Cân bằng lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp

THẢO MAI| 08/04/2016 01:58

Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn hiện diện thì sẽ còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Cân bằng lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp

Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn hiện diện thì sẽ còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp (DN).  

Đọc E-paper

Nỗi lo không của riêng ai

Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều khiến NTD hết sức lo lắng. Trong những năm gần đây, tình trạng này không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn. Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2015, hơn 206.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị phát hiện.

Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho NTD mà cho cả DN sản xuất chân chính. Chỉ riêng mặt hàng tôn thép, theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, hằng năm, NTD bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ngân sách nhà nước cũng bị thiệt hại đáng kể do những chiêu trò gian lận của một số DN, đơn vị phân phối, đại lý mặt hàng tôn thép mạ và phủ màu.

Việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng của nhiều DN làm ăn bất chính đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Ông Trần Hùng - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) - cho biết, trong năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đơn cử như tại Hà Nội, quản lý thị trường đã bắt giữ trên 37.000 sản phẩm mỹ phẩm không hóa đơn, 20 tấn thực phẩm chức năng giả... Đó là chưa kể hàng ngàn trường hợp NTD bị "móc túi" khi mua phải hàng không đảm bảo các tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa...

Kết quả thanh tra tại 62 tỉnh, thành của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2015 về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn như sữa, bánh mứt, xà phòng, chất tẩy rửa, nông sản, bia rượu, nước giải khát, thủy sản, dầu ăn, bột gia vị... cho thấy rõ điều này.

Có đến 51% hàng hóa thiếu khối lượng so với công bố trên bao bì, không ghi nhãn mác hoặc không đúng đơn vị. Nhiều mặt hàng có tỷ lệ vi phạm các tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa... lên đến 25%. Nghĩa là cứ 4 sản phẩm được kiểm tra thì có 1 sản phẩm vi phạm.

Tìm giải pháp

LS. Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ với DN tại TP.HCM: "Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc tồn tại tỷ lệ nhất định sản phẩm không đạt chất lượng có thể hiểu được. Vì DN có giỏi và lớn mạnh cỡ nào cũng sẽ không tránh khỏi vấp váp. Điều quan trọng ở đây là cách DN xử lý khi phát hiện ra sản phẩm lỗi. Có nhiều hình thức xử lý và thương lượng là một trong những cách hay. Phương thức này có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề của DN và NTD.

Ở góc độ NTD, để bảo vệ quyền lợi của mình, NTD phải nắm được quy định pháp luật. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ban hành năm 2010 quy định NTD có 8 quyền.

Đó là quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...; quyền được chọn đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ; quyền góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ...; quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng...; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

NTD hiện nay có rất nhiều quyền mà nếu biết cách sẽ không chỉ bảo vệ được quyền lợi của mình mà còn góp phần bảo vệ những DN làm ăn chân chính. Với quyền được lựa chọn đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ, NTD có thể sẽ khiến DN gặp khó khăn, nhất là khi sản phẩm của DN bị tẩy chay. Vì "quyết định của một NTD không ảnh hưởng đến DN, nhưng khi nhiều người cùng lên tiếng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN", LS. Trương Thị Hòa nói.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, NTD phải hiểu rõ quyền của mình mới có đủ sức mạnh và vị thế để giao dịch công bằng, minh bạch với DN. NTD cũng nên phát huy quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

Khi có thông tin về các cơ sở sản xuất có dấu hiệu làm hàng giả, buôn bán hàng kém chất lượng, NTD nên chủ động báo cho các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an hoặc các cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD.

Ngược lại, DN cũng đừng vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua quyền lợi của NTD, vì bảo vệ NTD cũng đồng thời là bảo vệ những DN trung thực, những công ty tốt.

LS. Trương Thị Hòa cho rằng, nền kinh tế thị trường càng phát triển thì quyền lợi NTD càng được bảo vệ. Và ở đâu mà NTD được quan tâm thì nền kinh tế ở đó sẽ phát triển. Hội nhập với khu vực và thế giới, mới đây, chúng ta đã chọn ngày 15/3 làm Ngày Bảo vệ quyền lợi NTD.

>Xây dựng văn hóa tiêu dùng

>6 lý do khiến khách hàng tiêu dùng sản phẩm của bạn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cân bằng lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO