![]() |
Những con số đáng mừng
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn do đại dịch và thiên tai ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế. Trong đó, việc vận chuyển hàng hóa có ưu thế đến các thị trường và có thể bán được là không dễ. Trong ngành công nghiệp thì rất nhiều nhà máy cần phải có chuyên gia nước ngoài và lao động tay nghề cao nhưng vì phải giãn cách do đại dịch nên họ không thể quay lại Việt Nam.
Song, năm 2020 chúng ta tự hào đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, đã đạt những thành quả đáng mừng, như xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất siêu ở mức cao kỷ lục, 19,1 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt trên 500 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm 2020, ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng rất tốt với giá trị tăng thêm 3,36% và quan trọng nhất là đảm bảo được những mặt hàng thiết yếu cho các ngành, các địa phương.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, lúc đầu Chính phủ không cho xuất khẩu khẩu trang y tế, chỉ để dành trong nước sử dụng, nhưng sau khi Bộ Công Thương tập trung động viên các nhà máy dệt may sản xuất khẩu trang vải và khẩu trang y tế thì không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn bán cho một số nước. Đó cũng là cách giúp ngành dệt may vượt qua tình trạng thiếu đơn hàng, khách hàng nhiều nước hủy đơn hàng đã ký kết.
Song song đó, hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương cũng được đổi mới mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và nông dân.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, đóng góp vào thành công năm nước ta làm Chủ tịch ASEAN, đồng thời tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, đặc biệt là những hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn, như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...
![]() |
Còn khó nhưng nhiều lạc quan
Về kế hoạch năm 2021, có thể khẳng định vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm bàn luận sôi nổi vừa qua, đó là việc liệu Mỹ có áp thuế cao lên những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hay không. Theo nhiều nguồn tin thì việc áp thuế của Mỹ sẽ được áp dụng vào ngày 18/12/2020, rồi đến ngày 25/12/2020, thậm chí là ngày 18/1/2021 với tỷ lệ thuế là 25%, rồi 10%. Dù chưa có quyết định chính thức từ phía Mỹ nhưng nếu khả năng này xảy ra và mức thuế chỉ tính 10% thôi, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể thua lỗ. Bởi nếu lấy con số xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2020 là 80 tỷ USD thì nếu bị áp thuế, đã mất đi 8 tỷ USD. Song quan trọng nữa là nếu bị đánh thuế cao thì buộc phải cộng vào giá bán. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam khó bán được hàng vì sức cạnh tranh bị giảm do hàng hóa của nước khác không bị áp thuế. Thực tế cho thấy vừa qua, khi Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, nên có chuyện họ chuyển sang Việt Nam, rồi lấy xuất xứ từ Việt Nam để xuất hàng đi Mỹ.
Có nhiều người lo lắng cho rằng, tại sao Việt Nam chưa có hành động gì, vì nếu bị áp thuế cao thì doanh nghiệp rất thiệt, ảnh hưởng không những xuất khẩu mà còn đến cả thị trường trong nước, ảnh hưởng đến đầu tư từ nước ngoài; một số doanh nghiệp các nước muốn sang Việt Nam làm ăn để tận dụng mức thuế hợp lý nhưng nay lại bị áp thuế cao từ Mỹ thì họ sẽ không còn mặn mà đầu tư nên có thể chuyển sang nước khác có điều kiện tốt hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã lập một tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công Thương với vai trò đảm nhiệm Hội đồng Thương mại - Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ để làm đầu mối liên lạc, đàm phán, trao đổi thông tin với các cơ quan đại diện thương mại Mỹ về kế hoạch Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam.
Năm 2021, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu kép là vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Năm 2020 chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu này nên tin rằng năm 2021 cũng sẽ làm được và làm tốt hơn.
Quốc hội và Chính phủ đã giao chỉ tiêu năm 2021 là tăng trưởng GDP 6,5%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 8% so với năm 2020... Riêng về điện, việc cân đối về điện giữa sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 5,2-8,1% so với năm 2020. Đó là những chỉ tiêu lớn trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và kinh tế thế giới nếu có tăng trưởng dương cũng ở mức rất thấp, đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và doanh nghiệp phải hết sức cố gắng thực hiện.
Bộ Công Thương sẽ nỗ lực, chủ động nâng cao hiệu quả phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thảo Minh ghi
Ý KIẾN CỦA BẠN