, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Sẽ không có gì phải bàn nếu tình hình thị trường không vướng dịch Covid-19. Càng không có gì bình luận nếu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi thuế từ EVFTA, hơn các đối cạnh tranh trực tiếp là Ấn Độ, Ecuador hay Thái Lan. Nhưng từ sâu thẳm tâm can của một người làm con tôm, gắn bó với thị trường EU lâu nhất trong số các doanh nghiệp thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) lại cho rằng chúng ta đang hồ hởi thái quá với hiệp định này. Lấy dẫn chứng từ Thuận Phước, trong tháng 8 cũng xuất khẩu 3.000 tấn tôm vào EU, nhưng đây là kết quả đàm phán từ đầu năm 2020, của những khách hàng nhập khẩu lâu năm, nên ông Lĩnh bảo đây không phải là lợi thế EVFTA mang lại. Ông nói thêm: "Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác cũng vậy, sở dĩ tháng 8 doanh số có thể tăng 20% là do các đối thủ cạnh tranh trực tiếp bị dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội nên xuất khẩu tôm bị gián đoạn, buộc nhà nhập khẩu phải tìm đến Việt Nam mua thế vô”.

bai-2-thuy-san-1-5892-1599708491.jpg

"Nếu dịch bệnh qua đi, với lợi thế thuế quan được ưu đãi, liệu doanh nghiệp Việt có dành được nhiều hợp đồng xuất khẩu thủy hải sản từ tay đối thủ?", nhiều doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nông sản đưa ra câu trả lời "không". Tại sao? Giám đốc một doanh nghiệp ngành tôm ở Cà Mau dẫn chứng, gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch Covid-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu các chứng nhận nuôi bền vững như ASC, BAP nhưng Việt Nam mới đạt khoảng 6%/tổng diện tích nuôi. Nguyên nhân là do tôm nuôi ở ta đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được.

Chủ tịch Công ty Thuận Phước còn chỉ ra hạn chế ngành nuôi tôm ở ta thường phải sử dụng con giống kém chất lượng, giá thức ăn cao, môi trường nuôi ô nhiễm... dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công đạt rất thấp, khoảng 30-50%. Điều này khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam luôn cao hơn 10-15% so với các đối thủ. Nên khi "EU giảm thuế không mang lại nhiều ý nghĩa, bằng chứng là doanh nghiệp Việt Nam không xuất được tôm nguyên liệu vào EU mà chỉ bán được tôm qua chế biến vì chúng ta cạnh tranh không lại", ông Lĩnh quả quyết.

Doanh nghiệp cần gì?

Vậy sau một tháng EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt vẫn trông chờ gì ở hiệp định này? "Chúng tôi cần cơ chế chính sách, các thủ tục thông thoáng. Cần Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, giám sát chất lượng để hàng hóa không bị dội về”, một doanh nghiệp làm gạo thẳng thắn nói. Trong khi, theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mặc dù gạo Việt Nam đã xuất khẩu vào hầu hết thị trường khó tính nhưng với chứng nhận VietGAP, gạo Việt không được các nhà nhập khẩu châu Âu chấp nhận vì còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là lý do thời gian qua, có nhiều lô hàng gạo nhập khẩu vào châu Âu bị trả về. Ngay cả với thị trường Trung Quốc, nhiều lô hàng gạo Việt Nam xuất vào thị trường này cũng bị trả về do không đảm bảo chất lượng. 

Để đưa nông sản vào châu Âu, doanh nghiệp cần đầu tư theo chuỗi giá trị nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng, canh tác, áp dụng công nghệ sau thu hoạch, làm thương mại... theo tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, để đưa gạo vào thị trường châu Âu, Vinarice đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng của Bureau Veritas (tổ chức độc lập của Vương quốc Anh).EU hiện áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật thuộc hàng cao nhất thế giới. EU cũng đề cao việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật hơn nhiều khu vực khác. Ngoài ra, các chuỗi bán lẻ của họ còn có tiêu chuẩn riêng. Trong khi đó, người tiêu dùng châu Âu lại đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các tiêu chí như mức độ sử dụng hóa chất, các vấn đề thương mại công bằng... Vì thế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của EU, đặc biệt là chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường...).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình cho rằng, thị trường EU có xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên, do vậy doanh nghiệp không chỉ kiểm soát nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm mà phải hướng tới các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch. Và nếu đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu thì có thể xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

Một vấn đề mà các chuyên gia lưu ý là doanh nghiệp không nên lo ngại Liên minh châu Âu sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng Việt Nam vào nước này sau EVFTA. Thực ra, châu Âu vốn là thị trường rất khắt khe, các tiêu chuẩn nhập khẩu đã được áp dụng từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Huy - chuyên gia tiêu chuẩn của Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho rằng, châu Âu rất minh bạch các vấn đề về thuế và tiêu chuẩn nhập khẩu. Những thông tin này đăng tải công khai trên web của họ. Bất cứ nhà xuất nhập khẩu nào cũng có thể tìm được những thông tin cần thiết về các tiêu chuẩn nhập khẩu vào EU. Tại đây, các thông tin về doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng sẽ được công khai.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tiêu chuẩn khác cho nông sản vào EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO