Biên Mậu trái cây Việt-Trung: Có dừng tại Lục Ngạn

CÁC NGỌC| 23/06/2009 08:06

Khi hay tin các quan chức UBND tỉnh Bắc Giang sẽ vào TP.HCM để tìm những nhà phân phối lớn, giúp cho các trang trại, nhà vườn trồng vải thiều ở tỉnh không bị ép giá bởi thương nhân Trung Quốc (TQ), chủ vựa trái cây Mười Hòa Khánh khẳng định...

Biên Mậu trái cây Việt-Trung: Có dừng tại Lục Ngạn

Khi hay tin các quan chức UBND tỉnh Bắc Giang sẽ vào TP.HCM để tìm những nhà phân phối lớn, giúp cho các trang trại, nhà vườn trồng vải thiều ở tỉnh không bị ép giá bởi thương nhân Trung Quốc (TQ), chủ vựa trái cây Mười Hòa Khánh khẳng định: “Không thể tạo đối trọng nếu mãi thiếu hai điều kiện cần: kho lạnh và liên kết điều hành thị trường”.

Trái vải Lục Ngạn đang tìm thị trường tại các tỉnh phía Nam - Ảnh: Quý Hòa

Ít hàng, giá vẫn giảm

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay Bắc Giang mất mùa vải thiều. Với diện tích trồng vải trên 40.000ha, năm 2008, cả tỉnh thu gần 214.000 tấn quả tươi, nhưng năm nay, dự kiến sản lượng chỉ đạt 123.000 tấn. Vào mùa thu hoạch, chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đều tập trung lo điều hành việc tiêu thụ vải vì đó là nguồn thu nhập chính của người dân nhiều huyện, nhất là ở Lục Ngạn.

Thế nhưng, niềm hy vọng tiêu thụ nhanh, được giá mau chóng tan biến khi chưa được nửa tháng, thì từ ngày 7/6 đến 10/6, tại cửa khẩu Lào Cai, hàng trăm tấn trái vải tươi do thương nhân VN xuất khẩu đã bị tắc nghẽn do phía TQ chỉ mua với giá  bằng một nửa trước đó (10.000đ/kg - 13.000đ/kg xuống còn 5.000đ/kg).

Thương nhân trong nước lo lắng nghe ngóng tình hình, chưa dám mạnh tay thu mua tiếp. Trong khi đó nhiều thương nhân TQ đến tận Lục Ngạn trực tiếp thu mua vải chuyển đi liên tục, hầu như họ là người quyết định giá cả trái vải.

Nóng ruột khi thấy người trồng vải đã mất mùa lại bán không được giá, UBND huyện Lục Ngạn và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Sở Công Thương Bắc Giang đãtổ chức mở rộng thị trường cho trái vải tại các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, rồi sang cả Campuchia và Lào, với mong muốn các thương nhân trong nước giúp tiêu thụ vải thiều có giá để làm đối trọng với thương nhân TQ.

Cảm thông với sự lo lắng của chính quyền tỉnh Bắc Giang, nhưng đại diện lãnh đạo một hệ thống siêu thị được hy vọng sẽ là đầu mối quan trọng lại tỏ ra dè dặt:

“Đợi xem bên tỉnh Bắc Giang nói gì, chứ mua bán phải coi chất lượng, điều kiện giao hàng, giá cả. Vải đang bán trong siêu thị là do những công ty chuyên về trái cây lâu nay cung cấp, chứ đâu có nhà vườn nào từ ngoài Bắc chở vải vào bán tận nơi. Có tiêu thụ trực tiếp vải của Bắc Giang thì cũng chỉ cung cấp cho các siêu trong hệ thống với số lượng nhất định”.

Chuyện không phải bây giờ mới thấy

Không thể phủ nhận vai trò các thương nhân là chủ các vựa trái cây đầu mối ở mỗi tỉnh, thành. Được hỏi “nghĩ gì khi có quá nhiều thương nhân TQ đến tận Lục Ngạn trực tiếp thu mua vải thiều”, những chủ vựa trái cây lớn ở phía Nam buông câu ngắn gọn: “Phải đến thế thôi!”.

Khẳng định thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam còn có thể tiêu thụ trái vải nhiều hơn hiện nay, nhưng chủ vựa trái cây Mười Hòa Khánh (Cái Bè, Tiền Giang) cho rằng thương nhân trong nước đang thiếu hai điều kiện quan trọng để làm chủ thị  trường trái cây, phân phối trong nước cũng như xuất khẩu, đó là không có kho lạnh và tính liên kết giữa các thương nhân để điều hành thị trường.

Bà Mười phân tích, trái vải sau khi hái, vỏ mau biến đổi màu nên không để lâu được sẽ khó bán, có khi lỗ. Muốn thu mua đều đặn, giá ổn định thì thương nhân phải có kho lạnh trữ hàng đưa dần ra thị trường. Tuy nhiên, muốn xây dựng kho lạnh thì những doanh nghiệp lớn mới có thể làm được, hoặc cần sự liên kết của nhiều thương nhân.

Ngay ở Bắc Giang cũng cần có một đầu mối phối hợp với thương nhân xây dựng kho lạnh và điều hành tiến độ thu mua trái vải. Nhiều người đồng ý kiến với bà Mười rằng, thương nhân TQ làm được việc điều khiển thị trường trái vải ngay tại Lục  Ngạn chính vì họ có tinh thần liên kết, bắt tay nhau chặt chẽ.

Việc vải thiều VN bị ùn tắc ở cửa khẩu cũng do kiểu mạnh ai nấy làm, mua thì tranh mua đẩy giá trồi sụt thất thường, không ai nắm được nhu cầu tiêu dùng ở. Thương nhân xuất khẩu nhãn, dưa hấu ở các tỉnh phía Nam sang TQ đã từng “nếm những trận đòn đau” tương tự.

Việc xây dựng các kho lạnh ở hai miền Nam - Bắc là cần thiết không riêng cho vải thiều mà cho tất cả trái cây VN được định hướng xuất khẩu sang TQ và tiêu thụ ổn định, được giá ngay trong mùa thu hoạch ở thị trường nội địa. Đừng nghĩ đây là sự hình thành nhóm độc quyền phân phối mà là nhóm điều hòa cung - cầu thị trường cho trái cây VN.

Họ sẽ phải nắm sản lượng hằng năm để điều phối thu hoạch, đưa ra khoản giá giao động nhất định để cùng tuân thủ.Nếu cứ đầu vô đều, đầu ra đều thì nông dân, thương lái, tiểu thương lẫn doanh nghiệp đều được lợi và không thương nhân TQ nào can thiệp vào thị trường được.

Đó là việc cần giải quyết cấp bách bởi chuyện không phải bây giờ mới thấy, càng chậm thì chẳng những biên mậu trái cây Việt -Trung không dừng điểm tại Lục Ngạn, mà có thể sẽ tiến đến các vùng miền khác của VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biên Mậu trái cây Việt-Trung: Có dừng tại Lục Ngạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO